(Tổ Quốc) - Khi thay bỉm cho con, bố bé đột nhiên phát hiện trên mông con có một cục cứng.
Trẻ em luôn là đối tượng cần được nâng niu và bảo vệ hết mực. Hẳn cha mẹ nào cũng mong muốn con có thể phát triển khỏe mạnh trong một môi trường an toàn. Thế nhưng vẫn có những tai nạn đáng tiếc xảy ra với trẻ mà nhiều khi cha mẹ không thể lường hết được.
Mới đây, một bà mẹ họ Nhậm (Trung Quốc) đã chia sẻ với truyền thông câu chuyện của con trai, mục đích thông qua dư luận đòi lại công bằng cho gia đình cô. Theo lời người mẹ này, vào hồi tháng 3 cô có mua một loại bỉm cho con sử dụng. Đến đầu tháng 5 vừa rồi, chồng cô khi thay bỉm cho bé đột nhiên phát hiện trên mông con có một cục cứng.
Đưa con đến bệnh viện kiểm tra, vợ chồng cô Nhậm kinh hoàng khi bác sĩ thông báo trong mông của em bé là một đoạn kim gãy dài đến 2cm. Vì đoạn kim gãy này cắm quá sâu không thể lấy ra được nên các bác sĩ phải tiến hành gây mê, sau đó làm phẫu thuật mới lấy được dị vật ra khỏi cơ thể đứa trẻ.
Vợ chồng cô Nhậm tìm đến cửa hàng bán loại bỉm đó, chủ cửa hàng lập tức cho rằng đó là lỗi của nhà sản xuất bỉm. Nhưng thời điểm vợ chồng cô liên lạc được với phía công ty sản xuất thì họ khẳng định sản phẩm của nhà máy tuyệt đối không có vấn đề gì.
Hình ảnh siêu âm dị vật trong mông em bé.
Đại diện phía nhà máy thậm chí cho rằng vợ chồng cô Nhậm đang cố tình gây rối. Sản phẩm của nhà máy được lưu hành rộng rãi trên cả nước, trước nay chưa từng xảy ra trường hợp nào như vậy. Hơn nữa, nguyên liệu chế tạo bỉm trẻ em không bao gồm kim loại và độ dày của bỉm chỉ có 1cm. Điều đó cho thấy thật khó để 1 đoạn kim gãy 2cm tồn tại trong bỉm.
Đoạn kim gãy và vết thương trên mông em bé.
Phía công ty sản xuất bỉm trẻ em từ chối bồi thường, vợ chồng cô Nhậm liền phản ánh lên bộ phận quản lý thị trường. Ở đây cô nhận được lời khuyên nên để cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ sự việc, vì đôi bên không đạt được sự hòa giải.
Cư dân mạng cho rằng, khả năng có kim gãy ở trong bỉm của trẻ là không lớn. Nhiều nhà máy sản xuất hiện nay đều có máy kiểm tra kim loại trước khi đóng gói hàng hóa, nhất là khi sản xuất các đồ dùng dành cho trẻ em. Có thể là người lớn trong nhà sơ suất làm rơi mẩu kim loại vào bỉm của bé.
Nhưng một bộ phận ý kiến khác lại đứng về phía vợ chồng cô Nhậm. Họ đưa ra nhận định, không loại trừ khả năng các khâu sản xuất trong nhà máy xảy ra vấn đề. Suy cho cùng chẳng có gì tuyệt đối, những lý lẽ đại diện nhà máy đưa ra khá thuyết phục song không ai đảm bảo rằng họ luôn thực hiện đúng chuẩn mọi thứ.
Tuy chưa thể khẳng định chính xác nguyên nhân của sự việc là do đâu nhưng qua đây cũng nhắc nhở cha mẹ phải hết sức chú ý khi chăm sóc con. Tốt nhất là cha mẹ hãy kiểm tra kỹ lưỡng tất cả đồ dùng, đồ ăn thức uống, đồ chơi của con và cả những vật dụng xung quanh bé. Qua đó sẽ hạn chế tối đa tai nạn có thể xảy ra với trẻ em.
Tú Cầu