(Tổ Quốc) - Theo Kim Ngọc, diễn viên truyền hình ở Việt Nam gặp không ít khó khăn với khoản phục trang, nhất là khi hình tượng nhân vật khác với phong cách của người diễn ngoài đời.
Sau khi tuyên bố sẽ tạm dừng đóng phim trong một thời gian để thu xếp công việc cá nhân, Phương Oanh trở lại đầy ấn tượng với vai nữ chính trong phim "Hương vị tình thân". Tác phẩm cũng là phim truyền hình ăn khách nhất tại thời điểm hiện tại.
Diễn xuất của Phương Oanh nhận được nhiều đánh giá tích cực. Đa số ý kiến đều cho rằng Phương Oanh đã có những tiến bộ vượt bậc so với thời đóng "Quỳnh búp bê".
Tuy nhiên, trang phục của cô trong phim lại bị chê là thảm hoạ. Cách phối đồ, kết hợp trang phục của nhân vật Nam trong phim (đặc biệt là sang phần 2) bị nhận xét là xấu, lỗi thời, khó hiểu...
Mới đây, diễn viên Hoàng Kim Ngọc - người từng gây ấn tượng trong phim "Về nhà đi con" với vai diễn Uyên đã đăng tải một bài viết dài để bênh vực Phương Oanh, cũng như chia sẻ về những khó khăn phục trang của người diễn viên, khi tham gia đóng phim truyền hình.
Phương Oanh gây tranh cãi vì trang phục trong phim
"Diễn viên thảm hoạ thời trang!
Mấy hôm nay mình thấy các mẹ, các chị bàn tán nhiều việc này, và thật ra là từ trước tới nay mọi người chê phim Việt mặc đồ xấu.
Như phim nước ngoài họ còn quảng bá thời trang, mỹ phẩm, văn hoá qua phim ảnh rất nhiều nhưng tại sao phim Việt bao nhiêu năm phục trang vẫn "xấu", "quê", "thảm hoạ", "như từ 10 năm trước"?
Nay mình kể cho mọi người nghe dưới góc nhìn cá nhân của 1 người diễn viên nghiệp dư là mình.
Đầu tiên, đi làm phim truyền hình, phục trang chủ yếu là diễn viên tự lo để phù hợp với vai diễn.
Có thể gọi nhà tài trợ. Nhưng ôi, tài trợ thì họ sẽ được dùng hình ảnh của diễn viên chạy quảng cáo rất nhiều, mượn đồ đi quay lỡ rách hay bẩn là có khi phải đền, phim quay 7-8 tháng thậm chí 1 năm.
Nếu không là diễn viên có tiếng, ít thương hiệu tài trợ lắm nha.
Rồi, vậy là đồ diễn viên tự lo.
Nếu vai diễn đó là đồ mình hay mặc thì dễ rồi. Ví dụ như cô Uyên trong Về nhà đi con mình tham gia, đồ là đồ của mình, hàng hiệu và đồ mình mặc, nên nó ra chất của một 1 người vợ lắm tiền không khó.
Nhưng vai diễn ngược hẳn với mình ngoài đời, ví dụ vai Nam (Hương vị tình thân) hay mấy vai kiểu cô Mận, cô Lệ…
Vào vai nông thôn, vai gái công trường, cô bán thịt,... là sắm nguyên 1 dàn từ quần áo, phụ kiện, giày dép, tóc giả,…
Phương Oanh gắn liền với hình ảnh tóc dài tiểu thư sang chảnh, sẵn sàng xuống tóc ngắn để cá tính phù hợp với vai.
Như chị Lệ là sắm luôn bộ tóc giả (tôi nhẩm nhanh chắc bộ tóc đó trên 20 triệu). Đầu tư cho trang phục phù hợp với vai diễn, thường là vượt cả tiền cát xê.
Rồi các mẹ các chị đều nói: thì diễn xong nổi tiếng được quảng cáo lại thu lại bộn tiền mà.
1. Không thu lại người ta chết đói á?
2. Đâu phải ai đầu tư vai diễn, hết vai cũng đắt show quảng cáo.
Rất nhiều vai diễn họ làm xong, hiệu ứng phim không được hot như kỳ vọng, họ không thu lại được tiền đầu tư ban đầu (số này cực đông).
Kim Ngọc trong phim "Về nhà đi con"
Rồi lại kể tiếp cho mọi người nghe, chưa hết đâu, phần này mới là kinh dị nhất này.
Phim sẽ quay theo bối cảnh, ví dụ: Hôm nay quay ở cái sân trường A, thì cả ngày hôm đó toàn bộ cảnh quay từ đầu tới cuối phim xuất hiện ở đây sẽ quay hết.
Hôm sau quay ở quán cafe B thì toàn bộ nhân vật, cảnh quay liên quan tới quán cafe B sẽ quay hết.
Dẫn đến cảnh quay cô Ngọc vừa chào chồng đi làm, cô vào nhà ngồi xem phim, sau đó hay tin chồng ngã xe cấp cứu trong viện, cô lập tức chạy tới.
Thì cảnh cô Ngọc đứng cửa vẫy tay chồng đi làm và vào nhà quay 1 ngày. Cảnh cô Ngọc vẫn bộ đồ đó 3 tháng sau mới quay (vì bối cảnh bệnh viện sẽ quay gom 1 thể). Đó gọi là "zacco".
Nghĩa là: Hôm trước mặc gì, tóc gì, phụ kiện gì là phải đảm bảo cảnh nối sau phải y hệt.
Diễn viên phải cực kỳ cực kỳ cẩn thận trong phục trang, đang đeo cái khuyên tai này ở cảnh phim, mà làm mất, thì lục tung cái Việt Nam này lên để mua lại. Đi quay mà làm mất cái áo đã dính "zacco" thì bằng mọi giá đi tìm cái khác.
Phim quay 12 tháng, thì đó là 12 tháng lăn lộn, trầy trật, cơm hộp, phơi nắng, quay xuyên đêm.
Phim ra mắt thì được khen hay chửi cũng là hên xui. Nhưng mồ hôi nước mắt với máu chảy chắc chắn là thật.
Sống bằng nghề diễn vất vả, mà ai cũng khẳng định họ sướng bởi những tạo hình trên báo và sự xuất hiện lung linh.
Nên kết lại là: Đừng chửi mắng diễn viên, hãy dành sự thông cảm cho họ, dành thời gian để nền phim ảnh, nghệ thuật Việt Nam phát triển dần lên.
Những năm gần đây, người Việt xem phim Việt nhiều khủng khiếp. Biết bao nhiêu câu nói viral từ phim Việt. Diễn xuất cũng ngày càng đầu tư tâm sức.
Trước đây giờ vàng phim Việt mấy ai xem, giờ thì khác rồi. Chúng ta cũng phải công nhận có tiến bộ nhiều rồi chứ, phỏng ạ! Nên các mẹ các chị xem phim bao dung chút nha", Kim Ngọc viết.
Ý An