(Tổ Quốc) - "Có một khoảng thời gian rất dài, tôi không muốn quay lại làm nghề nữa. Vì mình hy sinh cho điều không có thực và cảm giác như mình bị lừa", NSƯT Thành Lộc nói.
Khán giả Việt có lẽ không ai không biết nghệ sĩ Thành Lộc. Anh là cây đa cây đề trong giới nghệ thuật Việt Nam với biệt danh "phù thủy sân khấu". Từ năm 2000 đến nay, anh là Phó Giám đốc sân khấu kịch Idecaf.
Trong sự nghiệp của mình, NSƯT Thành Lộc hóa thân hơn 600 vai diễn trên cả sân khấu và điện ảnh, đạt nhiều giải thưởng trong các kỳ liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc cũng như các giải thưởng xã hội uy tín dành cho sân khấu.
Mới đây, khi tham gia chương trình Hạnh phúc ở đâu, NSƯT Thành Lộc đã trải lòng về giai đoạn khó khăn, thăng trầm nhất trong nghề. Đó là giai đoạn mà anh từng cảm thấy bế tắc, bí lối, thậm chí là muốn bỏ nghề.
NSƯT Thành Lộc sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm về nghệ thuật. Anh bắt đầu lên sân khấu diễn từ năm 8 tuổi. Trải qua bao nhiêu năm làm nghề, anh được đồng nghiệp và khán giả phong tặng biệt hiệu "phù thủy sân khấu".
Cảm giác bị lừa, không muốn làm nghề nữa!
NSƯT Thành Lộc nói: "Có câu, đời không như là mơ nên đời thường giết chết mộng mơ. Con người ta sống có lý tưởng thì hay cầu toàn nhưng nhân vô thập toàn, xã hội lại càng thế. Mình cực đoan khi nghĩ về lý tưởng, nó phải là như vậy thì khi mình bước vào cuộc đời sẽ thấy, cuộc đời không như mình nghĩ.
Đôi khi lý tưởng sống đó làm mình tổn thương. Và đôi khi mình nghĩ, hình như mình đã hy sinh cho điều không có thực. Và điều đó làm mình tuột cảm xúc, làm mình hoài nghi.
Hoài nghi là tố chất nằm trong người có khuynh hướng nổi loạn. Hoài nghi là tốt. Hoài nghi là không bao giờ bị ru ngủ.
Nghệ thuật mà có hoài nghi thì nghệ thuật mới tồn tại và phát triển. Bởi một trong những chức năng của nghệ thuật là đặt vấn đề cho người xem hoài nghi, để hoàn thiện chính mình, hoàn thiện xã hội, hoàn thiện môi trường sống.
Không có môi trường nào hoàn toàn lý tưởng cả. Khi mình tuột cảm xúc, chán nản thì đó là một trong những giai đoạn giúp mình trưởng thành về nhân cách. Có một khoảng thời gian rất dài, tôi không muốn quay lại làm nghề nữa. Vì như tôi vừa nói, mình hy sinh cho điều không có thực và cảm giác như mình bị lừa".
Cũng như cha là cố NSND Thành Tôn và mẹ là cố nghệ nhân hát bội Huỳnh Mai, nghệ sĩ Thành Lộc đam mê, miệt mài cống hiến cho nghệ thuật nước nhà bao nhiêu năm qua.
"Tôi nghĩ mình quá nhỏ bé, thấp kém trước những người vô danh kia"
Và trong tâm trạng chán chường, muốn từ bỏ nghề đó, như được Tổ nghề soi sáng, nghệ sĩ Thành Lộc đã tìm lại được chính mình, đam mê của chính mình từ đồng nghiệp để bước tiếp.
Anh chia sẻ: "Trong những lúc chán nản như vậy thì tôi tăng cường đi xem. Có lần tôi chui vô cái phòng trà, xem Hồng Nhung trình diễn. Một cô gái nhỏ nhắn, một mình hát hơn 20 bài. Hồng Nhung hát tới 1h 15 phút sáng. Tôi ngồi coi say mê.
