(Tổ Quốc) - Hơn 5 triệu người dân Vũ Hán hiện không thể trở về nhà hay đi bất cứ đâu vì nỗi ám ảnh do virus corona gây ra.
Theo báo cáo, hiện có khoảng hơn 5 triệu người dân Vũ Hán rời khỏi thành phố trước lệnh phong tỏa. Vì vậy, hiện nay những người này đang trở thành mục tiêu tìm kiếm của giới chức và phải chịu sự kì thị của người khác. Ngay cả những người không có triệu chứng bệnh cũng bị tẩy chay.
Một người đàn ông đã bị khách sạn từ chối khi anh xuất trình chứng minh thư. Một người khác bị dân làng xua đuổi. Còn một người nữa đã bị rò rỉ thông tin cá nhân trên mạng khi đăng kí thông tin với chính quyền.
Những người bị ruồng bỏ này đều đến từ Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc và đang là trung tâm của bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra. Virus này đã giết chết hơn 500 người và trở thành một nỗi lo sợ cho người dân toàn cầu. Họ chỉ là một trong số 5 triệu người dân Vũ Hán hiện không thể trở về nhà hay đi bất cứ đâu vì nỗi ám ảnh do virus corona.
Đầu tháng 12, các trường hợp nhiễm virus corona đã được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nhưng phải đến ngày 23/1 chính quyền mới ban hành lệnh phong tỏa. Trong thời gian này, có khoảng 5 triệu người sinh sống tại Vũ Hán đã rời khỏi thành phố để về quê hoặc du lịch nhân dịp Tết Nguyên đán.
Từ việc rò rỉ thông tin đến việc bị xua đuổi, kì thị
Chính quyền địa phương mất khoảng 5 ngày để liên lạc với Harmo Tang, một sinh viên đại học đang học ở Vũ Hán và đã trở về quê nhà ở Linhai, phía đông tỉnh Chiết Giang. Anh Tang cho biết anh đã tự cách ly mình sau khi các quan chức địa phương hỏi về thông tin cá nhân bao gồm tên, địa chỉ, số điện thoại, số chứng minh nhân dân và ngày trở về từ Vũ Hán. Vài ngày sau, thông tin về Tang bắt đầu được lan truyền cùng với một danh sách những người đã trở về Linhai từ Vũ Hán.
Các quan chức địa phương không đưa ra lời giải thích nào nhưng đã quay lại vào vài ngày sau và buộc băng cảnh sát vào cửa nhà Tang, đồng thời treo một tấm biển cảnh báo hàng xóm rằng có người trở về từ Vũ Hán đang sống tại đây. Trên tấm biển có ghi thêm số điện thoại đường dây nóng để hàng xóm có thể gọi khi thấy Tang hoặc gia đình anh rời khỏi căn hộ. Tang cho biết anh nhận được khoảng 4 cuộc gọi mỗi ngày từ các cơ quan chính quyền địa phương khác nhau. Tang nói: "Tôi không cảm thấy thoải mái lắm về việc này."
Trung Quốc có lý do để theo dõi những người này bởi họ có thể mang mầm bệnh ra khỏi Vũ Hán. Virus corona đang khiến Vũ Hán bị cô lập và đưa nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào tình trạng bế tắc.
Mối lo ngại về định kiến hiện đang lan rộng khiến các chuyên gia cảnh báo rằng việc truy lùng này có thể đang phản tác dụng, làm tổn hại thêm lòng tin của công chúng và khiến những người cần được giám sát, tìm kiếm sẽ tìm cách trốn kĩ hơn.
Người Vũ Hán trở thành mục tiêu tìm kiếm
Thậm chí, một quận của tỉnh Hồ Bắc đã đưa ra tuyên bố thưởng 1000 nhân dân tệ (khoảng 3,3 triệu đồng) cho bất cứ ai báo cáo tìm thấy một người Vũ Hán hoặc trở về từ Vũ Hán trong địa phương. Một vài thị trấn thậm chí đã đào đường hoặc cử người để canh phòng không cho người Vũ Hán đến gần.
