(Tổ Quốc) - Đây là loại rau có chất nhớt, cực kỳ có lợi cho hệ tiêu hóa, người Nhật cũng rất yêu thích món rau này.
Rau nhuận tràng, khỏe ruột của người Việt, người Nhật cực thích
Người Nhật rất thích ăn những món có chất nhớt. Họ cho rằng chất nhớt nắm giữ thành phần giữ ẩm cho da, giúp da săn chắc, giàu sức sống hơn, mang lại hiệu quả chống lão hóa rất tốt. Đồng thời, chất này cũng hỗ trợ bảo vệ sức khỏe, tăng cường miễn dịch, chống loãng xương và bảo vệ tuổi thọ. Đó là lý do vì sao người Nhật rất thích thú với món rau đay.
Từ 5000 năm trước, rau đay đã được người dân Ai Cập trồng. Chúng có sức sống mạnh mẽ ngay cả trên đất sa mạc khô hạn. Ngày nay, rau đay được trồng khắp châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Ở Việt Nam cũng được trồng trong các vườn gia đình, được dùng làm nguyên liệu để chế biến các món ăn ngon như canh cua, canh tôm.
Rau đay sinh trưởng nhanh, chỉ sau một tháng đã có thể lấy lá non mềm, hơi có chất nhầy, cũng như ngọn non dùng làm rau ăn sống trộn dầu giấm, luộc hoặc nấu canh ăn.
Ngoài được dùng làm thực phẩm, rau đay còn vô cùng bổ dưỡng. Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội): Thành phần hóa học của rau đay (tình theo %) như sau: Nước 78,3; Protein 5,3; Lipid 0,8; Cellulo 2,5; Dẫn xuất không Protein 10,6; Khoáng toàn phần 2,5.
Cả lá, hạt rau đay đều có thể tận dụng để làm thuốc. Lá rau đay vị ngọt, mát. Bổ dưỡng, lợi tiêu hóa, nhuận tràng và giải nhiệt trong ngày hè nóng bức do hàm lượng chất nhầy trong lá khá cao.
Còn hạt rau đay vị đắng, tính nóng, không độc. Tác dụng hoạt huyết, bổ tim. Trị vô kinh, kinh nguyệt không đều.
Một số món ăn/bài thuốc từ rau đay
1. Giải nhiệt, mát ruột
Cách làm: Canh rau đay, nấu mồng tơi, cua đồng. Rất ngon miệng, mát ruột. Đồng thời, tiêu khát, giải nhiệt, chữa trúng nắng. Vì rau đay có nhiều nước, chứa nhiều nhầy, có nhiều đường nên ích lợi cho việc giải nhiệt. Tính hàn của rau đay giúp hóa giải mọi hiện tượng nóng trong.
2. Chữa phụ nữ ít sữa, người già táo bón
Cách làm: 200g rau đay đem nấu, luộc ăn hàng ngày.
3. Trị lỵ mới phát
Cách làm: Rau đay 30g, sắc đặc, uống.
4. Chữa khái huyết, nôn máu
Cách làm: Lá rau đay 10g, long nha thảo 10g, cốt khí củ 10g. Đem các nguyên liệu đi sắc uống.
5. Chữa ngộ độc cá
Cách làm: Lá rau đay 90g, đường phèn đủ dùng. Sắc, uống càng nhiều càng tốt.
6. Nhuận tràng, khỏe ruột
Rau đay có nhiều nhớt, đây chính là một tổ hợp chất sinh học có công dụng kích thích ruột vận động. Đồng thời nhớt còn có tác dụng làm mềm phân, giảm độ táo bón.
Cách làm: Một ngày ăn chừng 300-400g rau đay.
7. Khai thông tiểu tiện
Đối tượng đang bị tiểu bí, tiểu đau, tiểu rát ăn rau đay có thể cải thiện bởi rau đay có tác dụng tiêu thũng nên nước tiểu sẽ dễ dàng ra ngoài, lại có tác dụng kháng viêm nên giải viêm nhiễm đường niệu.
Cách làm: Một ngày ăn chừng 300-400g rau đay. Cách tốt nhất là dùng rau đay nấu canh và ăn cả nước lẫn cái.
Lưu ý khi ăn rau đay:
- Rau đay tính hàn nên thích hợp để hạ hỏa. Tuy nhiên, nó chỉ hợp với ai chịu được nhớt, những người sợ nhớt thì không nên ép ăn.
- Cách thích hợp nhất để chế biến rau đay là nấu canh với cua, ăn cả nước và cái.
Đậu Đậu