(Tổ Quốc) - “Trầm cảm sau sinh” là cụm từ mang đầy tính đe dọa không chỉ đối với bất kỳ bà mẹ sắp sinh hay vừa sinh con nào, mà còn đối với các ông bố vừa lên chức và cả gia đình hai bên nữa.
Có con là một thay đổi lớn trong cuộc đời một phụ nữ. Nhiều người sẽ cảm thấy hạnh phúc và tự hào về thành viên mới của gia đình mình, nhưng cũng có không ít bà mẹ lại cảm thấy thất vọng và quá sức chịu đựng. Những rối loạn tâm lý sau sinh này là hoàn toàn bình thường nếu chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn.
Nếu cảm giác buồn bã của bạn kéo dài hơn hoặc trở nên tồi tệ hơn chứ không cải thiện dần, bạn có thể mắc chứng trầm cảm sau sinh. Tình trạng này nghiêm trọng và kéo dài hơn so với baby blues, gặp phải ở khoảng 10% phụ nữ mới sinh con. Bạn có nhiều khả năng bị trầm cảm sau sinh nếu đã từng mắc chứng trầm cảm hoặc có người thân trong gia đình bị bệnh này.
Parent coach Tú Anh Nguyễn sẽ chỉ ra cho các mẹ rõ hơn về dấu hiệu của trầm cảm sau sinh và Baby Blues:
Việc sinh một em bé ra đời là một trải nghiệm đặc biệt khó quên với hầu hết mọi bà mẹ. Dù em bé ra đời bằng cách sinh thường hay sinh mổ, mỗi cuộc sinh nở là một lần mẹ bị tổn thương thể chất nghiêm trọng. Sau khi con ra đời, cơ thể mẹ ngay lập tức phải tự điều tiết từ việc có một mầm sống "cộng sinh" với mình trong suốt 9 tháng trời chuyển qua chỉ còn nuôi dưỡng một mình bản thân.
Hormone tăng dần trong 9 tháng vừa qua giảm đột ngột sau một ngày, cùng với các đau đớn khi sinh nở, tất cả gây ra một sự mệt mỏi khủng khiếp cho mẹ trong quá trình hồi phục và chăm sóc con sau sinh. Ngoài những thay đổi thể chất, người mẹ còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều áp lực tâm lý và thay đổi cảm xúc.
Mọi người có lẽ đều nghĩ rằng khi sinh con ra, mẹ ngay lập tức sẽ có một sợi dây kết nối với con và yêu thương con vô bờ bến từ giây phút đầu tiên nhìn thấy con. Nhưng thực tế không phải như vậy. Không phải người mẹ nào vừa nhìn thấy con cũng đã cảm thấy thương yêu con sâu sắc ngay lập tức. Một số người mẹ cảm thấy stress vô cùng khi phải cố gắng cho con bú mẹ.
Baby Blues có dấu hiệu như thế nào?
Với nhiều người mẹ, việc cho con bú không phải là việc tự nhiên, dễ dàng hay dễ làm. Tất cả những thay đổi và khó khăn trên dễ dẫn đến tình trạng mẹ bị xuống tinh thần trong vài tuần đầu sau sinh (Baby Blues). Người mẹ luôn trong trạng thái cảm xúc không ổn định, nhiều lo lắng, khó chịu, dễ khóc, mất tập trung và luôn căng thẳng mệt mỏi. Hiện tượng này xảy ra với khoảng 80% phụ nữ sau sinh, ở mức độ nặng, nhẹ khác nhau.
Baby Blues không nghiêm trọng như trầm cảm sau sinh. Baby Blues có thể ví như một đám sương mù dày đặc kéo đến ngay sau khi mẹ sinh con ra.
Dù đây là một hiện tượng phổ biến, nhưng nó vẫn khiến những người mẹ mới sinh và cả những người thân xung quanh cảm thấy không hề bình thường. Mẹ hãy cố gắng lên, đây chỉ là một giai đoạn tạm thời, kéo dài khoảng 2 – 3 tuần sau sinh thôi. Sau giai đoạn này, hormone trong cơ thể mẹ dần điều tiết về như cũ, mẹ cũng quen dần với việc chăm con và thêm gắn kết với con mỗi ngày.
