(Tổ Quốc) - Montessori được đánh giá là phương pháp giáo dục toàn diện, không chỉ giúp trẻ nâng cao học thức mà còn phát triển về mặt nhân cách.
Phương pháp Montessori là một trong những phương pháp giáo dục hiện đại được ưa chuộng nhất hiện nay. Rất nhiều nhà trường và phụ huynh đang áp dụng phương pháp Montessori cho con em mình vì nó không chỉ cung cấp học thức mà còn giúp giáo dục trẻ thành những con người văn minh.
Vậy phương pháp Montessori là gì, cách áp dụng như nào và vì sao nên áp dụng?
Định nghĩa phương pháp Montessori
Phương pháp Montessori được sáng lập từ đầu thế kỷ 20 bởi Tiến sĩ người Ý Maria Montessori – một chuyên gia trong các lĩnh vực Triết học, Nhân văn học và Giáo dục học.
Hiểu một cách đơn giản thì đây là phương pháp giáo dục trẻ bằng việc học tập thông qua các giáo cụ trực quan như tranh ảnh, biểu đồ, sơ đồ lớn, loa, phim ảnh,… Khác với phương pháp giáo dục truyền thống, phương pháp Montessori lấy trẻ làm trọng tâm và chú trọng vào việc khai thác tiềm năng sẵn có.
Montessori không áp đặt trẻ mà chỉ quan sát, đưa ra gợi ý và hỗ trợ khả năng tư duy, tự phát triển của trẻ. Mỗi đứa trẻ từ khi sinh ra đã có khả năng tự học tuyệt vời, nếu người lớn áp đặt sẽ khiến trẻ mất đi khả năng tư duy có sẵn đó.
Vậy nên, phương pháp Montessori đề cao sự tự học và tạo môi trường, không gian cho trẻ tự trải nghiệm, tự khám phá khả năng của bản thân.
5 lĩnh vực của phương pháp Montessori
Phương pháp giáo dục Montessori tập trung giảng dạy 5 lĩnh vực sau: Thực hành cuộc sống, Giác quan, Ngôn ngữ, Toán học và Văn hóa (bao gồm Lịch sử, Địa lý, Khoa học, Nghệ thuật).
- "Thực hành cuộc sống": Trẻ được học các bài học liên quan đến tự phục vụ bản thân như việc tự mặc/ cởi áo khoác, tự chuẩn bị đồ ăn, tự buộc dây giày, tự rửa tay, tự lau chùi nếu làm đổ cốc nước,… và chăm sóc môi trường xung quanh như việc lau bàn ghế, tưới cây, dọn dẹp bàn học,…
- "Giác quan": Trẻ được giao các tập giúp thực hành, vận dụng cả 5 giác quan để phát triển toàn diện. Chẳng hạn như với thị giác thì trẻ được giao ghép các đồ vật có màu sắc giống nhau.
-"Ngôn ngữ": Trẻ được khuyến khích thể hiện, bày tỏ bản thân bằng lời, được hướng dẫn cách nhận biết mặt chữ và tô chữ,…
- "Toán học": Trẻ làm quen với các các số, các biểu tượng số học, các phép tình đơn giản như cộng trừ, nhân chia.
- "Văn hóa": Trẻ được học về các đất nước, về Lịch sử, Âm nhạc, cũng như thời gian, động vật,…
Vì sao nên áp dụng phương pháp giáo dục Montessori
So với phương pháp giáo dục truyền thống, phương pháp Montessori có rất nhiều ưu điểm tuyệt vời, giúp phát triển con người toàn diện cả về học thức và nhân cách.
Vì vậy mà phương pháp này xứng đáng được nhà trường và phụ huynh áp dụng cho con em mình.
Như đã nói ở trên, phương pháp Montessori nhấn mạnh vào tính chủ động, sự tự lập và khơi gợi tiềm năng, khả năng tự học của trẻ. Giáo viên chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn, còn trẻ mới là người chủ động. Chính nhờ yếu tố này mà trẻ trở nên độc lập hơn và tài năng của trẻ có thể được phát hiện từ sớm.
Không chỉ vậy, việc học tập phương pháp Montessori còn giúp trẻ thông minh hơn và có lượng kiến thức rộng trong nhiều lĩnh vực (các lĩnh vực nêu ở mục trên). Việc tự học các kỹ năng chăm sóc bản thân cũng khiến trẻ sống tự lập và có ý thức cao ngay từ nhỏ.
Ngoài ra việc tự học, tự tìm tòi kiến thức giúp trẻ ghi nhớ kiến thức lâu hơn, từ đó giúp trí nhớ phát triển tốt. Cuối cùng, các kỹ năng chăm sóc người khác, chăm sóc môi trường xung quanh giúp trẻ có tính nhân văn, và học được cách quan tâm đến mọi người.
Trẻ nên bắt đầu học phương pháp Montessori từ độ tuổi nào?
Theo Tiến sĩ Maria Montessori, độ tuổi thích hợp nhất cho trẻ học phương pháp Montessori là từ 2 tuổi rưỡi đến 3 tuổi.
Theo đó, đây là khoảng thời gian trẻ có thể dễ dàng tiếp thu thông tin từ môi trường xung quanh và bắt đầu hình thành trí thông minh.
Không chỉ vậy, đây cũng là thời kỳ trẻ phát triển khả năng phối hợp và các kỹ năng vận động. Học phương pháp Montessori sẽ giúp trẻ hiểu được các nhu cầu xã hội, thể chất, cảm xúc và tâm lý của chính mình.
Một số bài học Montessori trẻ có thể học được trong độ tuổi này như:
Các hoạt động thực tế: Quét bụi, tưới cây, lau dọn,…
Các hoạt động tự chăm sóc: Rửa tay, mặc quần áo, đi vệ sinh,…
Chăm sóc cho người khác: Thể hiện sự duyên dáng, lịch sự, tôn trọng,…
Xã hội hóa: Thông thường đây là tương tác có cấu trúc đầu tiên của trẻ với bạn bè đồng trang lứa.
Nghệ thuật, âm nhạc và phong trào.
Thanh Hương