(Tổ Quốc) - Xung quanh câu chuyện Thủy Tiên và việc làm từ thiện với số tiền lên đến hơn 100 tỷ đồng, nhà báo Hoàng Thu Hường đã có những chia sẻ thẳng thắn trên trang cá nhân. "Tôi đoán một người nổi tiếng như cô đã có, luôn có team hỗ trợ, nhưng mỗi công việc, mỗi lĩnh vực cần chuyên gia riêng", chị Hường viết.
Những ngày qua, người dân miền Trung phải oằn mình chống lại bão lũ lịch sử. Hàng vạn ngôi nhà bị nhấn chìm, tài sản, hoa màu, ruộng đồng cũng bị dòng nước lũ cuốn trôi.
Trước tình hình lũ lụt gây ra những tổn thất nặng nề, rất nhiều cá nhân, tổ chức đã đứng ra quyên góp, ủng hộ đồng bào miền Trung. Trong số đó, ca sĩ Thủy Tiên là một trong những nghệ sĩ tạo ấn tượng mạnh với cộng đồng, khi chỉ trong 6 ngày kêu gọi, nữ ca sĩ đã nhận được hơn 100 tỷ đồng tiền cứu trợ. Điều này có thể thấy được sức ảnh hưởng và sự tin tưởng gửi vào Thủy Tiên lớn như thế nào.
Tuy nhiên, 100 tỷ đồng là một con số quá lớn và làm nảy ra những cuộc tranh luận về việc Thủy Tiên sẽ sử dụng số tiền này thế nào. Xung quanh vấn đề này, nhà báo Hoàng Thu Hường đã có những chia sẻ thẳng thắn trên trang cá nhân như sau:
"Thủy Tiên đã làm quá tốt khi lập tức xông pha lên tuyến đầu. Chính sự dấn thân đó góp phần làm số tiền quyên góp lên cả trăm tỷ"
Trước hết xin tuyên bố mình chính thức là người hâm mộ của Thủy Tiên. Nhiều người đã dành lời có cánh cho bạn ấy rồi, nhưng mình vẫn cần nói thêm:
Trong những ngày vừa rồi, một "cô Tiên" mảnh dẻ, xắn quần lao vào dòng nước lũ, đến từng nhà xoa dầu cho người già, bê từng thùng mỳ chai nước đến cho người dân tạo ra sự xúc động mạnh mẽ. Sẵn có nền tảng nổi tiếng và những hoạt động thiện nguyện thành công trước đó, Thủy Tiên lập tức trở thành cục nam châm, thu hút tình cảm, sự tin tưởng mà nhiều triệu người đang dâng tràn trong bối cảnh đau thương của miền Trung đang diễn ra dồn dập.
Ở một cách nào đó, Thủy Tiên đại diện cho lòng trắc ẩn của hàng triệu người, chuyên chở cảm xúc của cả cộng đồng tới nạn nhân. Con số trăm tỷ đã nói lên nguồn "tài nguyên thiện nguyện" trong cộng đồng rất lớn, rất dồi dào và hào phóng. Vấn đề là khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên ấy thế nào.
Có thể coi cô ca sĩ mang tên Thuỷ Tiên đang giữ giá trị niềm tin. Nếu giá trị ấy sụp đổ, thì nạn nhân bão lụt không chỉ mất đi một "cô Tiên", mà cộng đồng lại một lần tổn thương và "tài nguyên thiện nguyện" sẽ không được bảo vệ và khai thác hiệu quả. Thiệt hại cuối cùng sẽ là những người cần được hỗ trợ như các nạn nhân thiên tai và những người yếu thế. Và tôi viết bài này với mong muốn bảo vệ thần tượng Thủy Tiên, hay nói chính xác hơn, là bảo vệ tài nguyên thiện nguyện trong cộng đồng.
1. Thủy Tiên đã làm quá tốt khi lập tức xông pha lên tuyến đầu. Chính sự dấn thân đó góp phần làm số tiền quyên góp lên cả trăm tỷ. Tuy nhiên giờ là lúc cô nên nghỉ. Nhìn qua những bức ảnh, thấy khuôn mặt cô gầy rộc, 2 mắt thâm quầng. Suốt cả tuần lặn lội, ăn vội ngủ vội, dầm mưa dầm nước, đàn ông còn suy sụp chứ đừng nói tới sức vóc mảnh mai kia.
Chưa kể một vấn đề khác là "chấn thương tâm lý". Các nhân viên cứu hộ, quân nhân, phóng viên, nhân viên y tế... khi trực tiếp chứng kiến những hình ảnh và câu chuyện tang thương sẽ bị tác động tâm lý, nhẹ thì mất ngủ căng thẳng, nặng thì cảm giác tiêu cực nặng nề ám ảnh kéo dài nhiều tháng hay cả năm.
Tôi nghĩ những cái Tiên tận mắt nhìn thấy, nghe thấy những ngày qua hẳn là sẽ khiến cô đau lòng và kiệt sức. Thuỷ Tiên đã qua thời điểm xông pha kêu gọi, giờ đến giai đoạn gánh trên vai trọng trách của người đã được trao niềm tin. Nhất cử nhất động đang được hàng triệu người theo dõi. Cô nên nghỉ ngơi và hành động trong trạng thái khỏe mạnh thoải mái nhất, cộng đồng sẽ được hưởng lợi tốt hơn.
