(Tổ Quốc) - Ðã nghe nhiều người than khổ, bực, thậm chí cáu đến phát khùng vì ở cạnh những bà hàng xóm "lắm điều", nhưng khi thật sự là người trong cuộc, tôi mới thấy thấm hết nỗi khổ phải chịu đựng!
Ở Việt Nam, bạn có thể không sợ trời, không sợ đất, không sợ thiên hạ nhưng chắc chắn phải sợ độ nhiều chuyện của… bà hàng xóm. Những người có thể vượt qua nỗi sợ dịch bệnh, vượt qua lệnh cấm tụ tập, bất chấp tất cả đến với nhau bằng những câu chuyện "tâm tình" mỗi tối ở hành lang, sảnh chung cư hay khuôn viên vui chơi - không ai khác chính là "hiệp hội camera" trong chung cư, nôm na gọi là... những bà hàng xóm "lắm điều"!
"Cái H. mãi chả thấy đẻ, không khéo tịt rồi cũng nên"
Vợ chồng tôi kết hôn hơn 2 năm nay nhưng do tính chất công việc bận rộn, cũng ít khi có cơ hội tiếp xúc với hàng xóm, cộng thêm điều kiện kinh tế còn chật vật, lại còn nặng gánh bố mẹ 2 bên đều già cả, các em đang đi học nên vợ chồng tôi còn "kế hoạch" chuyện con cái. Bố mẹ chồng tôi còn chưa có ý kiến gì về chuyện đó mà bà Hiền - hàng xóm nhà tôi đã liên tục "sốt ruột" hộ.
Hôm nọ, trong lúc chuẩn bị vào siêu thị dưới chân tòa nhà mua vội mấy gói mì ăn sáng, tôi vô tình nghe được bà Hiền đứng trước quầy rau bô bô buôn chuyện cùng các "đồng nghiệp" rằng: "Cái H. mãi không thấy đẻ, không khéo "tịt" rồi cũng nên. Bọn nó bây giờ nhiều đứa sống buông thả, vô tội vạ nên cưới về mãi chẳng đẻ được".
Rồi thì bà "đồng nghiệp" nào đó đứng cạnh cũng tiếp lời luôn: "Các cụ nói cấm có sai: "Cây độc không trái, gái độc không con", chả có nhẽ chứ không à, nhìn cái mặt ấy chắc là thời trẻ ăn chơi ra gì lắm"...
Bực mình vì bị hàng xóm bịa đặt và soi mói cuộc sống riêng tôi vẫn phải cố giữ bình tĩnh để không to tiếng với họ, trong khi bà Hiền chỉ cách nhà tôi có mấy bước chân.
Thế nhưng, nỗi ấm ức thì vẫn âm ỉ khiến tôi càng thêm xa lánh và chán ngấy những người hàng xóm nhiều chuyện. Mỗi lần đi ngang qua họ, tôi chỉ cố đi thật nhanh, chẳng buồn chào hỏi ai. Và mặc nhiên, tôi được gán cái danh "con H. khinh khỉnh". Thật, chẳng biết sống sao cho vừa!
Vợ chồng "đi đường quyền" với nhau chỉ vì loa hàng xóm
Chẳng riêng gì tôi, một người chị tên M. hay đi thể dục sáng sống trên nhà tôi 4 tầng cũng từng khóc rưng rức khi kể lại câu chuyện của mình. Chị bảo, vợ chồng chị chẳng ngờ có ngày "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" vì những bà hàng xóm nhiều chuyện, chỉ biết "nói cho sướng mồm".
Chẳng là, chồng chị M. làm bên xây dựng, vì tính chất công việc nên đi công trường liên miên, tháng về đôi ba lần. Một lần anh này trở về nhà, bất ngờ mắng chị M. té tát về việc "lẳng lơ, có chồng mà làm điều đốn mạt sau lưng chồng". Vì phút ghen tuông thiếu kiềm chế, anh này đã "đi đường quyền" với vợ làm chị M. sưng cả bên má, tím mắt, chườm đá mấy ngày chưa đỡ.