Baby Blues không nghiêm trọng như trầm cảm sau sinh. Baby Blues có thể ví như một đám sương mù dày đặc kéo đến ngay sau khi mẹ sinh con ra. Tất cả mọi người trong gia đình, kể cả bố em bé và ông bà, đều phải điều chỉnh nếp sinh hoạt, thói quen hằng ngày cho phù hợp với sự xuất hiện của một em bé vừa chào đời. Đây là một sự xáo trộn không hề nhỏ, cộng thêm những thay đổi ở chính bản thân mẹ và những vất vả khi lần đầu chăm sóc con nên nhiều người mẹ rơi vào tình trạng xuống tinh thần sau sinh trong vài tuần đầu. Sau đó tình trạng này sẽ đỡ dần, đám sương mù tan biến, mẹ lấy lại sinh lực và tinh thần vui vẻ, tận hưởng thời gian bên con.
Trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh thì khác. Sau 2 – 3 tuần sau sinh mẹ vẫn không hề cảm thấy đỡ hơn mà tinh thần ngày càng kém đi và lao dốc: rối loạn lo âu, suy nghĩ nhiều điều tiêu cực, khó ngủ, ăn không ngon miệng, mất kết nối với người thân và gia đình…
Các dấu hiệu cụ thể của trầm cảm sau sinh có thể là: chán ăn, sụt cân, suy nhược cơ thể, căng thẳng hay lo lắng và hoảng hốt, mất tập trung, cảm giác bị ám ảnh, có những suy nghĩ hoang tưởng về các hành vi nguy hiểm, gây hại cho bản thân hoặc cho con.
Với các dấu hiệu trầm cảm nhẹ ở giai đoạn đầu, sự hỗ trợ, cảm thông và thấu hiểu của gia đình là rất quan trọng. Nếu tình hình không thuyên giảm, đó là lúc mẹ cần phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia và có thể phải cần được điều trị bằng thuốc.
Nuôi con bằng sữa mẹ là một trong những điều tuyệt vời nhất, tuy nhiên trong những ngày đầu sau sinh, không phải người mẹ nào cũng thành công dễ dàng trong việc cho con bú. Việc cho con bú mẹ vừa giúp cơ thể giải phóng oxytocin, một hoạt chất gây hưng phấn và cảm giác hạnh phúc cho mẹ, nhưng đồng thời cũng là nguyên nhân khiến nhiều người mẹ stress cao độ nếu con bú không thành công.
Điều quan trọng nhất trong giai đoạn này mẹ cần làm là tìm kiếm sự chia sẻ và cảm thông, và hãy luôn nhớ rằng không phải mẹ nào cũng thành công từ lần đầu tiên cho con bú.
Tú Anh Nguyễn là tác giả sách nuôi dạy con: "Làm mẹ rất vui" và "Hiểu con để dạy con tích cực". Với chuyên môn trong lĩnh vực Tâm lý học trẻ em, công việc của chị là Parent Coach – Chuyên gia tư vấn phụ huynh với chứng chỉ từ Academy for Coaching Parents International (ACPI); đồng thời là Certified Positive Discipline Parent Educator – Chuyên gia đào tạo phụ huynh về dạy con tích cực với chứng chỉ được cấp bởi tổ chức Positive Discipline Association.
Là mẹ của hai bạn nhỏ, sống tại TP.HCM, chị Tú Anh đã sáng lập dự án Happy Parenting nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nuôi dạy con theo khoa học, hỗ trợ để các phụ huynh có thể trở thành cha mẹ tích cực, vui vẻ trong chặng đường nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc. Tú Anh mong muốn có thể đồng hành cùng các bậc cha mẹ tạo nên một hành trình khôn lớn cùng con đầy ý nghĩa và nhiều niềm vui.
Bạn có thể tìm đọc những bài viết của chị Tú Anh Nguyễn TẠI ĐÂY.
Trang Anh