Nữ giảng viên ĐH rẽ ngang kinh doanh, bị gia đình ngăn cản nhưng quyết tâm startup dù gặp muôn vàn khó khăn

(Tổ Quốc) - Vốn từng là 1 cô giáo yêu nghề, giống như nhiều phụ nữ khác mong muốn cuộc sống có 2 chữ… ổn định, nhưng bất ngờ chị rẽ ngang phá bỏ sự an toàn vốn có.

Từng mong cuộc sống ổn định, nữ giảng viên ĐH vì sao bỗng dưng bỏ lại sự an toàn?

Trước đây là giảng viên khoa Toán, ĐH Hải Phòng, nếu tiếp tục làm nghề giáo viên thì như vậy với chị Tạ Mai Phương đã đạt được mong muốn của mình quá sớm. Nhưng chị nghĩ ổn định cũng gắn với sự an toàn; cá tính của mình là sôi nổi, thích bay nhảy khiến chị mong muốn tìm kiếm một môi trường làm việc năng động, nhiều trải nghiệm hơn. Và người phụ nữ này đã dám bước ra khỏi vùng an toàn để bắt đầu lại từ đầu với mong muốn “biết mình là ai”.

Chị Phương kể rằng do hồi đó con ốm nên chị cũng muốn tìm hiểu thêm nhiều loại thuốc, thành phần, hoạt chất, hàm lượng nên cuối cùng mà quyết tâm “dấn thân” chuyển sang làm kinh doanh trong lĩnh vực dược phẩm.

Nữ giảng viên ĐH rẽ ngang trở thành CEO có thu nhập khủng, khởi đầu chỉ là muốn trả lời một câu hỏi riêng của bản thân - Ảnh 1.

Khi chị quyết định bỏ nghề giáo, tự kinh doanh riêng, mọi người đều bất ngờ, người nhà thậm chí còn ngăn cản vì cho rằng việc này quá mạo hiểm và bất ổn. Nhưng chị vẫn kiên định với lựa chọn của mình. Đó cũng là khởi đầu của những ngày chị tự mày mò tự học kiến thức kinh doanh và quản trị, nghiên cứu sản phẩm và liên tục gặp gỡ khách hàng. Sau vài năm “rẽ hướng” chị trở thành CEO một công ty dược, vị trí mà trước đây chị chưa từng nghĩ đến.

Chị tâm sự về những khó khăn ngày đầu khi từ 1 cô giáo bước ra thương trường “cân” tất cả mọi thứ vừa học hỏi vừa tự tích lũy kinh nghiệm: “Khi ấy khi mình quyết tâm thay đổi công việc cũng bị mọi người phản đối dữ lắm. Mọi người bảo tự nhiên đang làm cô giáo chuyển sang đi kinh doanh là dại. Thời gian đó đúng là vất vả, cũng có rất nhiều khó khăn khi mà mình phải xoay sở hết tất cả mọi thứ. Vừa phải tự học, tự mày mò tìm hiểu kiến thức chuyên môn của ngành dược, vừa phải tìm kiếm khách hàng, chăm sóc khách hàng, lên đơn, theo dõi…”.

Hiện tại khi đã là chủ doanh nghiệp, chị cho biết mình bận rộn hơn rất nhiều việc là giảng viên đại học vì khối lượng công việc điều hành, quản lý tại công ty quá lớn. Nhưng chị chưa bao giờ hối tiếc với con đường đã đi vì chị luôn hào hứng với nó, biết phá bỏ giới hạn bản thân và hiểu rằng thực lực của mình có thể lớn hơn mình tưởng tượng rất nhiều.

Dù hiện tại luôn kín lịch làm việc với khách hàng, ký kết hợp đồng và đào tạo kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ nhân viên... nhưng chị không thấy cực khổ vì chị đang làm việc bằng đam mê. CEO 8X nói: "Ngày trẻ mơ ổn định, trải nghiệm rồi mới thấy vượt qua giới hạn bản thân mới là điều tuyệt vời nhất. Nếu ở thời điểm 10 năm về trước, mình không biết giới hạn của đến đâu và cũng không dám vượt qua nó".

