(Tổ Quốc) - "Tôi đặc biệt kêu gọi những đấng mày râu, chúng ta nên chịu thiệt chút xíu, bớt sĩ diện lại, mình thua vợ mình chứ có thua ai đâu", Quốc Thuận nói.
Cao Thanh Hương: Đặc thù công việc của người nghệ sĩ rất bận rộn, đi sớm về hôm nên việc theo sát con cái là rất khó. Vậy theo anh, người nghệ sĩ cần chú trọng điều gì nhất trong việc dạy dỗ con cái, để có thể control được rằng, con mình sau này, sẽ là một người tử tế?
Quốc Thuận: Con cái ảnh hưởng bởi cha mẹ rất nhiều. Khi chúng ta còn làm được, còn kiếm tiền được thì dành nhiều thời gian cho công việc mà quên đi một giá trị rất lớn, đó là gia đình. Ở đây, chính là việc dạy dỗ con cái.
Với tôi, tôi luôn bỏ hết công việc bên ngoài khi bước về nhà. Ngay cả khi tôi đang đi chơi với gia đình, vẫn có áp lực vì công việc. Tuy nhiên, tôi cố gắng không cầm điện thoại để dành thời gian chơi với vợ con, để gia đình có một chuyến đi trọn vẹn, ý nghĩa. Khi mọi người ngủ thì tôi tranh thủ làm việc.
Tôi cho rằng, phải làm bạn với con, chơi với con, luôn quan sát, xem con thích và không thích cái gì để định hướng cho con. Chúng ta cũng nên tiết chế cơn giận dữ, la hét với con. Thay vào đó là phân tích cho con nghe, tại sao con không nên làm như vậy. Tôi cũng luôn cho con nhiều lựa chọn, không ép buộc, không cấm đoán, không áp đặt lên con.
Người nghệ sĩ dễ bị chi phối bởi cảm xúc. Họ sống tình cảm nhiều hơn lý trí nên tôi nghĩ, không nên tỏ ra quá bao bọc các con. Đôi khi phải cứng rắn và dạy con tự lập, đối diện với mọi thứ, tự giải quyết vấn đề.
Từ khi có con, tôi bắt đầu có những nguyên tắc của mình khi nhận việc: chương trình đó, vai diễn đó có ảnh hưởng không tốt tới con cái hay không.
Ví dụ, mời tôi đóng vai giang hồ, giả gái là tôi từ chối. Làm chương trình cũng thế. Tôi phải xem có phù hợp với lứa tuổi của tôi hay không, con mình có xem được không. Tôi rất yêu trẻ con và trong số những đứa trẻ đó, có con tôi. Và tôi thấy, tôi đang chọn đúng.
Cao Thanh Hương: Tôi biết anh rất bận rộn. Từ lúc Sài Gòn quay lại cuộc sống bình thường mới, anh liên tục làm mấy dự án phim. Cụ thể thì anh dành thời gian cho con như thế nào?
Quốc Thuận: Tôi không phải là người cha điểm 10, tôi còn nhiều cái chưa hiểu con, thời gian dành cho con còn quá ít. Nhiều khi tôi đi làm xa, chỉ được ngủ 4 tiếng nhưng vẫn chạy về nhà, nằm ngủ cạnh con là thấy vui rồi. Có những lúc đi quay phim 2 tháng trời, 1 ngày chỉ gặp con có mấy phút, lúc mình về thì con ngủ, lúc mình đi, con chưa dậy, cho nên tôi chỉ còn cách gọi face-time.
Cách đây hai năm, tôi bàn với vợ mở công ty sản xuất phim, tôi làm đạo diễn, vợ làm sản xuất. Tôi có nhiều mối quan hệ thuận lợi. Vợ tôi là một trong những sản xuất giỏi, rất nổi tiếng trong giới làm phim ở Sài Gòn. Vợ chồng tôi chỉ cần đăng ký giấy phép kinh doanh là OK.
