(Tổ Quốc) - "Trong 1000 lời chửi rủa, phê bình thì ít nhất cũng có 5/10 là lời đúng. 1,2 người nói thì có thể là họ sai nhưng nhiều người nói thì mình phải coi lại mình", Quốc Thuận bày tỏ.
Showbiz trong năm vừa qua chìm nổi với bao bão tố. Nhưng cũng từ những giông bão đó, người nghệ sĩ trưởng thành hơn, rút ra cho mình nhiều bài học xương máu hơn, nhất là trong cách ứng xử với khán giả, với thị phi... Đó là điều chúng tôi rút ra được từ cuộc trò chuyện với đạo diễn Quốc Thuận.
Bị mắng vì nhận tiền trợ cấp và sự thật rất khác
Năm vừa qua là một năm đầy bão tố, với showbiz nói riêng và với thế giới nói chung. Sau khi đi qua đại dịch, đi qua những bão giông, dường như tự mỗi người đều có những thay đổi, những giác ngộ nhất định cho bản thân mình?
Tôi ngộ ra từ cuộc sống, từ những thứ đến với mình và đi khỏi mình. Tôi biết, có những người tìm đến tôi không vì tình cảm gì hết, không phải để trà chiều, tâm sự hay chia sẻ, tức là rất thực dụng nhưng tôi vẫn tiếp nhận. Đơn giản là mình có giá trị trong thời điểm đó. Có những người tôi rất buồn nhưng giờ tôi không buồn nữa.
Đạo diễn Quốc Thuận (ảnh: FB nhân vật)
Tôi cũng không đi like dạo như ngày trước. Tôi cũng không quan tâm lượt like trên mạng xã hội nữa. Tôi chẳng buồn phiền gì. Làm được cái gì cho người khác là tôi làm. Ai hiểu thì tốt mà không hiểu, cũng thôi. Tôi không có nhu cầu giải thích. Tôi hiểu tôi là được, chỉ sợ mình không hiểu mình làm gì thôi.
Trong cơn đại dịch năm ngoái, đợt lãnh tiền trợ cấp thứ hai, tôi cũng đi xếp hàng để nhận. Tôi được 1,5 triệu đồng. Tôi đăng Facebook. Có một người dân ở cùng phường nói xỏ xiên tôi. Người đó bảo, nghệ sĩ nổi tiếng, ở nhà lầu, đi xe hơi mà lãnh tiền trợ cấp.
Đó là giai đoạn nghệ sĩ đang bị "bão". Tôi không sợ. Tôi và tất cả mọi người đều được quyền nhận trợ cấp. Nghệ sĩ cũng là công dân nhưng tôi không đôi co. Họ nhìn thấy tôi xếp hàng lãnh tiền nhưng họ không biết, khi lãnh xong, tôi gửi lại tiền đó cho lãnh đạo phường để giúp những bà con khó khăn trong tổ khu phố.
Mẹ vợ tôi bức xúc. Tôi bảo, đó là điều họ nhìn thấy, còn việc mình làm thì có rất nhiều người biết. 1,5 triệu đồng không đáng bao nhiêu và tôi cũng không cần đánh bóng tên tuổi nhưng tôi nhờ quay clip và chụp hình chỉ để giữ làm kỷ niệm.
Vào thời điểm Sài Gòn xảy ra dịch bệnh căng thẳng nhất, Quốc Thuận ngày nào cũng một mình xông pha, đi "tiếp tế" lương thực thực phẩm cho bà con ở khắp hang cùng ngõ hẻm trong thành phố.
Chấm dứt thị phi bằng cách lắng nghe và cảm ơn
Đa số nghệ sĩ thường chọn cách im lặng trước thị phi. Và anh cũng thế?
Tôi có rất nhiều khán giả thương mình nhưng cũng có nhiều người, tôi không biết họ là ai, họ lên fanpage của tôi bình luận chửi mắng nặng nề và tấn công bằng tin nhắn. Chưa bao giờ, tôi cảm thấy bị rối bởi những thị phi đó.
Trong chương trình "Vợ chồng son", mọi người gọi tôi là MC té ghế. Có nhiều khán giả comment "thằng nghệ sĩ kia, mày hết mảng miếng rồi hay sao mà té ghế chọc cười hoài vậy". Hoặc "thằng hói kia, sao mày té ghế hoài vậy, mày hết chiêu trò rồi à".
Có nhiều câu xúc phạm tôi mà tôi không thể nói ra ở đây. Tôi không bực bội. Tôi comment rất dí dỏm: "Mình sẽ sửa lại cái ghế để bớt té, cảm ơn bạn đã xem chương trình và đóng góp ý kiến. Mình sẽ lắng nghe".
Có một bác lớn tuổi vào mắng tôi suốt. Hầu như status nào của tôi, bác ấy cũng vào mắng mà mắng nặng lắm, thậm chí nhắn tin chửi tôi.
Tôi trả lời: "Thưa chú, chú là người lớn, cháu nhỏ tuổi hơn chú rất nhiều. Những lời mắng của chú là những đóng góp cho cháu. Cháu rất cảm ơn. Cháu xin lắng nghe và thay đổi. Cháu mong chú có thể cho cháu được biết thêm nhiều ý kiến để cháu được trưởng thành hơn mỗi ngày trong nghề nghiệp của mình".
Chú ấy nhắn tin lại: "Đây là một nghệ sĩ thực thụ, biết lắng nghe. Tôi thành thật xin lỗi anh". Khi đọc tin nhắn đó, tôi thấy rất vui. Thay vì mình lên trả treo, bị mang tiếng hỗn thì mình không nên phản kèo. Tại sao khi người ta khen thì mình vui, mình cảm ơn mà khi họ mắng, họ góp ý thì mình lại không cảm ơn?
