(Tổ Quốc) - Từng bị liệt mặt suốt 2 năm nhưng Mai Anh đã vượt qua bệnh tật, trở thành MC được nhiều người biết đến với công việc khá mới lạ: Dạy cải thiện giọng nói.
Mai Anh đã chia sẻ thẳng thắn trong nhiều bài phỏng vấn cũ rằng cô không muốn "nổi tiếng" nhờ chuyện bị liệt dây thần kinh mặt trong quá khứ. Cô muốn tên mình gắn bó với hình ảnh tràn đầy sức sống, mang năng lượng tích cực đến cho tất cả mọi người. Mai Anh từng trải qua quãng thời gian dài chênh vênh với nhiều biến cố, nhưng sau tất cả, cô nàng xinh đẹp đã vượt qua mọi khó khăn và trở thành nữ MC kiêm giáo viên "nắn chỉnh" giọng nói. Rất nhiều người thắc mắc về nghề tay trái của Mai Anh, nên cuộc trò chuyện ngắn vào một ngày đầu tháng 5 có lẽ đủ giúp ai cũng hiểu thế nào là "luyện giọng".
Nguyễn Mai Anh
Sinh năm 1995
MC quen thuộc ở nhiều chương trình truyền hình như: S Việt Nam (VTV1), các chương trình về sức khỏe (VTV2), các bản tin trên kênh Truyền hình Quốc phòng (QPVN)...
"Hot girl luyện giọng" trên TikTok với 55 nghìn fans hâm mộ
"Nắn giọng" là nghề gì?
Chào Mai Anh! Gần đây có vẻ như em khá bận rộn với nhiều công việc cùng lúc phải không?
Vâng, hiện tại ngoài công việc làm MC ở kênh truyền hình Quốc phòng thì em còn đứng lớp dạy cải thiện giọng nói ở trung tâm kỹ năng nữa. Một ngày của em thường bắt đầu với việc chuẩn bị đi dẫn, sau đó em sẽ đến lớp dạy học vào 7h tối, gần như không có ngày nghỉ cuối tuần.
Theo Mai Anh thì dạy cải thiện giọng nói có gì nổi bật so với việc dạy các môn học khác?
Qua chia sẻ của học viên thì em thấy dường như nhiều người vẫn cho rằng cải thiện giọng nói là một nhu cầu cao cấp trong cuộc sống hiện đại, gần như ít ai để ý đến nó vì chúng ta mải bận tâm đến kiếm tiền, vui chơi, làm đẹp v.v… Nhưng bây giờ nhiều người nhận thức được giọng của họ có vấn đề, như nói ngọng, nói lắp, giọng địa phương, phát âm sai dấu... làm cản trở giao tiếp và gây tâm lý tự ti, nên bộ môn cải thiện giọng nói ra đời.
Luyện giọng có đặc thù thiên về thực hành nhiều hơn, bởi vì nhiều người biết và nắm rõ lý thuyết nhưng cũng không làm được vì phải tập mới thay đổi được các thói quen phát âm đã hình thành từ nhỏ. Học luyện giọng không cần viết sách vở quá nhiều, chủ yếu là thực hành nắn chỉnh khẩu hình, lưỡi, hơi thở khi phát âm. Mọi người càng hiểu rõ kiến thức về giọng nói thì việc nắn chỉnh càng dễ.
Làm MC thì không có gì lạ lẫm nữa, nhưng làm cô giáo dạy cải thiện giọng nói thì ít người biết. Thế nào mà Mai Anh lại gắn bó với công việc đặc biệt này?
Em đã từng có 5 năm gắn bó với các chương trình trải nghiệm, thực sự khoảng thời gian đó cho em rất rất nhiều kỉ niệm và niềm vui. Nhưng ở tuổi 26 em cảm thấy mình không còn trẻ khỏe và "liều lĩnh" để chạy theo những chuyến đi vất vả nữa. Tuy nhiên, đang quen với cuộc sống bay nhảy lại quanh quẩn trong trường quay, ngồi một chỗ thì em thấy hơi hụt hẫng.
Em nói chuyện với một người bạn – khi ấy đang lên kế hoạch để mở một trung tâm kỹ năng và quyết định sẽ bắt đầu một "hành trình" mới với vai trò là một giáo viên kỹ năng. Dù thu nhập của nghề tay trái này không cao, "dạy vì đam mê" thôi ấy (cười), nhưng nó mang lại cho em nhiều trải nghiệm thú vị còn hơn cả đi du lịch.
Luyện giọng là một nghề thú vị, bởi nó ứng dụng rất thực tế vào đời sống
Học viên ở lớp luyện giọng thường là đối tượng nào?
Đủ mọi ngành nghề và độ tuổi, nơi ở khác nhau. Từ sinh viên, nhân viên văn phòng, thậm chí cả chủ doanh nghiệp hoặc các bác lãnh đạo lớn tuổi cũng học cải thiện giọng để phục vụ nhu cầu cá nhân. Họ đều ý thức được vai trò của giọng nói nên sẵn sàng đầu tư một khoản tiền không nhỏ để sửa giọng cho chuẩn và hay hơn.
Có những người mắc tật lúc nào cũng hay nói nhỏ, hoặc giọng nói run rẩy không diễn đạt được ý định giao tiếp, rồi tay chân không kiểm soát được khi nói, bị bối rối, co giật, nhăn nhó khó tính khi đang nói… Họ không thể tự thay đổi được khuyết điểm nên mới tìm đến lớp học cải thiện giọng nói.