Lúc đó, con tôi đang ở cái tuổi lên 5, lên 3. Hai vợ chồng đã nhận vài dự án nhưng đủ thứ sóng gió ập đến. Đau đầu nhất là bỏ con cái lăn lóc với ông bà ngoại. Cô giáo muốn liên lạc, gặp phụ huynh cũng khó khăn.
Tôi nói với vợ, thế này không được. Giờ một người đi làm, một người ở nhà. Em đi làm thì anh ở nhà chăm con. Còn anh đi làm thì bắt buộc, em phải ở nhà. Chúng ta phải lo cho con. Cái quan trọng nhất là tri thức và sự lớn lên của con mỗi ngày, ai là người đồng hành cùng nó.
Em có làm ra một đống tiền mà về nhà, con cái tự kỷ, học hành sa sút thì cũng như không. Có tiền, em có thể mua được tất cả nhưng em không thể nào mua được tương lai cho các con.
Mình có thể kiếm được rất nhiều tiền nhưng tuổi thơ của con thì không bao giờ quay lại. Thời gian không bán vé khứ hồi, trong khi mỗi ngày con mình mỗi lớn, tâm sinh lý, thể chất, tư duy, tình cảm đều thay đổi.
Và ý định thành lập công ty, tôi cũng bỏ luôn. Tôi đã chứng kiến nhiều sự thăng hoa, nhiều sự đổ vỡ. Sau đó, vợ tôi lui cung để lo cho các con. Cô ấy làm freelancer, có dự án thì làm. Khi cô ấy đi làm thì tôi ở nhà chăm con.
Cao Thanh Hương: Anh có ngưỡng mộ cách dạy con của ai không?
Quốc Thuận: Tôi không biết nhiều về cách dạy con của những đồng nghiệp khác nên hỏi có ngưỡng mộ không thì thật là không có. Tự bản thân tôi trải nghiệm và rút ra cách cho riêng mình. Tuy nhiên, tôi được nghe kể về cách dạy con của chị Hồng Vân và rất thích.
Chị ấy luôn đồng hành với con, làm bạn với con, không nuông chiều con quá mức. Từ Xí Ngầu tới Trê Phi, Bí Ngô, các con rất thần tượng mẹ. Mẹ là tất cả. Chị Hồng Vân dạy con theo kiểu, không cấm đoán mà luôn gợi mở, phân tích các con hướng nào đúng, hướng nào sai.
Cao Thanh Hương: Anh nghĩ sao về việc dùng đòn roi để dạy con?
Quốc Thuận: Cha mẹ đánh con là lỗi thời rồi. Tôi phản ứng mạnh và lên án với quan điểm đó. Dạy con bằng đòn roi, không mang đến một hiệu quả nào mà chỉ khiến con thêm rụt rè, sợ hãi, mất tự tin. Để con sợ, nó sẽ giấu giếm, không bao giờ tâm sự với mình. Chúng ta hãy dạy con biết tự bảo vệ mình, biết đối phó với những thứ tấn công nó.
Cao Thanh Hương: Thế nhưng, ông bà có câu "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi"?
Quốc Thuận: Tôi thấy nó chỉ đúng với thời điểm nào đó thôi. Bản thân tôi không ủng hộ việc đó. Ngày xưa, tôi cũng bị mẹ đánh lên bờ xuống ruộng nhưng hôm nay, tôi thành người rất đàng hoàng và thành công. Cho nên không thể nói, việc mẹ dạy mình bằng đòn roi là sai.
Tuy nhiên, tùy thời điểm, tùy hoàn cảnh. Với xã hội bây giờ, dùng đòn roi không phải là cách. Hãy dạy con bằng tình thương, dạy con đến với những người xung quanh bằng tình thương. Sự chân thành, yêu thương sẽ giúp con người càng ngày càng hoàn hảo và cuộc sống càng trở nên tích cực hơn.
Cao Thanh Hương: Từ khi có con, thay đổi lớn nhất của anh là gì?