Tôi nghĩ, một cô gái nhỏ con hơn mình mà sức thu hút và thể lực mãnh liệt như thế. Cái gì làm Hồng Nhung tỏa sáng như vậy. Hồng Nhung phải yêu cái nghề ca hát, yêu ghê lắm mới có nội lực mạnh mẽ và lan tỏa đến vậy.
Rồi tôi đi xem một đoàn nghệ thuật múa của Hàn Quốc ở Nhà hát Thành phố. Sân khấu Nhà hát rất nhỏ, một trong những tiết mục truyền thống và nổi tiếng khắp thế giới của Hàn Quốc là múa trống. Mấy chục kiểu trống khác nhau trên sàn diễn với 58 vũ công, bít hết sân khấu.
Nhiều vũ công còn bị che trong cánh gà. Nhưng khi họ đánh lên một cái, toàn bộ khán giả chết lặng, tim mình muốn vỡ ra khỏi lồng ngực vì hay quá.
Tôi nghĩ, những cô gái khuất trong cánh gà thì ai thấy. Tôi mới nghiêng người nhòm, thì thấy mấy cô đó đánh trống say mê, bất chấp khán giả có nhìn thấy họ hay không. Họ đánh như lên đồng. Trời ơi, ngọn lửa đó truyền tới tôi.
Những vũ công đó vào nghề này đâu vì nổi tiếng. Mấy chục con người, có chính có phụ, ai biết ai với ai. Người phụ bị quăng vô trong cánh gà, ai thấy. Lẽ thường, họ sẽ diễn theo tiết tấu cho có thôi nhưng đằng này, họ say mê như lên đồng. Tôi khóc liền tại chỗ.
Tôi nghĩ mình quá nhỏ bé, thấp kém trước những người vô danh kia. Mình vì cái gì đó rất bản thân của mình, mình nản trước thời cuộc, trước sự đụng chạm giữa những người trong nghề với nhau và mình nói nghề này bạc quá.
Mình đánh giá nghề bạc trong khi những vũ công kia, họ đang bị ngược đãi, bị quăng vô cánh gà nhưng họ say mê như những vũ công chính, dù không ai thấy họ là ai".
Khi nhìn thấy đam mê của đồng nghiệp với nghề, nghệ sĩ Thành Lộc tìm được chính mình và buông bỏ hết những giận hờn, những thử thách xung quanh để sống trọn với nghệ thuật.
"Đôi khi mình xem cái tôi của mình lớn quá"
Nghệ sĩ Thành Lộc tiếp tục chia sẻ: "Cùng là đồng nghiệp với nhau mà đôi khi mình xem cái tôi của mình lớn quá. Thế là tôi suy nghĩ lại rất nhiều. Mình đến với nghệ thuật bằng cái gì, đích đến của mình, động cơ từ đầu của mình là gì thì hãy cứ đi như thế. Ngoại cảnh xung quanh tác động chỉ là thử thách của cuộc sống, thử thách nhân cách mình. Thế là tôi bỏ hết.
Có nản trí không? Có. Có muốn bỏ nghề không? Có. Thậm chí, tôi còn nghĩ, tại sao công sức mình nhiều thế mà trả lương có chút xíu. Mình bị đánh giá quá tệ.
Nhưng mà, khi nhìn vào những ngọn lửa đó tôi nghĩ: lúc mình thi vô trường sân khấu, mình học nghề này vì đồng lương này hay là vì cái gì? Xuất phát của mình đến với nghề vì cái gì? Có những lúc mình làm với thù lao kếch sù thì cũng có những lúc, cát xê bao nhiêu cũng làm vì vai quá hay, để mình được thể hiện cái điều mình yêu thích.
Suy cho cùng, hạnh phúc của nghệ sĩ là được làm điều mình thích, làm được cái nghề mình đam mê trước. Quyền lợi vật chất chỉ là một nhánh, kết quả bên cạnh mình thu được thôi".
Hương Hương