(Tổ Quốc) - Mong muốn quảng bá món ăn đặc trưng của Việt Nam ra khắp nước Nhật, tiệm Bánh Mì Xin Chào của hai anh em du học sinh hiện đang thu hút nhiều khách hàng, thậm chí vẫn đứng vững và đạt doanh số cao hơn trước dịch Covid-19.
Tiệm Bánh Mì Xin Chào (BMXC) đầu tiên ra đời vào tháng 10/2016 do hai người con đất Quảng là anh Bùi Thanh Duy (34 tuổi) và Bùi Thanh Tâm (29 tuổi) thành lập tại Nhật Bản hiện đang "làm mưa làm gió" tại Nhật Bản vì sự độc lạ và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Khát khao đưa bánh mì Việt Nam sánh ngang với sandwich, Kebab phương Tây
Lý do chọn bánh mì để kinh doanh tại Nhật Bản, ông chủ tiệm Bánh Mì Xin Chào cho biết, ngoài phở thì bánh mì là món ăn hiếm hoi của Việt Nam được đưa vào từ điển Oxford.
Anh Tâm tâm sự, anh vốn được sinh ra trong một vùng quê nghèo thuộc rốn lũ Đại Lộc - tỉnh Quảng Nam, nên hình ảnh tô phở nghi ngút khói đã từng là cái gì đó xa xỉ và không quen thuộc, thay vào đó ổ bánh mì dân dã đã ăn sâu vào tiềm thức ngay từ lúc bé.
Trong một lần đi tham quan khu chợ Ameyoko ở Tokyo (lúc đó anh Tâm đang là sinh viên năm 3 trường Đại học Yokkaichi ở tỉnh Mie), nhìn thấy hàng dài người xếp chờ ăn món Kebab của Thổ Nhĩ Kỳ, anh Tâm cũng ăn thử và thấy không ngon bằng bánh mì Việt Nam.
Ngay lúc đó anh Tâm đã có một thắc mắc, tại sao bánh mì Việt Nam có hương vị ngon hơn nhưng lại chưa nổi tiếng, chưa được công nhận hay phủ sóng tại Nhật, mặc dù dạo gần đây đã nổi lên như một loại sandwich ngon nhất thế giới, được đưa vào từ điển Oxford....
"Nhận thấy thị trường ở Nhật còn bỏ ngỏ nên tôi đã quyết định sẽ khởi nghiệp một tiệm bánh mì ngay từ lúc đó. Trong chiều hôm ấy, tôi đã điện thoại bàn chuyện với anh trai về ý tưởng và đã nhận được ý kiến tán thành. Từ đó, hai anh em tôi đã bắt tay vào xây dựng dự án", anh Tâm vui vẻ chia sẻ.
Với sự hội nhập và phát triển toàn cầu, nhiều nền văn hóa ẩm thực khác nhau đã và đang du nhập vào đất nước Mặt Trời mọc và có những chỗ đứng nhất định.
Không ngoại lệ, khi cơn sốt về bánh mì nổi lên trên toàn thế giới, người Nhật cũng đã phần nào tiếp nhận được thông tin và mong chờ một sản phẩm, một cửa hàng đúng chuẩn Việt Nam ra mắt.
Thêm vào đó, thời gian gần đây, mối quan hệ Việt - Nhật ngày càng tốt đẹp và số lượng du khách người Nhật đến Việt Nam tăng lên đáng kể. Họ cũng chính là những khách hàng muốn ăn vị bánh mì đúng chuẩn nhất mà mình đã từng nếm ở Việt Nam ngay trên quê hương Nhật Bản của họ.
Chính vì những lí do đó, 2 anh em đã chọn bánh mì để khởi nghiệp, và quyết định theo hương vị Hội An, nơi nổi tiếng với bánh mì Phượng, bánh mì Madam Khánh vốn nổi tiếng và khẳng định được thương hiệu với các du khách ngoại quốc, không ngoại trừ Nhật
"Xin chào" câu mở đầu khi muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam
Ngay từ lúc nảy sinh ý tưởng của dự án, anh Tâm tiết lộ rằng đã quyết định tên của tiệm là Bánh Mì Xin Chào bởi trong khu chợ truyền thống châu Á Ameyoko đó có khá đông người Việt Nam vào mua sắm mỗi ngày, nên dường như mỗi nhân viên ở các cửa hàng nơi đây đều chào tôi một câu chào hỏi bằng tiếng Việt. "Cứ hễ thấy ai giống người Việt thì họ đều mời chào: "xin chào..."", anh Tâm nói.
Ngoài ra, theo ý tưởng của anh Tâm, một người nước ngoài nếu muốn tìm hiểu văn hoá, học tập hoặc làm việc có liên quan đến Việt Nam thì cụm từ đầu tiên họ phải học là "Xin Chào", và từ đó anh nghĩ cái tên Xin Chào sẽ tạo ấn tượng mạnh với người ngoại quốc.
Từ "Xin chào" chắc chắn sẽ để lại dấu ấn khó phai mỗi những vị khách nước ngoài khi gặp một người Việt Nam họ lại "Xin Chào" và khi đó hiệu bánh mì của anh Tâm cũng sẽ được gợi nhớ.