Quốc Thuận: Con tôi học trường quốc tế, toàn con nhà khá giả, đi xe hơi, mặt mũi thanh tú, sáng sủa, nhanh nhẹn, thông minh. Đối diện là một ngôi trường rất to dành cho các bé tự kỷ, thiểu năng, khuyết tật. Đó là hai mảng đối lập mà ngày nào tôi cũng thấy. Tôi may mắn vì các con khỏe mạnh, bình thường. Mình đã có cái phúc đó thì phải tiếp tục tạo phúc.
Từ khi có con, tôi biết tha thứ, biết buông bỏ và yêu thương nhiều hơn, biết sống cho những người thương mình nhiều hơn. Tôi rất sợ con bị ảnh hưởng vì mình nên tôi không bao giờ làm điều gì trái lương tâm. Con đi học, bạn bè khen ba nó, nó sẽ vui nhưng nếu mình làm điều gì đó xấu, không chỉ mang tiếng cho bản thân mà còn mang tiếng cả con cái.
Chưa kể thời gian gần đây, mạng xã hội rất tiêu cực. Chỉ cần một điều gì đó không đúng, chỉ cần mình chiếm spotlight thì những người thân, nhất là con mình sẽ bị tổn thương và xấu hổ rất nhiều. Tôi rất sợ điều đó cho nên hiểu được những gì mình làm là an lành.
Cao Thanh Hương: Nếu phải tính phút thì 1 ngày, anh chơi với con, nói chuyện với con được bao nhiêu?
Quốc Thuận: Đã có lúc, cả hai vợ chồng tôi và hai đứa con đều cắm mặt vào máy tính, điện thoại. Nhìn cảnh đó, tôi nóng trong người liền. Tôi ném điện thoại xuống, gọi con ra chơi với mình. Dù chỉ chơi 20 phút thôi nhưng ba cha con chơi đủ trò, rất vui.
Tôi quan niệm, không cần phải chơi với con quá nhiều thời gian nhưng thời gian chơi với con phải thật sự chất lượng. Nhiều người khoe chơi với con 2 tiếng nhưng mạnh ai nấy chơi, mỗi người một cái điện thoại. Vậy thì thời gian dành cho con đó có chất lượng hay không.
Tôi tin rằng, việc cha mẹ chơi với con sẽ hình thành tính cách của bé. Nhà trường chỉ là một phần, gia đình mới là chính. Theo tôi, cách dạy, cách sống của gia đình ảnh hưởng hơn 60% tới tính cách so với việc các con lĩnh hội, học hỏi từ trường lớp, bạn bè. Gia đình là nòng cốt, là pháo đài cho nên mình phải quan sát, đồng hành với con, làm bạn với con.
Nhân chi sơ, tính bản thiện. Con người sinh ra vốn là tốt nhưng do môi trường, hoàn cảnh, cách dạy dỗ của cha mẹ nên con người mới dần thay đổi. Chúng ta đi làm, kiếm tiền nhưng quên mất, các con đang coi cái gì, học cái gì, chơi với ai. Cha mẹ là người thầy vĩ đại nhất với các con. Bản thân tôi luôn dạy con lễ phép và dạn dĩ. Con nít thường sợ con gián, chuột, thằn lằn nhưng con tôi không sợ con nào hết. Nó gặp con gián là rượt đuổi, nhìn cười muốn chết.
Tôi rất thích và rất vui khi các con chơi với những đứa trẻ khác trong xóm. Tôi muốn con thân thiện và biết chia sẻ. Ở xóm, tôi chưa bao giờ coi mình là người nổi tiếng. Tôi mặc quần xà lỏn, áo thun đi qua nhà này, nhà kia chơi, ai cần cái gì là tôi giúp cái đó.
Trong lúc dịch bệnh, tôi đội nón lá đi từng nhà trong xóm để xịt khuẩn. Tôi không chụp hình đăng Facebook. Tôi bảo vệ cho xóm mình vì trong xóm, các cô chú lớn tuổi nhiều lắm. Mình được chia sẻ với mọi người là mình vui.