Em nhớ mãi một bạn học viên ở Thanh Hóa cứ 3h chiều bắt xe khách ra Hà Nội để đến lớp buổi tối, 10h đêm lại ra bắt xe trở về nhà. Tầm 2h sáng bạn sẽ nhắn tin vào group lớp để thông báo đã về an toàn. Nhiều anh chị làm công việc chẳng cần dùng đến giọng nói nhưng họ vẫn cầu tiến, theo học rất đầy đủ. Em rất vui và tự hào khi có thể giúp mọi người luyện giọng tốt hơn, mong rằng ai cũng tự tin trong giao tiếp và không bị phân biệt vùng miền nữa.
Một buổi học cải thiện giọng nói kéo dài trong bao lâu và học phí như thế nào?
Các lớp ở trung tâm em chỉ xếp từ 6 – 12 người để dạy hiệu quả nhất, 1 buổi khoảng 3 tiếng trở xuống. 1 khóa có 8 buổi thôi, học phí khoảng hơn 3 triệu/người. Hiện tại ở Hà Nội có nhiều trung tâm luyện kỹ năng cá nhân, nhưng tập trung chuyên sâu vào giọng nói thì có lẽ trung tâm em dạy là nơi đầu tiên.
Nghề chọn người, chứ chẳng phải người chọn nghề!
Trước khi làm cô giáo luyện giọng thì cơ duyên nào đã giúp Mai Anh gắn bó với công việc MC?
Trước đây em có tính cách hoàn toàn khác so với bây giờ. Em từng bị liệt dây thần kinh mặt suốt 2 năm khi học cấp 3, phải đi châm cứu, chạy chữa liên tục và bị hạn chế khả năng giao tiếp đến mức rơi vào trạng thái trầm cảm trong thời gian đó. May mắn là khi thi ĐH em đỗ 3 trường, rồi em chọn vào báo chí.
Đó là quyết định khiến cuộc đời em rẽ sang bước ngoặt vô cùng lớn, thay đổi tất cả từ suy nghĩ cho đến năng lực bản thân. Ở một nơi mới mẻ không ai biết mình là ai, không biết đến quá khứ của mình từng là cô bé nhút nhát dễ run sợ khi giao tiếp… thì em có thể tạm khoác một chiếc "mặt nạ" để khởi đầu cuộc sống khác. Em thử tham gia một vài cuộc thi, và chính thức gắn bó với việc cầm mic dẫn chương trình từ hồi sinh viên cho đến tận bây giờ.
Tuy mới 26 tuổi nhưng Mai Anh đã có thâm niên gần 10 năm làm MC.
Đã bao giờ Mai Anh gặp sự cố trong suốt gần 10 năm làm MC chưa?
Sự cố trong nghề MC, đặc biệt trong các chương trình trải nghiệm thì khó thể tránh khỏi. Lần đầu tiên khi mới chập chững vào nghề hồi sinh viên, em bị "quỵt" tiền cát xê dẫn. Đến khi làm MC cho chương trình S Việt Nam thì em gặp vô số sự cố thót tim. Em đã từng bị móc hết ví tiền điện thoại khi ngủ quên trên xe khách, từng bị dàn cảnh đánh để cướp đồ, rồi một mình bắt xe tải giữa quốc lộ để về Hà Nội đi học, lạc trong rừng, bị vắt muỗi cắn khắp người…
Hoặc năm vừa rồi em khá stress về chuyện nhiều nơi cắt video dẫn chương trình của em ra để chạy quảng cáo sản phẩm y dược, ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của em.
Mai Anh có phải đánh đổi điều gì để cân bằng giữa việc làm MC và làm giáo viên không?
Với em không hẳn là đánh đổi, bởi em tự quyết định mọi thứ. Nhưng bận rộn như thế nên em ít có thời gian dành cho gia đình, "hi sinh" nhiều buổi hẹn hò với bạn trai. Em hay ăn tối lúc 11h nên chắc cũng ảnh hưởng một chút đến sức khỏe nữa.
Nhưng em không mất mát gì cả, ngược lại em nhận được sự ủng hộ, hậu phương vững chắc từ gia đình và người thương. Nói chung em hài lòng với cuộc sống hiện tại, vì mọi thứ với em gần như rất viên mãn, được làm mọi thứ mình thích và không phải bận tâm gì. Em từng là người rất tham vọng, nhưng đến bây giờ thì em nhận ra rằng: Hạnh phúc chính là vừa đủ!
Cảm ơn Mai Anh vì cuộc trò chuyện. Chúc Mai Anh ngày càng thành công hơn và luôn say mê với những công việc của mình!
Cuộc sống muôn hình vạn trạng, mỗi cá thể là một mảnh ghép tô điểm sắc màu rực rỡ hơn cho đời. Có những người cả đời theo đuổi một công việc đầy ánh hào quang, sống theo lý tưởng "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Nhưng cũng có vô số người khác âm thầm làm nhiều nghề vừa lạ vừa ít biết. Họ là ai? Những góc khuất trong nghề nghiệp của họ là gì? Công việc đó có gì thú vị?
Hãy đón đọc những câu chuyện về họ trong series "Người trong muôn nghề" của AFamily.
Lynk, ảnh: Phạm Hoàng