2. Lúc này, ngồi ở Sài Gòn, cô sẽ làm được tốt hơn việc thiện nguyện của mình. Cô sẽ thành lập một team, bao gồm luật sư, người làm truyền thông, kế toán… hỗ trợ mình. Tôi đoán một người nổi tiếng như cô đã có, luôn có team hỗ trợ, nhưng mỗi công việc, mỗi lĩnh vực cần chuyên gia riêng.
Đơn cử như việc cô đưa hình ảnh người phụ nữ "chặn tiền" lên mạng, sẽ là tốt hơn nếu khuôn mặt người kia được che khuất đi. Tiên vẫn cần dằn mặt đối tượng và cảnh báo người khác. Tuy nhiên việc "lột trần" người ta lên mạng sẽ làm những người tử tế và tự trọng khiếp sợ. Ai đó có ý định đến giúp Tiên sẽ e ngại, không biết nhỡ lúc mình có sai sót hay bị hiểu lầm, mình sẽ bị đưa lên giàn thiêu dư luận như vậy không?.. Vô tình Tiên mất đi cơ hội chia sẻ gánh nặng và lan tỏa công việc tốt hơn.
Nếu có một chuyên gia truyền thông hay phát triển điềm tĩnh, kinh nghiệm, họ sẽ chỉ cho Tiên việc hành xử sao cho tốt nhất.
Thủy Tiên xông pha vào mưa lũ, giúp đỡ bà con miền Trung
3. Kết nối và chia sẻ: Trên mạng có nhiều người ngỏ ý chia sẻ gánh nặng trăm tỷ của Tiên. Đừng vội đánh đồng họ với những kẻ đục nước béo cò hám lợi. Họ là những chuyên gia xây dựng, cầu đường, nước sạch, nhà chống lũ… những con người có chuyên môn và tâm huyết, có kinh nghiệm, họ sẽ là những người cộng sự đắc lực cho Tiên.
Bản thân những người đứng ra nhận việc trước đám đông, họ đã là người dám làm dám chịu, và họ cũng chịu sự giám sát khắt khe của cộng đồng. Team của Tiên sẽ thẩm định và cùng cộng đồng giám sát về hiệu quả công việc và sự minh bạch của họ.
4. Lan tỏa mạng lưới cộng đồng: Vẫn biết rằng một số "con sâu" làm cho một số tổ chức từ thiện không được tin tưởng, và người làm thiện nguyện luôn thích đưa quà trực tiếp cho nạn nhân. Nhưng thực tế "sức người có hạn" và những vấn đề khác, như qua nhiều năm, vẫn có hiện tượng những gia đình gần trục giao thông, hoặc bỗng nổi lên trên truyền thông với câu chuyện xúc động nào đó, lập tức hút hầu hết nguồn tài trợ, trong khi những nơi khác không có.
Mấy hôm nay trên mạng đã xuất hiện nhiều câu chuyện nhiều hộ nhà hai tầng bị các đoàn cứu trợ phớt lờ, chỉ đến những nhà xập xệ; trong khi những nhà tầng hiện là điểm trú ngụ của cả xóm.
Mạng lưới dân cư rất quan trọng. Người dân chịu sự chi phối rất lớn với "tình làng nghĩa xóm", sợ "sống không ra gì, chết không có người khiêng". Đừng vội nghĩ ông trưởng thôn, bà trưởng hội phụ nữ chỉ nhăm nhăm ăn chặn. Họ là người làng của nhau, sống với nhau cả đời. Đoàn từ thiện đến rồi đi, nhưng họ sẽ là người nâng đỡ nhau, không vì món quà từ thiện mà bị làng xóm tẩy chay. Họ sẽ là cánh tay nối dài đắc lực của các đoàn thiện nguyện.
5. Sử dụng công nghệ: Mình đang hình dung nếu có một bản đồ số, gần giống như sơ đồ bán vé của các nhà hát. Trang này công khai trên mạng. Các chuyên gia sẽ cung cấp bản đồ, số liệu, hộ dân, các vùng ngập nặng… Các đoàn thiện nguyện sẽ đánh dấu những làng, thậm chí những hộ đã cứu trợ; các đoàn sau sẽ tìm địa điểm khác, tránh chồng chéo. Công việc sẽ được phân bổ hợp lý, và minh bạch hơn. Phần mềm này sẽ được lưu lại để dùng cho các đợt sau nữa.
Thủy Tiên và trợ lý đang bàn bạc về kế hoạch làm từ thiện
Cuối cùng, nhà báo Thu Hường cho biết đây là những đề xuất trong tầm hiểu biết của mình, mong được bổ sung thêm; không chỉ vì "cô Tiên" và vì nguồn tài nguyên thiện nguyện và niềm tin cộng đồng cần được bảo vệ.
Hiện tại, những chia sẻ của nhà báo Hoàng Thu Hường trên trang cá nhân đang nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng mạng.
Hoàng Thu Hường sinh năm 1977 tại Lạng Sơn, sống và làm việc chủ yếu tại Hà Nội. Cô là một nhà báo, diễn viên Việt Nam và là vợ của võ sư karate Đoàn Bảo Châu
Trước khi được biết tới vai trò là nhà báo, Hoàng Thu Hường được biết tới là diễn viên để lại dấu ấn đạm nét trong nhiều bộ phim truyền hình. Gần đây nhất trong con sốt của bộ phim Sống chung với mẹ chồng, nhà báo Hoàng Hường đã viết một bức tâm thư gửi tới người con dâu tương lai của mình với những từ ngữ đấy thú vị đã thu hút được nhiều người đọc và chia sẻ.
PV