Chia sẻ về những khó khăn của Tiệm Bánh Mì Xin Chào những ngày đầu thành lập, anh Tâm cho biết, con đường thành lập ra cửa hàng bánh đầu tiên tại Nhật Bản không được trải hoa hồng bởi thị trường nơi đây vốn đã vô cùng khắc nghiệt.
"Hầu hết các nguyên vật liệu đều được mua tại Nhật, trong đó khó khăn nhất là tìm kiếm xưởng sản xuất bánh mì đạt chuẩn theo yêu cầu. Bánh mì Việt Nam là phiên bản có chỉnh sửa của bánh mì baguette của Pháp nên đối với các công ty Nhật thì không đơn giản để sản xuất được chiếc bánh theo mong muốn của tôi. Vì vậy tôi đã phải liên lạc đến hơn 50 xưởng sản xuất mới tìm được đối tác làm được chiếc bánh đúng chuẩn và hợp tác đến hiện tại", anh Thanh Tâm tiết lộ.
Trước khi mở thêm chi nhánh, tiệm bánh mì này đều phải tuyển thêm nhân sự và hoàn thiện tất cả quy trình làm việc, dịch vụ, huấn luyện bài bản nhân viên... nên không gặp quá nhiều khó khăn về nhân sự. Thử thách lớn nhất khi mở chi nhánh mới là tài chính. Chi phí mở chi nhánh mới rất lớn, phải xoay xở nhiều phía thì đi vào hoạt động ổn định.
Cuối cùng, bánh mì Xin Chào đã vượt qua được tất cả để đi vào hoạt động ổn định và tìm kiếm những khách hàng đầu tiên cho mình. Sau 4 tháng mở ra, cửa hàng bán trung bình 200 ổ bánh mì mỗi ngày, giá bán trung bình khoảng 100.000 đồng/chiếc.
"Điều đáng mừng là doanh thu của BMXC vẫn tăng trưởng đều nhờ các sản phẩm đi kèm như cà phê và nước giải khát bán theo combo", anh Tâm nói.
Hiện tại, thương hiệu Bánh Mì Xin Chào có 1 cửa hàng nhượng quyền tại Kobe và một hợp đồng đã được ký kết sẽ triển khai vào đầu năm sau. Chi phí nhượng quyền không quá cao vì cả anh Tâm và anh Trai đều muốn quảng bá thương hiệu bánh mì của Việt Nam ra toàn nước Nhật.
Với vấn đề lo sợ về những rủi ro khi nhượng quyền, anh Tâm chia sẻ: "Khi bắt đầu tiến hành nhượng quyền, tôi cũng đã đề ra hàng loạt những rủi ro có thể gặp phải. Cuối cùng tôi đã chọn phương án nhượng quyền bán phần và chọn đối tác tin tưởng. Hiện tại thì quán nhượng quyền đang hoạt động khá tốt, và đã có lợi nhuận ngay từ tháng đầu tiên".
Doanh số vẫn tăng trưởng ấn tượng, có thời điểm cao hơn trước dịch Covid-19
Thời gian gần đây, ảnh hưởng từ dịch Covid-19, tiệm BMXC cũng đã bị sa sút vào thời gian đầu, nhưng sau đó nhờ những thay đổi chính sách bán mang về, groupon điện tử thì hiện tại tiệm bánh này vẫn đang hoạt động khá ổn ngay tâm dịch.
Anh Tâm cho biết, ngay từ lúc dịch bắt đầu "nóng" tại Vũ Hán, báo đài liên tục cảnh báo, nhắc nhở người dân phòng ngừa đã tạo một làn sóng sợ việc ra ngoài của người dân Nhật Bản, lúc này tất cả các loại hình dịch vụ, quán xá bắt đầu bị ảnh hưởng.
"Đặc biệt là khi các đường bay quốc tế bị cấm cửa thì đây cũng là lúc BMXC bị chao đảo, nhất là chi nhánh mới khi nằm ngay vị trí khu du lịch, ít dân cư. Doanh số của tiệm giảm đến 50%, chúng tôi gồng mình, vùng vẫy tìm mọi cách thoát khỏi khủng hoảng.
Nhận thấy tình hình nghiêm trọng, doanh số giảm sút đáng kể, chúng tôi đã quyết định nghiên cứu, đẩy mạnh nhiều hoạt động như thực hiện chiến dịch bán mang về và giao hàng trên xe điện, bán coupon điện tử, kết hợp với một ứng dụng vận chuyển có tiếng... để đảm bảo yếu tố vệ sinh, tiện lợi", chủ thương hiệu BMXC chia sẻ.
Tuy nhiên, rất may bánh mì của người Việt là sản phẩm có tính cơ động cao, lại đầy đủ dinh dưỡng và giá cả phải chăng nên nhu cầu mua mang về cao. Do đó, dù nằm ngay trong tâm dịch là thành phố Tokyo nhưng doanh số của hàng bánh mì này vẫn được "hồi sinh", thậm chí doanh số ngang ngửa, có lúc cao hơn cả trước dịch.
Hương Nguyễn