Trong đợt dịch vừa rồi, xóm nào thiếu lương thực thực phẩm, chứ xóm tôi thì không vì cứ cách ngày là tôi đem về tặng cho cả xóm, cả tổ trong khu phố. Có lẽ, từ lúc đó mà tình làng nghĩa xóm trong xóm tôi gắn kết hơn.
Đêm giao thừa, xóm tôi bắn pháo bông, khui sâm panh, tôi đi lì xì cho từng đứa nhỏ trong hẻm. Khi con mình lớn lên trong môi trường, cha thân với cha thì con sẽ thân với con. Việc con chứng kiến những điều cha mẹ làm là một cách "vẽ" nên con người của con trong tương lai.
Cao Thanh Hương: Nhìn lại hơn 40 năm tuổi đời, trải qua nhiều thăng trầm, được - mất, anh có suy nghĩ gì?
Quốc Thuận: Tôi ở nhà thuê gần 20 năm. Sắm không dám sắm vì đó là nhà người ta. Mục đích ban đầu của tôi là làm nghề rồi về quê, đùng cái có vợ có con, có nhà, có xe. Món quà và tài sản lớn nhất trong cuộc đời tôi là các con. Thành tựu lớn nhất trong đời tôi, không phải là giải thưởng, không phải là tác phẩm mà là các con được học hành đến nơi đến chốn và biết chia sẻ.
Cao Thanh Hương: Tôi cảm nhận rất rõ là anh thay đổi nhiều so với vài năm trước...
Quốc Thuận: Hồi mới cưới, vợ chồng tôi gây nhau dữ lắm. Tôi lớn tiếng, chửi nhau tay đôi với vợ. Vợ nói không lại thì ngồi khóc. Cuối cùng, tôi là người xin lỗi, dỗ dành thì vợ chồng mới sống tới giờ.
Nhưng mấy năm gần đây, tôi không bao giờ lớn tiếng với vợ. Mỗi lần cô ấy có chút gì đó hơi nặng nề là tôi im lặng. Đợi vợ nguôi rồi, tôi nói chuyện là êm xuôi hết mọi việc. Vợ mình đem cả thanh xuân tới cho mình, chấp nhận xấu xí để sinh con cho mình. Mình ngồi cãi tay đôi với người đã hy sinh tất cả cho mình thì mình là người thế nào?
Tôi không nói hay, nói tài đâu. Những lúc tôi làm vợ tôi buồn, những lúc tôi làm vợ tôi khóc, tôi ngộ ra điều đó. Những lúc đi làm về, đi nhậu về, nhìn vợ ôm con ngủ, mình tự thấy mình kỳ cục. Sau này, lúc nào vợ lớn tiếng là tôi im và tôi cảm thấy vui chứ không buồn vì điều đó.
Cao Thanh Hương: Từ đâu mà anh có sự thay đổi như vậy?
Quốc Thuận: Từ các chương trình mà tôi làm MC, đặc biệt là "Vợ chồng son", "Gõ cửa thăm nhà"… Tôi nghe, tôi học được rất nhiều câu chuyện của các cặp vợ chồng đứng bên bờ vực ly hôn. Tôi học được nhiều câu chuyện tình thân qua "Gõ cửa thăm nhà" và tôi cũng là khách mời của rất nhiều chương trình về hôn nhân, gia đình.
Con người tôi rất coi trọng gia đình. Sự nghiệp, tiền tài đều đứng sau gia đình. Gia đình với tôi mới là tất cả. Tôi coi cuộc sống này nhẹ nhàng lắm. Tôi bảo vợ: "Nếu em bỏ anh, anh sẽ đi tu".
Cao Thanh Hương: Điều gì đã khiến anh nói câu đó với bà xã?