Bất ngờ vì bị mắng oan, đánh đau, chị M. gặng hỏi nhưng anh chồng không nói, mãi vài ngày sau, khi bình tĩnh lại, anh chồng chị nói thì mới hay, các bác hàng xóm mách với chồng chị là: "Nhiều lần thấy "thanh niên lạ mặt" quen con bé M. thập thò dưới cổng bảo vệ, khi thì mua đồ ăn, khi thì mua nước uống, còn nhiều đồ linh tinh khác nữa, cười với nhau tươi lắm. 2 đứa cứ dấm dúi với nhau suốt".
Sẵn tính nóng nảy cộng thêm máu ghen có sẵn trong người, anh chồng chị đã chẳng về ngồi lại hỏi vợ mà làm ầm ĩ lên, tội chị vợ bị đấm thâm mắt, mất một đợt toàn phải nói dối mình ngã xe. Tình cảm vợ chồng cũng vì thế mà bị rạn nứt ít nhiều.
Ấm ức là vậy, nhưng chị M. cũng không khỏi thán phục trước tài "viết kịch bản" của các cô, các bác hàng xóm. Sự thật là vì bận làm việc trên máy tính theo hình thức "work from home" mà công ty yêu cầu, cùng với tâm lý e ngại dịch bệnh nên chị M. thường đặt mua hàng qua mạng.
Chị M. rơm rớm nước mắt trách chồng: "Sao anh lại đi nghe người ngoài nói linh tinh thế, có chuyện gì cũng về hỏi em trước đã chứ. Những "gã trai dấm dúi ngoài cổng bảo vệ" mà hàng xóm nhà mình nói là các anh nhân viên ship hàng đấy ạ! Khổ quá cơ!".
Tẽn tò xen lẫn hối hận khi lỡ tay đánh vợ, anh chồng chị M. chỉ còn biết ôm vợ xin lỗi vì sự hồ đồ, nóng nảy của mình, nhưng "sự đã rồi", cú đấm đánh rồi rút lại làm sao được! Người bị đánh vẫn cứ là đau thôi!
Chính cái thói tò mò, tọc mạch và nói năng thiếu cân nhắc của những bà hàng xóm lắm lời ấy đã đẩy gia đình chị M. đến cảnh "suýt thì toang"!
Nhanh hơn tốc độ internet ở chung cư nhà tôi là khả năng loan tin "bồ bịch" của mấy bà hàng xóm
Không được êm xuôi như câu chuyện nhà chị M., cô gái trẻ tên T. sát vách nhà tôi cũng từng có thời gian khốn khổ, thậm chí còn định quyên sinh chỉ vì "tổng đài buôn" của chung cư.
Chuyện là, T. năm nay 28 tuổi, ly hôn và có một con trai nhỏ. Cô gái này chuyển về chung cư tôi sống cũng ngót 1 năm rồi. Dù là nhà thuê nhưng sát vách nên tôi coi T. như em, cư xử hòa nhã, bọn trẻ con cũng quý mến nhau, chạy qua chạy lại chơi cùng như anh em trong nhà.
Ấy thế mà câu chuyện "người đàn bà lăng loàn, chuyên đi bồ bịch" chẳng biết từ đâu được gán luôn lên đầu cô hàng xóm tội nghiệp cạnh nhà tôi.
Chẳng là mới đây, T. có tìm hiểu và làm quen với 1 người đàn ông trai tân, khá điển trai, hiền lành. Có đôi lần T. mời anh chàng về nhà chơi, ăn cơm và sang nhà tôi giới thiệu. Những tưởng, cô gái ấy sẽ tìm được bến đỗ đời mình. Nào ngờ một hôm đang ăn cơm, T. khóc sưng mắt chạy vào nức nở: "Em khổ quá chị ơi, em chỉ muốn chết đi cho xong".
