(Tổ Quốc) - Mới đây tại Lễ trao giải tôn vinh nhà sáng chế đạt giải quốc tế trong khuôn khổ hoạt động Techfest năm 2020 vừa qua, ông Trần Đình Giao (Nam Định) là một trong bốn nhà sáng chế đoạt giải thưởng quốc tế được vinh danh và trao chứng nhận tham gia Techfest.
Nhận được Huy chương Vàng trong Cuộc thi sáng chế và sáng tạo quốc tế dành cho các sáng tạo mang tính xã hội, do Euro Business Haller tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Phát triển Kinh tế Ba Lan và Hiệp hội Sáng chế và Sở hữu trí tuệ thế giới, ông Giao rất tự hào vì đây là thành quả trong nhiều năm nghiên cứu, đầu tư nhiều công sức và tiền bạc.
Ông chủ Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình chia sẻ quan niệm và quyết tâm đầu tư lò thiêu không khói
Theo ông chủ đài hóa thân, ông tự hào bởi đây là công trình nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam, hệ thống xử lý 100% khói bụi, bảo đảm vệ sinh môi trường và tiết kiệm năng lượng của lò hỏa thiêu, đang áp dụng tại công viên nghĩa trang Thanh Bình, tỉnh Nam Định.
Chia sẻ về thành công, ông Giao cho biết điều duy nhất xuất phát từ cái tâm và quan niệm, khi con người chết đi, làm thế nào để siêu thoát nhanh nhất. Vì vậy ông Giao nghiên cứu công nghệ thiêu nhưng phải đảm bảo tuyệt đối về môi trường.
"Khi con người chết đi, về âm dương làm sao để nhanh được siêu thoát. Vì vật chất hết thì linh hồn nhanh phải được siêu thoát" ông chỉ lò hỏa táng nêu quan niệm.
Mặt khác, ông Giao cho biết bản thân luôn tâm niệm sự cân bằng giữa phát triển và bảo vệ môi trường.
Nghĩ là làm, với mong muốn tiếp theo là làm thế nào để người mất đi có được một bộ cốt đẹp, giữa năm 2012, ông Giao bắt đầu đi vào nghiên cứu tìm hiểu đồng thời đi tham quan cả ở nước ngoài đều thấy các lò thiêu đều có ống khói lên trời, như thế sẽ gây hại cho môi trường và cuộc sống người dân chung quanh.
Từ đó, ông Giao quyết định tìm hiểu phương pháp để ngăn không cho khói bụi từ lò thiêu xả trực tiếp lên trời.
Trong quá trình nghiên cứu ông phát hiện, lò thiêu tạo ra lượng khí thải lớn, với sức nóng lên tới 500 độ C, kèm sức gió thổi tương đương cấp 9. Nếu tận dụng hai nguồn năng lượng này để tạo thành một hệ thống xử lý tuần hoàn, đồng thời xử lý lượng khí thải ô nhiễm, có thể tiết kiệm thời gian và chi phí hỏa thiêu.
Trên cơ sở phát hiện đó, ông Giao đã thiết kế ống khói cong xuống mương nước tuần hoàn. Khi đó, sức gió mạnh của lò thiêu có thể đẩy nước trong mương chảy, sức nóng 500 độ C khi lò vận hành được sử dụng để đun sôi nước bể lắng trong mương tuần hoàn, hơi nước bốc lên. Khói bụi gặp hơi nước nặng hơn nên bị dập xuống.
Năm 2014, hai lò hỏa thiêu đầu tiên được đưa vào hoạt động thử nghiệm dựa trên thiết kế do ông nghiên cứu. Những chi tiết chưa được tối ưu hóa như: Buồng đốt, quạt gió đã được ông Giao hoàn thiện sau mỗi lần thử nghiệm.
"Về quan trắc môi trường, những lò thiêu này tuyệt đối không làm ảnh hưởng tới người dân. Kể cả đứng sát lò cũng không có cảm giác nóng hay mùi do hệ thống vận hành tuần hoàn. Thời gian hỏa thiêu và xử lý chất thải chỉ mất 45-75 phút, tiết kiệm thời gian gấp ba lần so các lò thiêu thông thường", ông Giao cho biết.
Hiện, công trình của ông được hoàn thiện và vận hành ổn định tại 7 lò hỏa thiêu của công viên nghĩa trang Thanh Bình, tỉnh Nam Định và đang triển khai xây dựng hệ thống lò hỏa thiêu ở Lạng Sơn.
Nhờ tính sáng tạo và hữu ích của công trình, tháng 5-2019, ông Trần Đình Giao được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng sáng chế giải pháp hữu ích.
Sáng chế của ông Trần Đình Giao được đánh giá cao, mang ý nghĩa nhân văn.
Ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - cho biết: "Các ý tưởng chúng ta đem đi tham dự những cuộc thi về sáng chế được nước ngoài đánh giá rất cao. Đây là ý tưởng, nguồn lực lớn. Nếu chúng ta có chính sách, cơ chế tạo điều kiện, những nguồn lực ấy được giải phóng sẽ đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển của kinh tế, xã hội của Việt Nam trong tương lai".
Minh Ngọc