Hầu hết các startup đầu tiên đều thất bại, nên phụ nữ đừng sợ bắt đầu

Dù hiện tại chị Mai Phương là CEO ngành dược có thu nhập khủng, nhưng khi hỏi về con số cụ thể thì chị Phương chỉ nói: “Mình thường có thói quen cân đo đong đếm lại các tài sản vật chất mình đang sở hữu. Nhưng điều khiến mình tự hào nhất là “sự chuyển mình” của chính bản thân, sự bứt phá giới hạn của bản thân, mình đã chinh phục được chính mình ở phiên bản khác tốt hơn”.

Chị cũng nói thêm: "Mình từng có những ngày “nước sôi lửa bỏng” khi doanh thu bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế nhưng cũng có những tháng được khách “chốt hợp đồng” liên tiếp. Làm doanh nhân là cách nhanh nhất để rèn luyện tinh thần quả cảm, sự nỗ lực, kiên trì và cả nhẫn nại nữa. Những thứ đó giá trị hơn nhiều so với tiền bạc, của cải, vật chất".

Nữ giảng viên ĐH rẽ ngang kinh doanh dù bị gia đình ngăn cản, quyết tâm startup dù gặp muôn vàn khó khăn - Ảnh 2.

Chị Phương và nhân viên công ty.

Phụ nữ startup vốn được cho là bất lợi hơn nam giới vì còn vướng bận chuyện gia đình, con cái và sự quyết đoán cũng được cho là không bằng nam giới, nhưng chị Phương thì nghĩ khác: “Dù xã hội hiện nay đã có rất nhiều thay đổi tích cực nhưng mình thấy phụ nữ vẫn bị áp đặt khá nhiều định kiến, phụ nữ làm kinh doanh còn chịu nhiều định kiến hơn. Nhưng mình tin là phụ nữ Việt Nam có rất nhiều phẩm chất đặc biệt để kinh doanh thành công, vậy nên thực sự muốn ấp ủ giấc mơ startup thì bạn cứ mạnh mẽ thử sức.

Dù có thất bại ở lần startup đầu tiên thì chắc chắn vẫn có rất nhiều kinh nghiệm và bài học giá trị dành cho bạn. Đó là bài học về tinh thần chiến binh trên thương trường, về triết lý kinh doanh và những chiến lược quản lý... để bạn có thêm niềm tin, nghị lực cho lần startup tiếp theo. Hầu hết các startup đầu tiên đều thất bại nên đừng để nỗi lo sợ thất bại cản bước”.

Nữ giảng viên ĐH rẽ ngang kinh doanh dù bị gia đình ngăn cản, quyết tâm startup dù gặp muôn vàn khó khăn - Ảnh 3.

Khi nói về độc lập tài chính có ảnh hưởng đến hạnh phúc của phụ nữ chị cho rằng đó chính là bí quyết để hạnh phúc của phụ nữ.

"Đầu tiên là phụ nữ độc lập tài chính có đủ sức chi trả mọi hóa đơn, chi phí cho cuộc sống một cách thoải mái nhất, thậm chí là thể tận hưởng chất lượng cuộc sống rất cao nếu có được nguồn tài chính vững vàng. Khi đã có được sự độc lập về tài chính, phụ nữ sẽ dễ dàng có được sự độc lập về tư duy về cảm xúc và hành động.

Bạn sẽ thấy tất cả các phụ nữ độc lập tài chính đều có tư duy vô cùng quyết đoán, mạnh mẽ. họ không phải nhìn thái độ của người khác để quyết định làm gì, cũng không phải e sợ người khác sẽ nghĩ gì khi thẳng thắn nói ra suy nghĩ của mình. Người ta thường nói tiền không phải là tất cả nhưng chỉ khi bạn độc lập tài chính bạn mới có thể tự làm chủ vận mệnh và cuộc đời mình, thay vì “phó thác” cho các yếu tố bên ngoài", nữ CEO 8X nói.

Có nhiều con đường giúp người ta thành công và chị Mai Phương cho rằng không cứ phải thành ai đó và có mức thu nhập khủng mới là thành công: “Thành công là khi bạn có thể vượt qua được chính giới hạn của bản thân, trở thành phiên bản xuất sắc nhất của chính mình. Vậy nên, hãy cứ nỗ lực hết mình vào con đường mình đã lựa chọn, vậy là đủ”.

Bài viết ghi theo chia sẻ của nhân vật - ảnh: NVCC

ĐX

Tin mới