(Tổ Quốc) - Hầu hết trong những gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống, mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, quan niệm chăm sóc và nuôi dạy con cái cũng có ít nhiều những khác biệt so với ngày xưa. Cũng chính vì điều này mà trong một gia đình nhiều thế hệ, việc nuôi nấng các bé sẽ vấp phải không ít ý kiến trái chiều, thậm chí là mâu thuẫn hay căng thẳng bởi bố mẹ và ông bà không chung ý kiến.
Trinh Phạm, một trong những blogger nhận được sự yêu mến của mọi người cũng đã từng rơi vào tình huống như vậy. Đến nay, em bé Bơ, con trai Trinh Phạm đã được hơn 2,5 tuổi nhưng đây là lần đầu tiên bà mẹ 1 con tâm sự về những stress lúc mới sinh con của mình.
"Nuôi con khoa học dễ gây cãi vã trong gia đình?
Chuyện mình cho Bơ theo lịch sinh hoạt Easy, rồi luyện ngủ cho con từ 1 tháng đầu thì chắc các mẹ đều biết rồi. Nhưng chuyện nuôi con theo lịch sinh hoạt khoa học mà gia đình cũng lục đục thì chắc mình chưa nói đến.
Đợt đấy Bơ tầm 1-2 tháng gì đấy, vẫn sinh hoạt theo lịch 1 tiếng dậy, 2 tiếng ngủ, mình thì cứ làm đúng theo lịch thấy cũng ổn. Cho đến hôm bà nội Bơ sang chơi với cháu, bà thì lâu mới gặp cháu nên muốn chơi cùng cháu một chút, bà nói cho ngủ muộn hơn xíu không sao đâu. Mình thì cứ đứng đợi đến đúng giờ để cho con đi ngủ, rồi sợ con thức lâu lại cáu không vào giấc được. Thế là thành ra không khí trong nhà căng thẳng chỉ vì giấc ngủ của con.
Rồi có những hôm bà ngoại sang đúng bữa ăn của cháu. Bà muốn cho cháu ăn thêm nên cứ cố ép. Mình thì không ủng hộ việc ép con ăn. Lời qua tiếng lại thế rồi lại thành cãi nhau, bà thì bỏ về, mình thì đứng khóc vì nói mà bà không hiểu.
Đôi khi chỉ vì ông bà chưa hiểu, rồi phản đối cách nuôi dạy con của các bà mẹ, trong khi đó nuôi con nhỏ thì đủ thứ stress to nhỏ cộng lại, nên nhiều khi từ những chuyện nhỏ lại thành ra to đùng gây mâu thuẫn trong gia đình.
Mình có đọc nhiều post của các mẹ em bé không vui trong mùa Tết này khi các em bé bị phá nếp ngủ, hay bị dấm dúi cho ăn kẹo, ăn bánh nên không chịu ăn ngoan như ngày thường. Nói thật, Bơ 3-4 ngày về quê cũng chẳng hứng thú ăn uống vì hắn phát hiện ra có thùng kẹo to đùng của ông bà để ở cạnh tủ lạnh. Hôm đầu mình cũng cáu lắm.
Nhưng thôi đành phải kệ, vì nghĩ thoáng ra Tết mình sinh hoạt còn linh tinh, ăn toàn đồ mập nhưng mình vẫn cứ ăn đó thôi. Tết của mình hồi bé cũng chỉ là đi sang xem khay bánh kẹo của nhà hàng xóm, nhà họ hàng có gì để đút vào túi mang về ăn dần mà. Đừng khắt khe với con quá lại thành ra mệt cho mình.
Giờ Bơ 2.5 tuổi rồi, nếp ăn nếp ngủ của con cũng ổn định nên mình cũng không còn quá căng thẳng như trước nữa. Nhưng lý do chính làm mình thấy mọi việc nhẹ nhàng hơn bởi vì mình biết nếu bố mẹ duy trì sinh hoạt của con trong một thời gian dài thì 2-3 ngày "phá nếp" cũng sẽ không ảnh hưởng quá lâu đâu. Về nhà bố mẹ rèn lại là đâu lại vào đấy ngay ý mà! Các mẹ đừng căng thẳng quá nhé! Quan trọng là cả nhà đều vui đúng không ạ?", Trinh Phạm chia sẻ.
Quả thực, chuyện cãi vã, bất đồng quan điểm khi chăm sóc con diễn ra thường xuyên ở nhiều gia đình. Đôi khi sự nóng giận, cái tôi khiến cho mọi việc ngày càng trầm trọng, làm rạn nứt mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, khi ngẫm lại, điều mà mọi người đều mong muốn đó chính là sức khỏe và sự phát triển tốt của các em bé, nếu nhẫn nhịn và lắng nghe hơn thì có lẽ mọi chuyện sẽ dần được giải quyết.
- Quan điểm của mình thì dưới 1 tuổi, con cần tuân thủ nghiêm ngặt thời gian biểu, có thể xê dịch 10-15%. Còn trên 2 tuổi thì mình cũng nương theo nhu cầu của con nữa, như bạn nhà em 25 tháng tuổi. Tết về chơi từ 8h sáng đến 3h chiều về thì ngủ tít... ăn uống thì linh tinh nhưng thấy con vui, cả nhà cũng vui nên cũng chẳng sao...
- Nuôi con sống chung khổ lắm, căng thẳng mà nề nếp vẫn không đâu vào đâu. Mình tới bạn thứ 2 vẫn là easy nửa mùa cùng cuộc chiến căng thẳng với cả nhà. Cũng xác định là phải đến 3, 4 tuổi con lớn với tự chủ được mới thoải mái. Thi thoảng về quê vài ba hôm thì tặc lưỡi được chứ ở chung thì căng thẳng từng ngày luôn.
Nhiều mẹ cũng để lại những tâm sự rất chân thành về chuyện này. Tuy nhiên, mỗi người lại có một cách giải quyết khác nhau. Nhưng đa số đều khẳng định điều quan trọng nhất vẫn là các em bé khỏe mạnh, vui vẻ và hạnh phúc.
San San