Nữ công nhân may túi hàng hiệu bị bắt giam do một bài đăng lo mất việc trên Facebook gây nhiều tranh cãi

(Tổ Quốc) - Một người phụ nữ đến từ Campuchia đã bị bắt giam 2 tháng vì một bài đăng trên Facebook.

Cô Soy, một phụ nữ Campuchia, làm việc tại nhà máy Superl ở tỉnh Kampong Speu trong ngành nghề làm túi cho các thương hiệu thời trang quốc tế như Michael Kors và Kate Spade. Vào ngày 4/4, Soy đã bị đưa đến nhà tù vì một bài đăng trên Facebook. Người phụ nữ này đã viết về những lo lắng của bản thân rằng những người công nhân như cô có thể sẽ bị sa thải vì đại dịch Covid-19.

Một ngày sau bài đăng trên Facebook, bà mẹ đơn thân 30 tuổi đã nhận giấy triệu tập đến văn phòng của người giám sát tại Superl. Họ yêu cầu cô ký tên vào tờ giấy thừa nhận sai lầm của mình và sau đó, một hình thức kỷ luật của nhà máy sẽ được đưa ra. Tuy nhiên, cô Soy đã từ chối ký tên và tiếp tục quay trở lại làm việc. 

Kể từ khi dịch bệnh diễn ra, các đơn đặt hàng tại nhà máy đã suy giảm tuy nhiên những người công nhân như cô Soy vẫn có việc để làm. Khi kết thúc ca làm việc của mình, cô Soy lại được triệu tập đến văn phòng, nơi cảnh sát đã chờ sẵn. Sau đó, cô bị đưa đến phòng thẩm vấn trong hơn 48 giờ. Cuối cùng, cô Soy bị bắt giam tại nhà tù Kampong Speu trong vòng 2 tháng, đó là một nhà tù đông đúc và chật chội. 

Nữ công nhân may túi hàng hiệu bị bắt giam vì một bài đăng lo mất việc trên Facebook vì Covid-19 gây ra nhiều tranh cãi - Ảnh 1.

Cô Soy đã bị tạm giam vì một bài đăng than phiền trên Facebook.

Theo cáo buộc ban đầu của nhà máy Superl, cô Soy đã đăng tin giả và nói xấu nhà máy. Trong khi đó, tòa án đang xem xét vụ án của cô và Soy có thể bị cáo buộc hai tội hình sự liên quan đến hành vi khiêu khích. Nếu bị tòa án kết tội cô sẽ phải đối mặt với 3 năm tù và bị phạt tiền tới 35 triệu đồng.

Hiện tại, cô đã tạm thời được tha bổng và nhà máy Superl đã đồng ý rút đơn kiện chống lại Soy. Tuy nhiên người phụ nữ này vẫn sẽ phải tham gia phiên tòa xét xử vì cáo buộc hình sự của mình. Về phía nhà máy Superl, họ lấp lửng chuyện liệu cô Soy có được trở lại làm việc hay không hoặc họ có trả tiền đền bù cho cô Soy khi đã làm tổn hại đến danh dự của cô hay không.

Cô Soy cho biết, trong 2 tháng bị tạm giam, cô hầu như mất ăn mất ngủ trong nhiều tuần khiến cô nhiều lần bị sốt. Cô Soy trở nên hốc hác và sa sút cả về tinh thần lẫn thể chất. Sau khi cô Soy bị tạm giam, gia đình cô rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi cô là trụ cột chính. Soy là một góa phụ và là bà mẹ của 2 đứa con nhỏ. Các em hiện đang được bà chăm sóc.

Vụ việc bắt giữ cô Soy đang gây tranh cãi vì nó được cho là hành động phân biệt đối xử của công ty nước ngoài với công nhân da màu bản địa. Trên thực tế, 60 triệu công nhân may mặc trên toàn thế giới không kiếm đủ tiền để nuôi sống bản thân, trong khi các thương hiệu sản xuất quần áo đã thu về lợi nhuận hàng tỷ đồng dựa trên mồ hôi công sức của họ. Các chuyên gia và một số tổ chức bảo vệ người lao động đang lên tiếng đòi công lý cho cô Soy và hiện vụ việc vẫn chưa đi đến hồi kết.

Nguồn: Buzzfeednews

Diệp Lục

Tin mới