(Tổ Quốc) - 21 ngày chính là thời gian xem xét là quyền lợi cơ bản dành cho bên mua bảo hiểm, tuy nhiên vẫn có những trường hợp người mua bảo hiểm không biết là có tồn tại quyền này, một phần lỗi lớn thuộc về nhân viên tư vấn bảo hiểm nhân thọ.
Thời gian 21 ngày cân nhắc là gì?
Thời gian cân nhắc được định nghĩa là khoảng thời gian tính từ lúc bên mua bảo hiểm nhận được hợp đồng bảo hiểm tới 21 ngày sau đó, đây được coi là khoảng thời gian dùng thử sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Trong thời gian cân nhắc khách hàng được bảo vệ giống như hợp đồng chính thức, chỉ khác là khách hàng có toàn quyền:
- Thay đổi, bổ sung quyền lợi trong hợp đồng bảo hiểm.
- Tăng/giảm mệnh giá hợp đồng bảo hiểm.
- Chấm dứt hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Trong suốt thời gian dùng thử này, nếu khách hàng cảm thấy không hài lòng có thể trả lại sản phẩm và nhận lại số tiền đã tham gia (sau khi trừ đi các chi phí kiểm tra y tế, phát sinh nếu có).
Một số tư vấn viên đã "giấu nhẹm" quyền này mà không chia sẻ cho khách hàng biết, vì sợ khách hàng sẽ không dùng dịch vụ nữa. Đây là 1 lỗi nghiêm trọng và bị công ty xử phạt rất nặng.
Chú ý: Hiện tại quy tắc 21 ngày của mỗi công ty bảo hiểm là khác nhau. Có công ty áp dụng quy tắc 21 ngày tính từ ngày khách hàng nhận được hợp đồng bảo hiểm, một số công ty khác thì tính 21 ngày kể từ khi hợp đồng có hiệu lực (trước cả khi khách hàng nhận hợp đồng). Do đó bạn cần tìm hiểu rõ chính sách của từng bên, kẻo bị quá mất thời hạn xem xét thì sẽ không thay đổi được nữa.
Cần làm gì trong thời gian cân nhắc?
Trong khoảng thời gian vàng này, bạn nên thực hiện các công việc sau:
1. Kiểm tra lại các thông tin đã kê khai trong hợp đồng
Bạn cần kiểm tra lại toàn bộ các thông tin về bạn có trong hợp đồng để đảm bảo không có sai sót. Nếu thông tin bị sai sót sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi bảo hiểm của bạn.
2. Đọc lại chi tiết sản phẩm bảo hiểm mình lựa chọn
Đây là lúc bạn cần đọc lại sản phẩm mình đã lựa chọn: những quyền lợi, giá trị đền bù, thời gian tham gia phí, thời gian bảo vệ, thời gian đáo hạn…. cần đọc lại tất cả để tránh bị thiếu sót hoặc nhầm lẫn.
3. Đọc lại mục quyền lợi, nghĩa vụ
Sau khi đã kiểm tra kỹ các thông tin trên hợp đồng, bạn cần đọc lại thật kỹ quyền lợi, nghĩa vụ của người mua bảo hiểm và người được bảo hiểm. Trong đó:
Người mua bảo hiểm
Là cá nhân/tổ chức thực hiện giao kết hợp đồng bảo hiểm với doanh nghiệp/công ty bảo hiểm. Là người thực hiện đóng phí bảo hiểm và có ghi tên ở mục "Bên mua bảo hiểm" trong hợp đồng bảo hiểm.
Người mua bảo hiểm sẽ nhận được các quyền và thực hiện các nghĩa vụ được ghi rõ trong hợp đồng, người này cũng sẽ chịu ràng buộc bởi các điều khoản nêu trong hợp đồng.
Vào thời điểm công ty bảo hiểm cấp hợp đồng, người mua bảo hiểm phải từ 18 tuổi trở lên, cư trú tại Việt Nam và phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Ngoài ra, tổ chức là bên mua bảo hiểm thì phải được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của nhà nước Việt Nam.
Người được bảo hiểm
Là người được hợp đồng bảo hiểm bảo vệ về tính mạng, sức khoẻ, và thân thể,… thông qua việc chi trả quyền lợi, bồi thường bằng tiền mặt trong trường hợp xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Người được bảo hiểm chính là đối tượng của hợp đồng bảo hiểm, được thể hiện rõ ràng trên hợp đồng. Lưu ý, người được bảo hiểm không bắt buộc phải là người mua bảo hiểm, mà có thể là mối đối tượng bất kỳ..
Người tham gia bảo hiểm cần hiểu rõ và phân biệt được các điểm trên để tránh nhầm lẫn về quyền lợi, nghĩa vụ của người mua bảo hiểm và người được bảo hiểm.
4. Các điều khoản loại trừ
Có những trường hợp sẽ được bảo hiểm, và có những trường hợp sẽ không được bảo hiểm chi trả, bạn cần đọc thật kỹ thông tin này ở trong hợp đồng bởi đôi khi người tư vấn cho bạn chưa chắc họ đã chia sẻ. Đây là điều cực kỳ quan trọng, giúp bạn tránh những tình huống đáng tiếc trong tương lai khi đi đòi quyền lợi của mình.
5. Nghiên cứu về Luật bảo hiểm
Trong hợp đồng bảo hiểm có ghi rõ 1 số điều luật liên quan tới bảo hiểm nhân thọ: về tranh chấp, kiện tụng, thời gian thanh toán… Bạn cần đọc, hỏi lại tư vấn viên của mình những điều băn khoăn để nhận trợ giúp.
Nói chung, bạn nên gác lại các công việc khác, dành cho mình 1 tiếng đồng hồ để đọc hết hợp đồng bảo hiểm, bởi không có gì quan trọng hơn tính mạng và quyền lợi của bản thân mình.
6. Tìm hiểu về trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp/công ty bảo hiểm
Ngoài việc xem lại các thông tin, quyền lợi, nghĩa vụ của mình thì người tham gia bảo hiểm cần phải tìm hiểu thêm về trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp/công ty bảo hiểm, kèm theo một số tiêu chí khác như: phương thức trả tiền bảo hiểm, quy định về tranh chấp quyền lợi bảo hiểm, thời gian và thủ tục đáo hạn hợp đồng, giá trị hoàn lại, lãi suất bảo hiểm (nếu có),…
Nhiều người thường không mấy để ý đến những điều này, song điều này có thể sẽ gây ra những thiệt thòi cho người mua bảo hiểm về sau. Vì vậy, luôn phải chủ động tìm hiểu và nắm bắt hết tất cả các quy định, thủ tục, điều khoản về quyền lợi của bạn. Điều này cũng sẽ giúp bạn hoàn tất giấy tờ, hồ sơ để làm thủ tục yêu cầu bồi thường nhanh gọn khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra.
Những ý nghĩa của bảo hiểm nhân thọ là không thể phủ định. Tuy nhiên, chính những thiếu sót trong quá trình tư vấn đã làm khách hàng hiểu nhầm về BHNT, gây thiệt hại cho chính bản thân khách hàng và công ty bảo hiểm.
Bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm duy nhất cho phép khách hàng được dùng thử tới tận 21 ngày, nhỡ rủi ro xảy ra trong quá trình này thì vẫn được bảo vệ bình thường với mệnh giá cam kết ban đầu.
Đây là quyền và cũng là nghĩa vụ của người mua bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền lợi của mình. Do đó bạn nên kiểm tra lại toàn bộ thông tin – tận dụng tối đa quyền cân nhắc của bản thân.
TP