Tại Giang Tô, chính quyền địa phương còn dựng hàng rào quanh một gia đình vừa trở về từ Vũ Hán. Để có được thức ăn, gia đình này phải nhờ đến hàng xóm.
Lo sợ cho sự an toàn của con cái khi tình hình bệnh dịch chưa có dấu hiệu thay đổi, Andy Li, một nhân viên công nghệ người Vũ Hán đang đi du lịch Bắc Kinh cùng gia đình đã thuê một chiếc xe hơi và di chuyển đến Quảng Đông với hi vọng có thể tá túc tại nhà người thân. Khi dừng lại ở Nam Kinh, gia đình anh không thể tìm được một nơi nghỉ tạm vì tất cả các khách sạn đều từ chối. May mắn rằng cuối cùng cũng có một khách sạn hạng sang đồng ý cho gia đình anh ở lại.
Tại đây, Andy và gia đình đã tự cách ly trong 4 ngày cho đến khi chính quyền địa phương ra lệnh cho tất cả những người đến từ Vũ Hán chuyển đến một khách sạn bên cạnh nhà ga trung tâm thành phố. Ông Andy cho biết khách sạn cách ly nhưng lại không làm tốt nhiệm vụ khi để nhân viên giao hàng thực phẩm đến và đi tự do trong khi có một khoảng trống khá rộng tại nơi ra vào.
Ông Andy nói: "Họ chỉ tách người Vũ Hán ra khỏi người Nam Kinh. Họ không quan tâm chút nào nếu người Vũ Hán lây nhiễm cho nhau. Tôi cảm thấy lo lắng cho các con của mình."
Hiện nay, các trạm kiểm soát để sàng lọc những người bị sốt đã có mặt tại các trạm thu phí, cổng trước của các khu chung cư và khách sạn, cửa hàng tạp hóa và nhà ga. Các nhà chức trách cũng đã sử dụng các hệ thống máy tính theo dõi thẻ ID, vốn chỉ được sử dụng trong các dịch vụ vận chuyển đường dài và khách sạn, để tìm kiếm người Vũ Hán.
Cuộc sống bị đảo lộn vì đến từ Vũ Hán
Các chiến dịch tìm kiếm đã khiến cuộc sống của những người Vũ Hán bị đảo lộn. Jia Yuting, một sinh viên 21 tuổi tại Vũ Hán đã trở về quê nhà ở miền trung Trung Quốc 18 ngày, vượt qua cả thời hạn cách ly là 14 ngày, khi cô nhận được tin ông nội lâm bệnh. Khi đến thăm ông, Yuting đã làm theo hướng dẫn trên loa phát thanh của địa phương và đăng kí thông tin cá nhân với Ủy ban địa phương.
Khi một giáo viên trung học liên lạc với cô để hỏi thăm sức khỏe, Yuting nhận ra thông tin cá nhân của mình đã bị rò rỉ trên mạng và đang lan truyền khắp nơi. Sau đó, cô nhận được một cuộc gọi đe dọa từ một người đàn ông lạ.
Các nhà chức trách không giải thích với cô về việc bị lộ thông tin cá nhân và khẳng định rằng điều này không làm ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của cô.
Ba ngày sau khi Yuting đến thăm, ông nội cô qua đời. Các quan chức địa phương ngay lập tức nói với gia đình Yuting rằng cô không được phép quay trở lại làng để dự tang lễ của ông mình.
Yuting nói rằng: "Tôi cảm thấy mình không được giúp đỡ, thay vào đó, thông tin cá nhân của tôi còn bị rò rỉ đi khắp nơi trong khi tôi không có bất kì triệu chứng nào. Tôi cảm thấy có lỗi vì không thể ở cạnh bà mình vào lúc này."
Trang bị những thông tin, kiến thức hữu ích - kịp thời để xây dựng lá chắn bảo vệ bản thân và những người xung quanh trước dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona tại: https://lotus.vn/lachanviruscorona
Tải app Lotus để kiểm tra độ hiểu biết, nhận thông báo mới nhất và theo dõi các nguồn tin uy tín về dịch bệnh.
#LaChanVirusCorona #VirusCorona #Lotus #VCCorp
Negroni