(Tổ Quốc) - “Con tôi dù sao không quay trở lại được nữa nhưng đạo đức và tấm lòng nó làm tôi vui lắm, vui không xuể. Tôi không nghĩ là con tôi đã chết đâu" - người mẹ có con trai hiến tạng nghẹn ngào khi nói về con.
Ngày 6/5, đại diện Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, một bệnh nhân bị suy tim và hai bệnh nhân suy thận mạn nặng đã được các bác sĩ nơi đây phẫu thuật đưa "từ cõi chết trở về" nhờ nguồn tạng hiến của một chàng trai trẻ.
1 sinh mạng mất đi, 4 cuộc đời ở lại
Người hiến tạng là anh P. (25 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu), bị tai nạn giao thông chết não. Trước khi qua đời, gia đình nhớ lại nguyện vọng khi còn sống của con là mong muốn dùng cơ thể của mình để cứu mạng người khác.
Do đó, mẹ bệnh nhân đã bằng lòng ký vào lá đơn hiến tạng của con trai.
Các phần tạng được vận chuyển khẩn trương từ Vũng Tàu về TP.HCM, dưới sự hộ tống của lực lượng Cảnh sát giao thông.
Ngoài 2 phổi và tim được ghép tại BV Chợ Rẫy, gan của anh P. cũng được chuyển đến ghép cho một bệnh nhân xơ gan tại Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP.HCM.
Nghĩa cử cao đẹp của bệnh nhân và gia đình khiến các y bác sĩ và người dân xúc động.
Trước di ảnh con trai, cô Tô Thị Ánh Hồng, mẹ của bệnh nhân hiến tạng chia sẻ, hai vợ chồng cô chia tay khi anh P. còn rất nhỏ.
Vì cuộc sống khó khăn, cô đã gửi con vào chùa để đi làm. Sau đó, cô Hồng gom góp tiền cho con đi học nội trú.
"Sinh con ra không phải để báo hiếu. Miễn con học giỏi là mình mừng, bao nhiêu tiền dồn hết để lo cho con. Nước mắt chỉ chảy xuống chứ không đi ngược lên trên. Kiếp người nó là như vậy" - cô Hồng nói.
Nhớ lại sự việc của con, cô Hồng cho biết thời điểm xảy ra tai nạn, anh P. chạy xe qua con đường xây dựng còn dang dở, hố chưa lắp kỹ, đá còn ngổn ngang.
"Con tôi nó nghĩ chạy sát lề đường sẽ không đụng ai, không có chuyện gì.
Không may là ngay ngày đó, bóng đèn ở chỗ đó lại tắt. Con tôi bị tai nạn chấn thương, nếu có người cấp cứu ngay lúc đó thì không đến nỗi. Duyên nợ đi cùng con trên đường trần chỉ đến đó đành chịu.…" – cô Hồng chạnh lòng.
"Tôi không nghĩ là con tôi đã chết"
Người mẹ kể tiếp, hồi con trai còn đi làm nhiệm vụ ở ngoài đảo xa, khi mọi người ra thăm anh P. có tâm sự với anh trai, rằng sau này lỡ có ngã xuống cũng sẽ giúp cho bao nhiêu người đứng dậy.
Đó cũng là lý do cô Hồng bằng lòng ký vào lá đơn hiến tạng, như một cách để hoàn thành tâm nguyện của con.
"Mẹ rất cảm ơn con đã làm con của mẹ suốt 25 năm nay. Bây giờ con cứ an tâm ra đi, để lại sự sống cho người khác. Tôi nói với con khi nhìn nó lần cuối trong BV.
Con tôi dù sao không quay trở lại được nữa. Nhưng đạo đức và tấm lòng nó làm tôi vui lắm, vui không xuể. Tôi không nghĩ là con tôi đã chết đâu. Nhất là khi BV báo tin từng hồi, từng hồi về các ekip ghép tạng của con đã thành công.
BV hỏi tôi có mong muốn gì không. Tôi nói là khi con tôi trút hơi thở cuối cùng, hãy cho tôi biết bao nhiêu giờ, bao nhiêu phút.
12h16', bác sĩ báo con tôi sẽ được rút ống. Tôi nhờ bác sĩ hãy tắm rửa cho con sạch sẽ, mặc bộ đồ mà con tôi thích nhất. Vậy thôi, tôi không cần gì cả" - người mẹ kể tiếp.
Hỏi làm sao có thể mạnh mẽ quyết định một nghĩa cử nhân văn trong thời khắc sinh tử như vậy, người mẹ chạnh lòng, nói con của mình mà, trầy xước, đứt tay một chút thì cũng thấy đau rồi chứ đừng nói mất mạng.
Nhưng cô ráng hết sức kìm nén lại, vì sợ nếu mình khóc thì mọi người cũng khóc theo.
Khi ai cũng đã về nhà nấy, cô Hồng pha ly cà phê để uống trấn tĩnh tinh thần thì nước mắt của người mẹ vừa mất đi giọt máu của mình lại tuôn ra. Nước mắt hòa với cà phê, vừa đắng vừa mặn chát.
Theo các bác sĩ sau những ca ghép tạng thành công, sức khỏe các bệnh nhân đang dần ổn định.
Hoàng Lê