Sau một hồi an ủi, hỏi ra mới biết, trong lúc đợi T. đi làm về, anh người yêu có ngồi ở ghế đá khu vui chơi trong chung cư đợi. Chả biết tìm hiểu kiểu gì, mấy bà hàng xóm lân la lại hỏi chuyện rồi "loan tin" nói T. là đứa "lăng loàn, chuyên bồ bịch, cặp kè, trai lạ chở về tận cổng. Đã thế lại chẳng thèm chăm sóc con, chỉ mải mê yêu đương, ăn diện. Phải làm sao thì chồng nó mới bỏ"..., v.v!
Dù có yêu đến mấy nhưng nghe được lời "tác động" của dăm ba bà hàng xóm cùng khu, "nam chính" cũng lung lay đi ít nhiều.
"Yêu mình thì yêu, trước bão dư luận như vậy thì anh ấy cũng khó mà không lăn tăn. Chỉ thấy sau đó anh ấy cứ im lặng, không tỏ ra gần gũi và quan tâm em như trước là em đoán ra có vấn đề gì đó rồi", T. từng sụt sùi tâm sự với tôi.
Thấy thái độ lạnh nhạt đôi chút của bạn trai, T. gặng hỏi thì được biết, chuyện "phát thanh" này được mấy bà hàng xóm tự nhận là "sống cạnh nhà" T. kể lại với người yêu cô khi vài lần bắt gặp cô được "trai lạ" chở về tận đầu ngõ.
Mà ngặt nỗi, "trai lạ" mà mấy bà hàng xóm săm soi lại chính là những anh xe ôm công nghệ đưa T. về mỗi khi tan sở.
Con này là chuột sa chĩnh gạo, con kia không lo học chỉ mải yêu... và ti tỉ chuyện khác
Ông bà xưa có câu "bán anh em xa, mua láng giềng gần" ý coi trọng tình làng nghĩa xóm. Ngày nay, nhiều người lựa chọn mua căn hộ cao cấp không chỉ vì tiện nghi của nó, mà còn vì họ muốn sống trong một cộng đồng nơi có những người cùng đẳng cấp với họ cả về kinh tế lẫn tri thức. Những người biết tôn trọng họ, tôn trọng cuộc sống riêng tư của họ như không tọc mạch, không can thiệp hay chí ít là đừng "thêu dệt" những điều không đúng về họ.
Chính vì vậy mà đối với những người như tôi, như chị M. hay cô gái tên T. kia, bỏ ra một số tiền của nhiều năm tích góp để mua lấy một cộng đồng, một lối sống văn hóa nhưng đổi lại chỉ tràn trề là thất vọng!
Có đôi khi, chuyện mọi người buôn qua, buôn lại không có ác ý gì, đơn giản là "chỉ nói cho sướng mồm". Thế nhưng cũng chính thói tò mò, tọc mạch và nói năng thiếu cân nhắc của họ đã đẩy nhiều người đến tình cảnh tréo ngoe!
Qua lời chị hàng xóm cùng tầng với tôi kể thì chị vốn là con nhà nông. Cũng may mắn vì bố mẹ muốn con cái thoát cảnh nghèo nên dồn sức nuôi chị ăn học đến nơi đến chốn.
Khi đã có công ăn việc làm, chưa giúp đỡ được gì cho bố mẹ thì chị lại lấy chồng. Dẫu vậy, cuộc sống cũng đàng hoàng khi chị vào được một gia đình chồng khá giả, đã có nhà tại Hà Nội, chỉ chưa thoải mái hẳn vì chị còn đang ở cảnh làm dâu, ở chung với bố mẹ chồng.
Ai làm dâu cũng hiểu, dù bố mẹ chồng có dễ tính thế nào thì việc sống chung giữa các thế hệ cũng ít nhiều hạn chế, khiến vợ chồng trẻ chẳng có thời gian riêng cho chính mình.
Thế nhưng, vì ghen ghét chị là một cô gái nghèo nhưng lấy được chồng con nhà có điều kiện, một số người đi bộ cùng mẹ chồng chị ở chung cư đã "vui mồm" buôn chuyện rồi đồn thổi này nọ về chị.
