(Tổ Quốc) - Những cách giữ tài chính ổn định, nâng cao tài khoản tiết kiệm và đầu tư của 5 người trẻ ở thế hệ 9x dưới đây sẽ khiến bạn có thêm nhiều bài học bổ ích.
Khi nói đến việc quản lý tiền bạc, mỗi người sẽ có một quan điểm và suy nghĩ khác nhau. Sau khi nói chuyện với một số người trẻ 9x về cách họ kiếm, tiết kiệm và tiêu tiền, CNBC đã tổng hợp lại những thông tin cốt yếu nhất trong suy nghĩ và chiến lược giúp trả bớt nợ, chi tiêu trong khả năng có thể và tiết kiệm hàng nghìn đô la mỗi năm.
Dưới đây là 5 người trẻ với 5 cách suy nghĩ và hành động tài chính khác nhau được CNBC Make It tổng hợp lại.
1.
Coi khoản tiết kiệm và trả nợ của bạn giống như một hóa đơn
Christine Hopkins nghĩ về khoản tiết kiệm và trả nợ của mình như khi trả tiền thuê nhà hoặc tiền điện nước. Nó chính là một khoản chi phí cố định hàng tháng và điều đó giúp khả năng hoàn thành tăng lên rất nhiều.
"Từ khi áp dụng cách suy nghĩ này tôi tăng số tiền tiết kiệm nhiều hơn. Trước đây tôi có khoản nợ 33.700 USD (766 triệu). Năm 2018, tôi bắt đầu làm việc với một cố vấn tài chính. Người đó đã khuyến khích tôi nên xem xét kỹ chi tiêu của mình. Cho đến khi tôi thực sự xem xét các chi phí đó và nhận ra rằng mình đã sai lầm khi chi tiêu như thế nào. Vậy là tôi quyết định sẽ coi số tiền nợ và tiền tiết kiệm như một loại hóa đơn bắt buộc, từ đó thấy gánh nặng trong suy nghĩ nhẹ hẳn đi".
Tính đến tháng 7/2019, Christine Hopkins kiếm được 88.000 đô la (2 tỷ) trong một năm với tư cách là giám đốc tiếp thị ở Bay Area và tiết kiệm được gần 2.000 đô la (45,5 triệu) mỗi tháng. Cô cũng dành khoảng 1.000 đô la (22,7 triệu) để trả các khoản vay sinh viên và nợ thẻ tín dụng mỗi tháng.
2.
Điều chỉnh chi tiêu phù hợp với giá trị tiêu dùng bạn hướng đến
Leah Warwick, một nhân viên xã hội ở thành phố New York, người kiếm được 70.000 đô la (1,5 tỷ) mỗi năm và tiết kiệm được gần 20% thu nhập của mình tính đến tháng 6/2019. Leah Warwick tin rằng điều quan trọng là phải có chủ đích với cách bạn sử dụng tiền. Khi mua sản phẩm, cô thích ủng hộ các công ty và thương hiệu có sứ mệnh mà bản thân tin tưởng.
Ví dụ, cô ấy thích mua hàng từ những thương hiệu theo khẩu hiệu "dành cho phụ nữ, bởi phụ nữ". Warwick nói: "Nếu bạn ủng hộ các công ty bán sản phẩm có sự cải thiện cho xã hội chứ không chỉ là lợi nhuận, thì nó sẽ tạo ra một thế giới, một môi trường, một tương lai tốt đẹp hơn". Suy nghĩ của Leah Warwick về việc mua hàng qua lăng kính này giúp đảm bảo số tiền chi tiêu được tốt nhất.
3.
Trước khi mua một thứ gì, hãy nghĩ về thời gian phải làm việc cho khoản tiền mua
Alex Sanchez quan tâm đến phong trào độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm và anh muốn trở thành triệu phú vào năm 30 tuổi. Chàng trai 25 tuổi này đang trên đà phát triển tốt, tiết kiệm được gần 50% thu nhập của mình. Tư duy của anh ấy chính là thứ giúp tiết kiệm được rất nhiều tiền.
"Tiền đối với tôi chính là đại diện cho thời gian. Mỗi khi tôi nhìn thấy một đồng đô la, tôi thấy nó là thời gian của mình và thời gian là thứ quan trọng nhất đối với tôi. Lý do tôi không tiêu tiền vào những thứ ngớ ngẩn là vì nếu tôi vứt tiền đi tức là tôi đang vứt bỏ thời gian của mình. Thời gian khiến cuộc sống của tôi trôi đi và nó là thứ mà tôi sẽ không bao giờ lấy lại được", Alex Sanchez nói.
Nếu Alex Sanchez vung tiền, đó sẽ là một thứ gì đó có ý nghĩa. Chẳng hạn như hình xăm anh ghi nhớ về người bạn thân nhất của mình đã qua đời vào năm 2018. Nó có giá gần 1.500 đô la (34,1 triệu), nhưng đó là một khoản mua sắm mà anh cho rằng rất xứng đáng. "Đó là một điều gì đó có ý nghĩa rất lớn đối với tôi".
4.
Theo dõi sự tiến bộ trong tài chính cá nhân
Bukola Ayodele, người kiếm được 210.000 đô la (4,7 tỷ) mỗi năm khi làm kỹ sư phần mềm ở thành phố New York. Cô tiết kiệm và đầu tư hơn 7.000 đô la (159,3 triệu) mỗi tháng.
Cô tin rằng để đạt được mục tiêu, điều quan trọng là phải theo dõi sự tiến bộ tài chính mỗi ngày. Ayodele sử dụng các ứng dụng ghi chép chi tiêu để theo dõi các khoản chi tiêu của mình và các khoản đầu tư để đo lường tài sản và việc hoàn thành mục tiêu tài chính.
Cách làm của cô đã phát huy hiệu quả. Kể từ khi tốt nghiệp Đại học Columbia vào năm 2016, cô đã trả xong khoản nợ vay sinh viên trị giá 7.000 đô la (159,3 triệu) và đang nỗ lực hướng tới mục tiêu kiếm đủ tiền từ các khoản đầu tư mà cô đang có.
5.
Sắp xếp mọi thứ một cách tự động
Elena Haskins hiện đang sống tại Brooklyn, New York đã tiết kiệm được gần 900 đô la (20,4 triệu) một tháng trong khi vẫn trả các khoản vay sinh viên.
Cô ấy làm được điều này nhờ vào một chiến lược đơn giản: Tự động hóa mọi thứ. Ngay sau khi tiền lương đến tài khoản ngân hàng, một phần trăm trong số đó sẽ chuyển thẳng vào khoản tiết kiệm. Haskins nói: "Tôi thích sống cuộc sống của mình với chi phí ít nhất có thể. Số tiền còn lại tôi tự động cất vào khoản tiết kiệm và không có quyền rút ra".
Điều Haskins thích về cách tự động hóa khoản tiết kiệm là nó giúp loại bỏ sự cám dỗ khỏi việc chi tiêu nhanh. Cô nói: "Số tiền đó khuất tầm nhìn của tôi thì tôi sẽ không nghĩ đến nó nữa. Mỗi lần nhìn vào số dư trong tài khoản, tôi đều nghĩ mình không có nhiều tiền. Điều này giúp tôi tiêu ít đi".
Theo CNBC
Hồng Nhung