(Tổ Quốc) - Với mức lương ổn định, chàng phi công trẻ đang hiện thực hóa các giấc mơ và sở thích của bản thân theo cách tiết kiệm hợp lý và thông minh.
Hemant Saria không lớn lên với giấc mơ về những chiếc máy bay. Phi công 33 tuổi này lớn lên ở Nepal. Ở đây, cách nhanh nhất để kiếm được nhiều tiền đó là trở thành một phi công, Hemant Saria chia sẻ.
Mười hai năm sau, Saria kiếm được khoảng 2,5 tỷ/năm khi là một sĩ quan đầu tiên lái máy bay chở hàng Boeing 747. Anh đang sống với vị hôn thê của mình ở Tampa, Florida.
Saria bay 15 đến 16 ngày liên tục mỗi tháng, sau đó được nghỉ hai tuần. Anh được trả 2,5 triệu cho mỗi giờ và nhiều hơn cho việc làm thêm giờ. Do đó thu nhập hàng tháng của Saria thường dao động tùy thuộc vào số giờ anh ấy làm việc. Saria luôn đảm bảo làm việc trong 64 giờ mỗi tháng nhưng có thể lên cao hơn là 100 giờ trong những tháng bận rộn.
Mức lương cơ bản được đảm bảo của Saria là 1,9 tỷ/năm, cộng thêm 300 triệu làm thêm giờ. Anh ấy cũng nhận được từ 230 triệu đến 300 triệu nữa để trang trải chi phí hàng ngày trong khi bay.
Đến 40 tuổi, Hemant Saria hy vọng sẽ có ít nhất 4,6 tỷ tiền tiết kiệm và hoàn toàn không có nợ, bao gồm cả thế chấp. Để thực hiện hóa điều này, quá trình chi tiêu và tiết kiệm của Hemant Saria diễn ra như sau.
Đồ ăn
Saria thường xuyên đi công tác, nhưng anh và vị hôn thê mỗi khi ở nhà đều rất thích nấu ăn. Thậm chí, Hemant Saria còn tự làm bánh mì. Tổng cộng, anh và vị hôn thê chi ra khoảng từ 7 - 8 triệu cho tiền ăn uống và 11,5 triệu cho việc đi ăn hàng. Số tiền này bao gồm toàn bộ bữa ăn cho cả Saria và vị hôn thê khi anh ấy về nhà.
Tiền thuê nhà
Saria và vị hôn thê đang sống trong một căn hộ có hai phòng ngủ có giá thuê mỗi tháng là 24 triệu. Saria chi trả khoảng 70% tiền thuê nhà, trong khi vị hôn thê của anh trả phần còn lại. Cô hiện là một sinh viên đang học thạc sĩ quản trị kinh doanh.
Giá thuê đã bao gồm điện nước, đổ rác, bảo trì và an ninh. Khu phức hợp của họ cũng đi kèm quyền sử dụng phòng tập thể dục, hồ bơi và phòng giặt ủi.
Di chuyển
Mỗi tháng Hemant Saria mất khoảng 3 triệu tiền xăng và bảo dưỡng cho hai chiếc xe của mình.
Anh ấy không đi taxi thường xuyên nhưng chi khoảng 1,2 triệu cho nhu cầu này mỗi tháng.
Gửi tiền cho cha mẹ
Mỗi tháng, Saria gửi 11,5 triệu cho cha mẹ của mình ở Nepal. Đây là một nét văn hóa ở châu Á khi việc chăm sóc và phụng dưỡng cha mẹ trở nên phổ biến.
Bảo hiểm
Bảo hiểm sức khỏe, nha khoa, thị lực và bảo hiểm nhân thọ của Saria đều được khấu trừ từ tiền lương của anh. Chi phí cho bảo hiểm sức khỏe, nha khoa và thị lực là 4,6 triệu/tháng.
Bảo hiểm xe hơi của anh là 3,9 triệu/tháng, và bảo hiểm xe máy có giá 1 triệu/tháng. Bảo hiểm thuê nhà là 2,8 triệu/năm.
Trả nợ các khoản vay sinh viên
Saria trả 8 triệu cho khoản vay sinh viên của mình/tháng.
Khoản vay này có từ khi Saria học bằng cử nhân của Đại học Hàng không Embry-Riddle. Bằng cử nhân là một yêu cầu đối với rất nhiều hãng hàng không ở Hoa Kỳ, vì vậy Saria bắt buộc phải sở hữu nó.
Một vài chi phí khác
Giải trí: 5,8 triệu/tháng (bao gồm các khóa học, vé xem phim và các hoạt động xã hội khác)
Tiện ích: 3 triệu (bao gồm gói dịch vụ và internet)
Giặt ủi: 920.000 đồng
Điện thoại: 460.000 đồng
Tiết kiệm
Saria đặt khoảng 62 triệu tiền tiết kiệm hàng tháng. Số tiền này được Saria phân bổ như sau: Tiền gửi thông thường (23 triệu); tiết kiệm hưu trí (37 triệu) và đầu tư 2,3 triệu.
Cụ thể, Saria đặt mục tiêu dành ra ít nhất 23 triệu cho tiền gửi thông thường (một số tháng anh chỉ tiết kiệm 11 triệu, bù lại các tháng khác anh dành ra được 30 triệu). Đến nay, Saria đã tiết kiệm được 230 triệu.
Riêng khoản tiết kiệm hưu trí chiếm tới 17% thu nhập tháng. Bên cạnh đó, anh còn mua cổ phiếu thông qua tài khoản E-Trade. Số tiền đầu tư dao động tùy thuộc vào thời gian anh theo dõi thị trường và thường rơi vào 2,3 triệu/tháng.
Ngoài ra, Saria có sở thích cá nhân là sưu tập đồng hồ. Bộ sưu tập lên tới gần 2 tỷ trong đó có chiếc Rolex trị giá 575 triệu/chiếc. Anh cho biết đó đơn giản là sở thích cá nhân, còn bản thân không có ham muốn "thể hiện" khi thậm chí nhiều người cũng không để ý đến loại đồng hồ anh đeo.
Theo CNBC
NuNu