Không biết từ đâu, câu chuyện chị lấy tiền của nhà chồng sửa lại nhà cho mẹ đẻ ở quê, nuôi 2 đứa em đang đi học, rồi chuyện chị nói rằng lấy chồng chỉ vì con nhà giàu chứ không yêu thương gì… cứ thế đồn mười, rồi đồn trăm.
Nghiễm nhiên, chị trở thành đứa đào mỏ, đục đẽo nhà chồng trong con mắt người khác. Cũng may mẹ chồng chị là người hiểu chuyện, chỉ về khéo léo kể lại với con dâu, nhưng ít nhiều đã khiến cuộc sống của chị bị xáo trộn, bản thân chị thì mất ngủ mấy đêm liền...
Người lớn đã vậy, nhưng bọn trẻ con đang tuổi ăn, tuổi lớn cũng không yên với con mắt săm soi của các bà hàng xóm nhiều chuyện.
Sáng sớm đi bộ thể dục, chỉ cần đi chậm vài nhịp thôi là có thể "hóng" được vô số chuyện trời biển của mấy bà hàng xóm. Nào thì nhà ai có thằng chồng vũ phu, nhà ai có con vợ đành hanh, mẹ chồng nhà nào cay nghiệt, hay con nhà nào hư hỏng..., chẳng biết thật hay không nhưng qua lời kể của những "loa phường" này thì ai hiện ra cũng đều... sống động cả!
Cháu gái của tôi ở cùng tòa, có hôm bù lu, bù loa khóc cũng chỉ vì bị... đổ tiếng oan.
Chẳng là con bé sắp thi chuyển cấp nên phải đi học thêm, mượn vở các bạn nên hay hẹn nhau ở sảnh chung cư. Ấy thế mà chẳng rõ các "tổng đài buôn" đồn thổi kiểu gì đến tai mẹ con bé, nào thì "ăn mặc hở hang, tí tuổi không lo học đã yêu với đương, ngày nào bạn trai cũng í ới đầu cổng"...
Cũng từ những câu chuyện không đầu không cuối, những hình ảnh lan truyền "từ tai làng, sang tai họ" đã khiến mọi chuyện bung bét, rối tung. Cha mẹ mắng con, con trách cha mẹ...
Hàng xóm ở đâu cũng có "this" và "that"
Thực sự, trước khi mua chung cư, tôi cứ tưởng sống ở chung cư là phải văn minh lắm vì những người mua chung cư hầu như đều là vợ chồng trẻ, có ăn học đàng hoàng, thế mà sống lâu mới ngã ngửa. Ngoài những gia đình có ý thức thì cũng không thiếu những người hàng xóm "lắm lời".
Tôi cũng nghe mọi người phản ánh rằng không chỉ có ở chung cư nhà tôi, mà nhiều chung cư đều có tình trạng như vậy.
Một cách nào đó, có thể thấy cuộc sống nơi chung cư đang tồn tại không ít điều phiền hà, bất tiện. Là sự xô bồ, không ý thức nhưng lại thích tò mò, tọc mạch của những người hàng xóm. Là những nội quy gò bó, những khuôn khổ ràng buộc làm mất sự tự do của không ít người…
Dẫu chỉ là chuyện nhỏ nhưng bản thân tôi ngẫm ra, đúng là trong cuộc sống có không ít người vẫn còn những tính xấu hay để ý, đàm tiếu về cuộc sống của người khác, thậm chí phao tin không đúng sự thật. Nhưng liệu có bao giờ họ nghĩ, mình lúc nào đó sẽ chính là nạn nhân trong câu chuyện của người khác hay chưa?
Nếu mỗi cá nhân trong cộng đồng biết tiết chế lời nói, biết cảm thông, quan tâm nhau và bớt đi những lời "buôn chuyện" không đáng có, thì tình cảm láng giềng sẽ được vun đắp bền lâu biết mấy! Âu cũng là do ý thức cả, đúng không mọi người?
Minh Khôi