(Tổ Quốc) - Sinh non lúc vừa tròn 7 tháng, Oanh chỉ nặng có 900gr. Cô từng bị bệnh viện trả về vì bác sĩ nói không thể cứu được nữa. Thế nhưng sau 18 năm, sức sống, khả năng làm việc và thành tích học tập của Oanh lại khiến rất nhiều người phải trầm trồ.
2020 là một năm rất đáng nhớ đối với nữ sinh Nguyễn Thị Oanh (18 tuổi, Hưng Thành, Hưng Nguyên, Nghệ An) khi cô bạn vừa giành học bổng 1 tỷ đồng từ trường đại học Anh Quốc.
Oanh tốt nghiệp THPT loại giỏi và có khả năng tiếng Anh rất tốt. Để đạt được thành tích cao trong hoàn cảnh nghèo khó - thường xuyên phải nghỉ học, làm đủ nghề chân tay kiếm tiền chăm sóc 3 người bệnh nặng, Oanh đã phải chong đèn học đến 2-3h sáng mỗi ngày.
Tốt nghiệp loại giỏi nhưng lại muốn đi làm công nhân
Suốt 12 năm học phổ thông, Oanh là nữ sinh có gia cảnh khó khăn nhất trường. Năm Oanh 11 tuổi, bà ngoại bị tai biến nằm liệt giường. Ông trẻ (em trai của ông ngoại) bị mù bẩm sinh, mọi sinh hoạt phụ thuộc vào người khác.
Kinh tế gia đình và trách nhiệm chăm sóc người thân đè nặng lên đôi vai bà Nguyễn Thị Vinh (mẹ Oanh). Cả gia đình 4 người sống trong căn nhà cấp 4 nhỏ hẹp. Mùa hè, miền Trung vốn đã nắng nóng vì là vùng gió Lào cát trắng. Nhưng ở trong nhà Oanh, cái nóng càng kinh hoàng hơn. Nóng hầm hập từ sáng tới đêm. Khuya rồi đặt lưng xuống giường vẫn còn thấy nóng như có người đốt lửa ở dưới.
Mỗi khi mưa gió, Oanh lại phải phụ mẹ che chắn nhà cửa, đem hết xô chậu hứng vào những chỗ mưa dột. Khi gió to, ai cũng sợ căn nhà sẽ bị tốc mái. Trời lạnh, ngồi trong nhà vẫn còn cảm thấy buốt thấu da thịt, không khác đứng bên ngoài là mấy.
Trong nhà Oanh chẳng đồ đạc gì đáng giá. Chỉ có chiếc tủ quần áo mẹ cô gom góp tiền tiết kiệm mua được từ 2-3 năm trước là thứ đắt đỏ nhất. Ngay cả quần áo mọi người mặc, phần lớn cũng là nhờ họ hàng, hàng xóm đem cho.
Góc học tập đơn sơ của Oanh.
Dựa vào 2 sào ruộng và một mảnh vườn nhỏ, số tiền mẹ Oanh kiếm được không nhiều, chỉ đủ lo cho cô ăn học. Mỗi khi trong nhà có người đau ốm, cả gia đình lại được phen lao đao. Có lần, bà phải cắt tóc bán lấy tiền, có lúc dù đau yếu, vẫn phải chống gậy ra đồng. Chưa tới 50 tuổi, mà mái đầu bà đã bạc trắng.
Để phụ giúp mẹ, ba năm học cấp 3, Oanh liên tục phải nghỉ học, trung bình khoảng 1 tháng/ năm. Năm lớp 10, cô bị ốm, sốt cao liên miên. Năm lớp 11, ông nội ốm nặng và năm lớp 12 thì mẹ đổ bệnh suốt 3 tháng phải nằm viện.
Mẹ cô bị hở van tim, tiểu đường, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đốt sống và huyết áp cao. Từ lúc còn rất nhỏ, Oanh dù thức khuya học bài, thì sáng hôm sau vẫn dậy sớm, theo mẹ ra chợ bán rau. Sau này khi lớn hơn, để chăm sóc người thân, nhiều lần Oanh phải đi rửa bát thuê, nhặt ve chai, cấy thuê, gặt mướn… để kiếm tiền.
"Ở nhà mẹ cấy lúa, trồng rau nên vẫn có gạo và rau, còn đồ ăn mặn thì thi thoảng đổi bữa bằng con gà, quả trứng mẹ chăn nuôi. Ngày Tết mọi người cho đồ ăn nhiều lắm, nhưng món ngon nhất với mình là bánh chưng", Oanh tâm sự.
Lớn lên trong gia đình khó khăn, từ nhỏ phải chăm sóc người ốm, nhưng Oanh luôn vui vẻ, lạc quan.
Công việc gia đình bận rộn, nên đã từ lâu, Oanh chỉ có thời gian học vào buổi tối. Có hôm, để đuổi kịp bạn bè trên lớp do phải nghỉ học làm việc nhà, Oanh chong đèn học đến 3-4 sáng. Nhờ chăm chỉ, 3 năm cấp 3 Oanh đều đạt học sinh giỏi toàn diện, điểm tổng kết các môn thấp nhất cũng đạt 8,0. Trước đó, Oanh còn từng thi giải Học sinh giỏi Olympic và giải cấp huyện.
