(Tổ Quốc) - Sáng ra cô hỏi con gái đêm qua tại sao bé ra phòng khách nằm ngủ. Con gái cô lắc đầu không nhớ đã xảy ra chuyện gì.
Mới đây, một bà mẹ người Trung Quốc đã chia sẻ câu chuyện về con gái 10 tuổi của cô, vừa bày tỏ sự lo lắng, sợ hãi đồng thời lên tiếng cảnh báo các bà mẹ khác.
Theo lời kể của bà mẹ này, nửa đêm cô dậy vào toilet nhưng lúc đi qua phòng con gái phát hiện bé không có trên giường. Sau đó cô tìm được con gái đang nằm ngủ trên sofa trong phòng khách. Bà mẹ này không nghĩ ngợi gì, liền đưa con về phòng của bé rồi yên tâm trở lại phòng mình.
Sáng ra cô hỏi con gái đêm qua tại sao bé ra phòng khách nằm ngủ. Con gái cô lắc đầu không nhớ đã xảy ra chuyện gì. Người mẹ liền mở camera giám sát kiểm tra, sau khi xem xong cô không khỏi sợ hãi.
Trong hình ảnh camera ghi lại, vào lúc 1 giờ 14 phút đêm, con gái cô đột ngột đi từ phòng của bé ra phòng khách. Bé đi đi lại lại vài vòng, cuối cùng nằm ngủ luôn trên sofa. Cho tới 2 giờ 53 phút, người mẹ tìm được con gái mới đưa bé về lại phòng ngủ.
Đến lúc này người mẹ đã biết con gái mình bị mộng du lúc giữa đêm. Cũng may cô sớm phát hiện, nếu không e rằng sẽ có những hậu quả nghiêm trọng xảy ra với đứa trẻ.
Mộng du ở trẻ là gì?
Mộng du là một rối loạn giấc ngủ có thể gặp ở trẻ em và người lớn, đặc biệt là trẻ em hay tiểu đêm. Hầu hết trẻ nhỏ dễ bị mộng du hơn so với lứa tuổi thiếu niên. Khi bị mộng du, trẻ đi bộ và thực hiện các hành động lạ lùng như ngồi ở đầu giường và nhìn chằm chằm hay sử dụng các thiết bị điện, lái xe ô tô và lang thang ngoài đường. Những người mộng du không biết về những gì đang xảy ra và không thể nhớ lại hành động mình đã làm sau khi thức dậy.
Một lần mộng du có thể kéo dài từ vài phút đến một giờ. Trẻ mộng du thường không có biểu hiện cảm xúc nhưng hành vi là có mục đích. Hầu hết mộng du diễn ra 1 - 2 giờ sau khi trẻ đã ngủ. Có khoảng 30% trẻ bị mộng du ít nhất một lần trong đời. Khi không điều trị, mộng du ở trẻ em có thể gây nguy hiểm cho bé.
Nguyên nhân gây mộng du ở trẻ em
Mộng du mãn tính có thể xảy ra do một trong những lý do sau đây:
- Thiếu ngủ là nguyên nhân phổ biến nhất của mộng du ở trẻ em.
- Thói quen ngủ bất thường, thay đổi giờ đi ngủ, giấc ngủ bị quấy rầy.
- Khi trẻ bệnh hoặc sốt.
- Sự căng thẳng hay lo âu cũng có thể gây mộng du và rối loạn giấc ngủ về đêm.
- Mắc một số bệnh lý cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ, ví dụ, trẻ em có hội chứng ngưng thở khi ngủ, động kinh và hội chứng chân không yên (RLS) dễ bị mộng du hơn.
- Bàng quang căng quá mức có thể gây mộng du và làm trẻ đi tiểu ở những nơi không phù hợp.
- Nỗi sợ hãi ban đêm có thể dẫn đến mộng du.
- Mộng du cũng có thể di truyền.
- Ngoài ra, thuốc an thần, chấn thương đầu và đau nửa đầu đôi khi cũng có thể gây ra mộng du.
Làm gì khi trẻ bị mộng du?
Một vài thay đổi trong lối sống có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm thiểu khả năng bị mộng du ở trẻ em:
- Dinh dưỡng tốt sẽ giúp duy trì cân nặng và cơ thể khỏe mạnh, giúp ngủ ngon. Nếu bị béo phì hoặc thừa cân, trẻ có thể sẽ khó ngủ.
- Thường xuyên tập thể dục là cách tốt nhất để cơ thể vận động và có một giấc ngủ sâu, từ đó phòng ngừa mộng du. Đi bộ, chạy bộ, đạp xe hoặc làm việc nhà có thể giúp trẻ giảm khả năng bị mộng du.
- Cho trẻ ngủ đủ giấc để giúp giảm thiểu mộng du.
- Tránh kích thích thị giác hoặc thính giác vì có thể kích hoạt các cơn ác mộng và khiến trẻ bị mộng du.
- Giảm thời gian ngủ trưa của bé để con ngủ sâu vào ban đêm.
- Có thể dử dụng các loại tinh dầu như hoa oải hương, hoa cúc... giúp trẻ ngủ tốt hơn.
- Tìm hiểu thêm về các loại thực phẩm giúp con ngủ tốt hơn, ngăn cản con bị mộng du.
Thấy một đứa trẻ đang ngủ mà ngồi dậy đi bộ và làm những điều ngớ ngẩn, bạn có thể cho là bình thường, thậm chí buồn cười. Tuy nhiên, mộng du không hề đơn giản và có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm khi đang mộng du.
Mộng du ở trẻ em có thể không phải một căn bệnh nghiêm trọng nhưng để ngăn ngừa và điều trị thì cần thực sự nghiêm túc. Nếu bạn thấy các dấu hiệu mộng du ở trẻ, hãy đưa trẻ đi khám các bác sĩ chuyên môn để được tư vấn tốt nhất.
Tú Cầu