Trong 1000 lời chửi rủa, phê bình thì ít nhất cũng có 5/10 là lời đúng chứ. 1,2 người nói thì có thể là họ sai nhưng nhiều người nói thì mình phải coi lại mình.
Cho tới bây giờ, lâu lâu bị chửi mắng, cách tôi đối diện và để chấm dứt thị phi đó là cầu thị, tiếp nhận thông tin. Nói không khéo, người ta bảo mình giả tạo nhưng mình phải biết cảm ơn người đã phê bình mình. Họ dành những lời không hay, thậm chí nặng nề với mình nhưng rõ ràng, khi tôi cảm ơn và tiếp nhận ý kiến của họ thì họ im lặng.
Dù bị một số người tấn công bằng những từ ngữ nặng nề nhưng Quốc Thuận cầu thị, lắng nghe và thay đổi.
Thật ra, tâm lý của một người khi bị mắng chửi là vô cùng khó chịu cho nên với người nóng tính, họ chọn cách livestream chửi lại?
Không phải ai cũng kiềm chế được như tôi. Phải tỉnh táo, tâm phải an và biết cách chế ngự mọi việc, mà chế ngự được cơn nóng giận của mình là khó nhất.
Có những người, thậm chí cả tôi cũng đã từng như vậy, lúc nóng giận là la hét, đập đồ đạc. Ngày xưa, bị chửi là tôi chửi lại, thậm chí đấm vào mặt người chửi mình nhưng bây giờ tôi rất bình tâm.
Không biết từ khi nào nhưng tôi nghĩ, có thể do tuổi đời, mình trải qua nhiều thứ, nhìn thấy cuộc sống vô thường quá. Vui, buồn, sướng, khổ đều biến chuyển trong tích tắc. Và khi mình cảm nhận được là, chỉ cần nhẹ nhàng giải quyết vấn đề thì mọi thứ sẽ qua.
Dĩ nhiên, mỗi người một tính cách, một suy nghĩ, không thể nào bắt người khác giống như mình. Có những đồng nghiệp có cách giải quyết còn tuyệt vời hơn tôi. Tôi chỉ nghĩ là, khi đối diện với thị phi, chúng ta nên lắng nghe, im lặng và tiếp nhận. Bởi vì khán giả, họ không nói sai.
Sự góp ý của khán giả có đúng có sai. Cuộc đời là vậy, có hay có dở, có chê phải có khen. Tại sao họ khen thì mình vui, mình cảm ơn mà họ chê thì mình livestream chửi lại.
Tôi chưa bao giờ thấy có ai livestream cảm ơn lời khen tặng của mọi người dành cho mình nhưng livestream chửi mắng nhau thì có vì chúng ta tiếp nhận thông tin người đó dìm mình, mắng mình.
Im lặng cũng là một cách vượt qua scandal nhưng tùy tính chất câu chuyện, đôi khi im lặng khiến câu chuyện trở nên trầm trọng hơn. Nhưng trên hết, chúng ta hãy lắng nghe, tiếp nhận, luôn luôn xem khán giả là những nhân vật quan trọng với những thành tựu của mình.
Thái độ ứng xử đó của anh đã khiến chính những người tấn công anh cảm thấy... thẹn mà im lặng.
Khi người ta có càng nhiều lại càng sợ mất và vì sợ mất nên đôi khi người ta hoặc dại dột, hoặc bất chấp hoặc khôn ngôn... Anh có sợ vậy không?
Lý tưởng sống của mỗi người khác nhau, quan trọng là họ chọn thế nào. Kiếm tiền lương thiện hay kiếm tiền không lương thiện. Kiếm tiền vì mục đích cao cả hay vì mục đích thấp hèn.
Khi nhận đồng tiền đó, chúng ta nên đặt ra câu hỏi, việc mình làm có xứng đáng với số tiền đó hay không? Cuộc đời này, cái gì cũng phải đánh đổi hết. Như công việc đạo diễn của tôi, tôi phải đánh đổi rất nhiều.
Và mỗi một ngày khi về nhà, mình ngủ có yên không, có ngon không, có hối tiếc về điều gì không. Nếu không hối tiếc nghĩa là mình đã sống trọn vẹn từng phút giây.
Sau khi nói chuyện với bạn, tôi lại về phòng dựng. Tôi thấy vui và hạnh phúc với công việc đó. Buổi tối, tôi có một chương trình mời đi quay show nhưng tôi từ chối vì trước đó, Tiến Luật mời tôi dự ra mắt phim.
Nhìn lại mấy chục năm làm nghề, Quốc Thuận cảm thấy có phần hãnh diện vì sự nỗ lực, cố gắng mỗi ngày của mình.
Đi quay show kia, tôi có 6 triệu nhưng Tiến Luật đã mời tôi trước. Nếu tôi không đi, tôi mất uy tín, mất tình anh em, dù đêm nay rất đông, Thu Trang Tiến Luật có rất nhiều KOL, có rất nhiều siêu sao tới dự, tôi không tới cũng không ảnh hưởng gì.
Tôi vào đó cũng mờ nhạt với các siêu sao nhưng tôi không đi không được, vì tôi là đàn anh và Tiến Luật đã mời thì mình phải cư xử cho đúng.
6 triệu hôm nay không kiếm thì mai kiếm nhưng mình phải đi sự kiện đó. Chưa chắc mình kiếm được 6 triệu đó mà đã vui bằng việc bỏ ra 50.000 gửi xe để dự sự kiện của thằng em và thấy nó thành công hơn mỗi ngày.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Cao Thanh Hương