(Tổ Quốc) - Cô dâu phải "khóc cưới" từ nửa tháng hoặc 1 tháng trước khi rời khỏi nhà mẹ ruột.
"Khóc cưới" là một trong những tập tục cưới hỏi độc đáo của người Thổ Gia. Cô dâu phải vừa khóc vừa hát các ca khúc "khóc cưới" từ 3 ngày đến 7 ngày trước ngày cưới. Có nhiều gia đình phải thực hiện "khóc cưới" từ nửa tháng đến 1 tháng, thậm chí có nơi là 3 tháng trước khi rời khỏi nhà mẹ ruột.
Nội dung của các ca khúc "khóc cưới" rất đa dạng, bao gồm khóc cho bố mẹ, khóc cho vợ chồng anh chị, khóc cho em trai em gái, khóc cho tổ tiên và khóc cho người mai mối,...
Lúc khóc, có người khóc 1 mình, cũng có người khóc cùng bố mẹ, anh chị em, họ hàng hay bạn bè. Có cô dâu khóc trong phòng, cũng có người chọn khóc bên bờ ao. Có người khóc to ầm ĩ, cũng có người khóc thầm 1 mình. Tùy vào hoàn cảnh của cô dâu mà hình thức và nội dung "khóc cưới" khác biệt nhau. Nhưng hầu như những ca khúc "khóc cưới" đều chỉ dài khoảng 5 - 7 câu và có giai điệu đơn giản.
Hoạt động "khóc cưới" sôi nổi nhất là vào đêm trước ngày xuất giá, cô gái sẽ bắt đầu khóc từ lúc khách tới nhà, khóc đến lúc bắt đầu vào tiệc tối. Thời điểm đặc biệt nhất là trước lúc bình minh ló dạng, tất cả bố mẹ, chị em gái, bạn thân nữ và cô dâu đều khóc cùng nhau, tiếng khóc nức nở vang vọng khắp nơi.
Nội dung của ca khúc "khóc cưới" có thể là thế này: Bố của con, mẹ của con ơi, hai người đã vì con mà tặng những món hồi môn này... Khi gà vừa bắt đầu gáy, bố mẹ đã lên đường; khi chim sẻ vào tổ, bố mẹ đã đi được nửa đường;...
Sau khi cô gái khóc xong, người mẹ sẽ tiếp nối màn khóc này: Con của ta ơi, con của ta à, con đến nhà chồng không được chịu thiệt, không cần lo cho bố mẹ ở nhà, hãy cẩn thận khi đứng trước mặt bố mẹ chồng. Người ta to giọng, con phải trả lời nhẹ nhàng; người ta trợn mắt nhìn, con không cần nhìn họ...
Ngày đầu tiên của lễ cưới, cô dâu phải tắm gội sạch sẽ toàn thân và thực hiện nghi thức "khai kiểm", nghĩa là tục chải tóc, bới đầu, cạo sạch lông tơ ở mặt và vùng cổ trước khi về nhà chồng. Đồng thời, 9 cô gái chưa kết hôn, tổng cộng 10 người tính luôn cả cô dâu sẽ cùng nhau khóc và hát ca khúc "khóc cưới" tên là "10 chị em bên nhau" để nhắc về kỷ niệm ấm áp thời độc thân.
Sau khi kết thúc quá trình chải chuốt, người thân và bạn bè sẽ rời khỏi phòng riêng của cô dâu, tiếp đó cô dâu sẽ từ từ bước ra sảnh nhà chính và xỏ vào đôi giày thêu hoa do nhà trai mang đến, cầm một chiếc ô rồi chào từ biệt gia đình mẹ đẻ trong tiếng trống.
Sau khi hoàn tất nghi lễ bái đường ở nhà chồng, hôn lễ xem như đã hoàn tất.
Ý nghĩa của tiếng khóc này chính là lời cám ơn sự giúp đỡ của hàng xóm và người thân, khóc cảm tạ công ơn dưỡng dục của bố mẹ. Ngoài ra còn thể hiện sự bất an trước cuộc sống mới. Với nhiều người không đồng ý cuộc hôn nhân này, họ dùng tiếng khóc để bộc lộ sự bất bình, tức giận với người mai mối.
Hầu như những người phụ nữ nhà gái đều khóc, người đàn ông không khóc nhưng cũng phải chủ động nói những lời an ủi và chúc phúc.
Nguồn: KKnews
HY LI