Tôi có chiếc xe máy đã chạy hơn 20 năm. Chiếc xe này, anh rể cho tôi khi tôi lên Sài Gòn. Nó là "người bạn" rất thân với tôi. Hồi đó tôi nhậu xỉn, đụng cột đèn, đụng xe hơi mà xe hư chứ tôi không bị gì hết. Nghĩa là nó đỡ cho tôi hết. Giờ chở 4 người thì nặng quá, hơn 200 kg, nó không chở được. Vợ tôi bảo bán xe. Tôi nói không bán.
Từ chiếc xe này, tôi có nhà lầu, xe hơi, có địa vị như ngày hôm nay. Hà cớ gì khi tôi có tất cả, tôi lại bỏ nó. Cuộc đời tôi, tôi không bỏ ai, ngay cả đồ vật.
Vợ tôi hỏi: xe này của anh rể, vậy cái gì là của anh? Tôi bảo: "Trên đời này, chẳng có gì là của anh, chỉ có em là của anh thôi. Mình không nói trước được điều gì, nay hội ngộ, mai chia ly là chuyện thường tình ở đời. Nếu một ngày nào đó, em bỏ anh thì anh đi tu".
Điều tôi nói là thật tâm chứ không nịnh vợ. Con cái cũng là cô ấy đẻ. Nhà lầu, xe hơi đó nhưng nếu có chuyện xảy ra giữa hai vợ chồng là tôi sẽ ra đi với hai bàn tay trắng. Tôi không lấy gì cả, không cần gì cả. Cái tôi cần là tình thân, là niềm vui gia đình.
Cao Thanh Hương: Như anh vừa chia sẻ, khi làm MC chương trình "Vợ chồng son", "Gõ cửa thăm nhà", anh đã học được rất nhiều từ câu chuyện của khách mời, khi họ đứng bên bờ vực ly hôn. Anh nhớ nhất chuyện nào?
Quốc Thuận: Có những cặp vợ chồng đứng bên bờ vực ly hôn nhưng khi nói chuyện với tôi và chị Hồng Vân, thì hóa ra, vấn đề trầm trọng của họ chính là: dù lấy nhau một thời gian dài nhưng không hề nói chuyện thẳng thắn với nhau, tâm sự với nhau về những khúc mắc trong lòng.
Cho nên, từ những chuyện rất nhỏ trở thành những chuyện rất lớn. Họ ngại ngùng, hoặc nói cho xong chứ không nói để giải quyết vấn đề. Lâu ngày, trở nên trầm trọng và muốn ly hôn. Thứ nữa là không ai chịu nhường nhịn ai. Trong khi, chỉ cần một bên biết nhường nhịn, biết thua một chút là gia đình hạnh phúc.
Tôi nghĩ, chồng hoặc vợ nên biết chịu thiệt chút xíu. Tôi đặc biệt kêu gọi những người đàn ông, những đấng mày râu, chúng ta may mắn được gọi là phái mạnh thì trong cuộc sống vợ chồng, chúng ta nên chịu thiệt chút xíu, bớt sĩ diện lại, mình thua vợ mình chứ có thua ai đâu.
Vợ mình chấp nhận mang nặng 9 tháng 10 ngày, rạch mổ đau đớn để sinh con cho mình, con mang họ của mình thì mình có chịu thiệt chút đỉnh, cũng chẳng sao. Bà ấy ký đơn rồi mà mình không ký thì tòa nào xử?
Các bà vợ cũng vậy, mình nhường chồng chút xíu cũng có thua kém gì đâu. Tâm lý đàn ông dễ lắm, đi làm về mệt, chỉ cần vợ pha cho ly cà phê, bới một tô cơm là sướng rụng rời rồi. Bản chất đàn ông là thích được vợ chiều chuộng, chăm sóc.
Chúng ta chịu thiệt chút xíu để gia đình, con cái không bị thiệt thòi. Chắc có lẽ tôi đang hạnh phúc nên vẫn tôn sùng quan điểm, có cha có mẹ, con có tất cả. Cho nên cha mẹ biết hợp tác, chăm sóc dạy dỗ con thì trước tiên là con có được một tuổi thơ hạnh phúc.
Cao Thanh Hương: Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Bài: Cao Thanh Hương