(Tổ Quốc) - Nhiều khán giả cho rằng, "Đi đu đưa đi" có nhiều ý tưởng giống với tập phim "San Junipero" của Black Mirror mùa thứ tư.
Những ngày qua, Denis Đặng là cái tên được mọi người nhắc đến khá nhiều. Đáng tiếc, lý do không phải vì anh có một MV nào đó xuất sắc mà lại là những lùm xùm liên quan đến chuyện đạo nhái. Ồn ào bị một nghệ sĩ người Nga tố đạo ý tưởng tác phẩm còn chưa kịp lắng, Denis Đặng lại tiếp tục bị "soi" mượn các yếu tố từ nghệ thuật kinh kịch Trung Quốc và kịch Kanbuki của Nhật Bản vào tạo hình nhân vật trong MV "Chân ái".
Và mới đây nhất, khán giả lại phát hiện, MV Đi đu đưa đi do Denis Đặng làm giám đốc sáng tạo có nhiều chi tiết trùng lặp với tập phim thứ 4 của loạt phim Black Mirror. Đây là series phim khoa học - viễn tưởng nổi tiếng của Anh, nói về mặt trái và sự đáng sợ khi công nghệ len lỏi vào mọi mặt cuộc sống.
Nào, hãy cùng xem những điểm trùng hợp đó là gì nhé!
Trước tiên, nhắc lại một chút về MV Đi đu đưa đi của ca sĩ Bích Phương. MV này mở đầu bằng hình ảnh một bà lão (NSND Lê Thiện) dùng thiết bị công nghệ cao để đi vào thế giới ảo. Ở nơi đó, bà lão hoá thành phiên bản của mình thời trẻ - chính là Bích Phương và thoải mái diện những bộ đồ mà mình yêu thích, chơi các trò game, nhảy múa, hát hò, quẩy hết mình trong một quán bar đông vui và tương tác với nhiều nhân vật ảo khác.
Cũng ở nơi thế giới ảo, Bích Phương phải lòng một anh chàng điển trai, 6 múi. Trong khoảnh khắc trao cho anh chàng ấy nụ hôn cũng là khi cả hai phải trở về với cuộc sống thực. Tuy vậy, chàng trai kia vẫn kịp trao cho Bích Phương một mảnh giấy ghi địa chỉ, số phòng để có thể gặp gỡ.
Khi trở về đời thực, NSND Lê Thiện tìm đến nơi hẹn gặp theo thông tin ghi trên giấy thì phát hiện anh chàng 6 múi rốt cuộc lại là một người phụ nữ lớn tuổi do nghệ sĩ Thiên Kim thủ vai. Cả hai đã yêu nhau trong thế giới ảo mà không biết ngoài đời thực họ cùng giới tính và đều là những cụ bà lớn tuổi.
Tương tự, trong tập phim San Junipero, kể về câu chuyện tình đồng tính lãng mạn của Kelly và Yorkie. Cả hai cũng dùng công nghệ để đến với thế giới ảo - thị trấn San Junipero và gặp nhau lần đầu tiên ở quán bar Tucker's, ở đây họ trở cũng trở thành phiên bản thời trẻ của mình. Kelly yêu thích những điệu nhảy và có nhiều người bạn ở quán bar còn Yorkie khá rụt rè, khép kín, cô chỉ chơi trò chơi điện tử và nói chuyện với một vài người.
Kelly và Yorkie sau đó đã yêu nhau trong thế giới ảo và cho đối phương địa chỉ để gặp gỡ ngoài đời thực. Họ thực chất là hai bà lão, Kelly là goá phụ còn Yorkie bị liệt sau một tai nạn xe hơi từ năm 21 tuổi.
Hơn 40 năm nằm liệt, Yorkie nhờ vào một hệ thống dành cho việc chữa bệnh - liệu pháp hoài niệm nhập vai, đưa con người vào thế giới của hồi ức. Yorkie muốn được an tử để hoàn toàn sống trong thế giới ảo còn Kelly phải lựa chọn giữa việc chết ở đời thực giống như người chồng quá cố của mình hay chuyển ký ức vào thị trấn San Junipero để sống cùng Yorkie.
Nói đến đây có lẽ nhiều người đã nhận ra vì sao người ta lại nghi ngờ Đi đi đưa đi đạo nhái ý tưởng của San Junipero.
Về Ý TƯỞNG: Cả hai cùng khai thác khía cạnh công nghệ ảo.
Về CỐT TRUYỆN: Cùng sử dụng tuyến nhân vật là những bà lão ở thế giới thực dùng công nghệ cao để đến thế giới ảo, ở đó họ trở thành phiên bản của mình thời trẻ và yêu nhau trong thế giới ảo ấy.
Về HÌNH ẢNH: Đi đu đưa đi sử dụng bối cảnh ở quán bar và đây cũng chính là bối cảnh trong đoạn đầu của San Junipero. Bên cạnh đó, phân cảnh Bích Phương thay đứng trước gương những bộ quần áo, chơi các trò game, đu đưa theo điệu nhạc... cũng trùng hợp với chi tiết trong San Junipero.
Rõ ràng là không khó để người xem nhận ra điểm giống nhau đến bất ngờ. Có chăng sự khác nhau chỉ nằm ở chỗ nhân vật mà Bích Phương trót yêu trong thế giới ảo là trai đẹp 6 múi chứ không phải mối tình đồng tính với một cô gái nào đó mà thôi.
Denis Đặng từng giải thích cho những ồn ào đạo nhái vừa qua của mình rằng: "Tôi muốn sáng tạo một thế giới riêng, ở đó, tôi có thể "mix", "trộn lẫn" các nền văn hóa lại với nhau, nhưng nhìn ở đâu đấy thì vẫn thấy được sự tách biệt".
Mọi người cũng đừng nghĩ rằng lấy chỗ này một ít, lấy chỗ kia một ít nó sẽ trở thành "đạo", vì bản thân tôi, lấy chỗ này một ít, lấy chỗ kia một ít, để đắp vào với nhau thành một tổng thể hài hòa, cân đối và thu hút, đấy là một sự lao động".
Thế nhưng lần này, đó không còn là lấy chỗ nọ một ít chỗ kia một ít như Denis Đặng nói nữa, nó là sự giống nhau ở ý tưởng, ở bối cảnh, ở diễn biến của câu chuyện. San Junipero cũng là một tập phim được đánh giá là hay nhất của series Black Mirror và từng giành hai giải Emmy, một giải BAFTA. Nên nếu nói Denis Đặng không biết đến bộ phim này thì cũng không được hợp lý cho lắm.
Liệu có một sự mượn ý tưởng nào ở đây hay Đi đu đưa đi và San Junipero thực chất chỉ là hai ý tưởng lớn gặp nhau? Chúng ta cùng đợi lời giải thích của giám đốc sáng tạo Denis Đặng nhé!
V.V.