Học giỏi, nhưng suốt 12 năm tới trường, Oanh luôn nghĩ rằng khi nào tốt nghiệp cấp 3 thì sẽ nộp hồ sơ xin đi làm công nhân để kiếm tiền. "Vì mình nghĩ nếu học tiếp, mình sẽ thành gánh nặng cho mẹ. Và mẹ cũng đã quá đau yếu rồi, nên mình chỉ muốn đi làm gì đó giúp mẹ và ông trẻ bớt cực".
Rồi năm lớp 12, trước ngày thi tốt nghiệp THPT, bà ngoại Oanh qua đời ở tuổi 96. Trước lúc ra đi, bà luôn dặn dò Oanh phải học thật giỏi, vì chỉ có con đường học hành mới giúp thoát nghèo.
"Những lời căn dặn của bà khiến mình gần như bị ám ảnh. Rồi mình biết đến quỹ Khát Vọng và được mọi người giới thiệu học gói bổng 1 tỷ. Học bổng này chỉ có một suất duy nhất thôi, nhưng mình vẫn quyết tâm và dồn hết sức cho nó".
Căn nhà nhỏ của Oanh ở quê tại Nghệ An.
Sinh ra chỉ nặng 900gr, bị cha bỏ rơi khi vừa lọt lòng
Khi mang thai Oanh được 7 tháng, mẹ cô vì đuối sức đã phải nhập viện cấp cứu. Oanh được y bác sĩ đón bằng sinh mổ và đưa ngay vào lồng kính chăm sóc. Nhưng một tháng sau, bệnh viện phải trả về vì bác sĩ tiên lượng Oanh không qua khỏi.
"Mẹ kể, lúc đó bố muốn bỏ mình vì nghĩ không thể nuôi nổi, nhưng mẹ không chịu, vậy là hai người ly hôn. Mẹ đưa mình về nhà ngoại chăm sóc. Cũng từ đó, dù nhà bên ngoại đông anh em, nhưng mẹ là người chăm sóc bà ngoại và ông trẻ. Còn bố mình đã kết hôn và có hai con với người khác, nhưng cũng không quan tâm, để ý tới mình nữa".
Từ năm 11 tuổi khi bà ngoại nằm liệt giường, Oanh luôn là người vất vả chăm sóc ông, bà. Những ngày tháng cực nhất là năm lớp 12 khi mẹ của cô cũng phải nằm viện suốt 3 tháng. Thời gian ấy, Oanh tất tả chạy đi chạy lại giữa trường học, bệnh viện và chăm người ốm ở nhà. Nhiều ngày liền, cô gái nhỏ bé ấy phải nghỉ học để đi làm thuê làm mướn.
Nhưng khi nói về những gì đã trải qua, Oanh luôn cảm thấy mình may mắn vì được gia đình thương yêu và chưa bao giờ kêu ca, phàn nàn về gia cảnh. "Ngay cả trước kia, khi phải chăm bà nằm liệt giường, ăn uống, vệ sinh mình đều phải phục vụ tại chỗ, nhưng mình luôn vui vẻ, vì bà là người gắn bó, đã dạy bảo mình rất nhiều".
Có một số người không hiểu Oanh. Ngay cả khi Oanh giành học bổng 1 tỷ đồng, họ vẫn nói là do cô "ăn may", hoặc được người khác thương hại. Mỗi khi Oanh làm điều tốt, họ cũng nói ra nói vào. Có lần thấy bà cụ đi bộ tới chợ xa, Oanh thương bà nên mời lên xe đạp chở đi. Nhưng hàng xóm lại nói: "Ngã ra đấy thì làm ơn mắc oán".
"Từ nhỏ có vài người cứ hay mỉa mai như vậy, nhưng mình cũng không hay để ý. Bản thân mình cũng được người khác giúp rất nhiều mỗi lúc gặp khó. Và vì từ nhỏ lại chứng kiến cuộc sống khó khăn của bà và mẹ, nên mình luôn mơ ước sau này có thể mở ra viện dưỡng lão chăm sóc người già miễn phí".
Email thông báo Oanh được nhận học bổng.
Ở Nghệ An, căn nhà nhỏ mỗi đêm gió lạnh buốt lùa qua mái ngói, tấm chăn mỏng chẳng đủ giữ ấm cho mẹ Oanh còn ở Hưng Yên, đêm nào Oanh cũng chong đèn học tới 3-4h sáng. Khi Oanh đi ngủ thì mẹ bắt đầu một ngày mới. Có lúc hai mẹ con vẫn gọi điện vào đầu giờ sáng, để hỏi thăm một người ngủ có lạnh không, và người còn lại học bài xong, có mệt lắm hay không.
Một người mẹ ở quê luôn tự nhủ phải cố gắng hết sức để làm tốt trách nhiệm của mình. Một cô gái 18 tuổi ở xa nhà, vẫn luôn cố thức khuya, học giỏi, với ước mơ ngày sau sẽ trở thành chỗ dựa vững chắc cho mẹ và rất nhiều người già neo đơn khác.
Thu Hường - Ảnh: NVCC