(Tổ Quốc) - "Tôi nghe Long Nhật hát Bolero mà đi sâu vào lòng, cảm thấy rưng rưng" – NSND Thu Hiền nói.
Vừa qua, tại chương trình Duyên phận, NSND Thu Hiền đã ôn lại một vài kỷ niệm đáng nhớ trong sự nghiệp của mình từ khi còn nhỏ tới lớn. Cô xúc động kể:
"Tôi sinh ra trong một cái nôi nghệ thuật, gia đình làm nghệ thuật ba đời. Ông bà tôi là nghệ sĩ hát chèo, hát tuồng. Mẹ sinh tôi ra phải đi bộ đội nên không có thời gian dạy tôi, liền gửi tôi về quê cho bác trông. Bác dạy tôi hát chèo và 5 tuổi tôi đã được bác gánh đi từng làng để hát chèo.
Đến khi 10 tuổi, tôi rời xa gia đình vào Quân khu 5 học về sân khấu, bài chòi. 15 tuổi, tôi tốt nghiệp trung cấp về triết học, mỹ học rồi vào chiến trường đóng kịch cho bộ đội xem.
Nhưng nói thật, đã vào chiến trường thì nghệ sĩ chúng tôi không chỉ đóng kịch mà phải làm hết mọi việc, từ nấu cơm tới cứu thương, thậm chí vác đạn, lấy gạo. Tôi phải làm mọi nhiệm vụ của người lính.
Ban đầu, tôi vào chiến trường để đóng kịch, vì tôi học sân khấu. Nhưng đôi lúc cần phải hát, thế là tôi hát luôn. Bài gì hát được tôi cũng đều hát tất. Lúc đó, tôi lấy tên là Thanh Hồng chứ không phải Thu Hiền.
Cuộc đời đi hát chiến trường của tôi có nhiều kỷ niệm lắm. Từng ấy năm tôi đi theo đoàn quân nên nhớ lắm.
Chẳng hạn, 15 tuổi tôi vào chiến trường, hành quân đêm tối chẳng nhìn thấy gì. Mọi người xung quanh tôi cũng chẳng ai thấy ai, nhưng cứ giơ tay lên hô "Hà Nam đây", "Thái Bình đây", "Hà Nội đây" để nhận ra nhau. Tôi cũng giơ tay lên hô như mọi người nhưng bé quá nên giơ lên chả thấy ai. Đó là kỷ niệm rất nhỏ thôi nhưng tôi vẫn nhớ.
Rồi tôi vào Quảng Bình, Quảng Trị, vinh dự đi tới những điểm chiến tranh khốc liệt nhất như hang Tám Cô, ngã ba Đồng Lộc. Lúc đó, hàng trăm, ngàn thanh niên xung phong hi sinh rất nhiều, nhưng tôi vẫn đi và hát.
Sau giải phóng, tôi có đến Huế lần đầu tiên và hát bài Cô gái đồng bằng Sông Cửu Long. Nhưng người ta bảo tôi, đến Huế thì phải hát bài của Huế chứ ai lại hát bài miền Nam.
Chú Nguyễn Văn Tý lập tức viết cho tôi bài Trở về thăm Huế. Tôi vừa hát câu đầu tiên thì người ta chạy tới hỏi tôi ở đâu, rồi hỏi có biết cái cô hát bài Khúc tâm tình của người Hà Tĩnh ở trên đài không. Tôi nhận là mình thì mọi người bất ngờ, công kênh tôi đi khắp cầu Tràng Tiền.
Tôi phải bảo người ta cho mình dừng lại để hát câu đầu tiên trong ca khúc Trở về thăm Huế. Đến giờ đã bốn mấy năm rồi mà tôi vẫn nhớ như in".
Tiếp đó, NSND Thu Hiền lần đầu tiết lộ chuyện mình bảo vệ dòng nhạc Bolero trong quá trình chấm thi cho Long Nhật hồi xưa. Cô nói:
"Vào giai đoạn 1990, 1991, tôi được làm giám khảo chấm rất nhiều cuộc thi, trong đó có Hội thi chuyên nghiệp quốc gia và có Long Nhật tham gia. Lúc đó, Long Nhật đã hát Bolero rồi và đem Bolero đi thi.
Tôi nói thật, thời đó việc ca sĩ đi hát Bolero rất khó khăn, chưa cởi mở như bây giờ, nên không dễ gì chấm được cho Long Nhật.
Nhưng tôi là người đi theo dòng nhạc trữ tình quê hương này, nên tôi phải có trách nhiệm bảo vệ, lắng nghe người ca sĩ hát Bolero như Long Nhật. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được nghe một người ca sĩ hát Bolero bằng xương bằng thịt, chứ trước đó chỉ nghe trên băng đĩa cũ của Sài Gòn xưa thôi.
Tôi nghe Long Nhật hát rất có hồn, đậm nét văn hóa vùng miền. Là một người nghệ sĩ hát nhạc dân gian, anh phải hiểu được văn hóa vùng miền mới hát ra được hơi thở của vùng miền đó.
Tôi nghe Long Nhật hát Bolero mà đi sâu vào lòng, cảm thấy rưng rưng. Anh Việt Khu ngồi đó bảo tôi, bài này hay nhưng lại là nhạc ông Hoàng Thi Thơ. Tôi bảo luôn, nếu là nhạc của Hoàng Thi Thơ thì hay quá chứ gì nữa.
Tôi đã lắng nghe chú Hoàng Thi Thơ rất nhiều vì chú là người Quảng Trị, mà tôi từng sống tại Quảng Trị.
Đã thế, các thầy ở trường cứ hay chấm theo học thuật, tròn vành rõ chữ, nhưng hát dân ca mà học thuật quá thì làm sao mà hay được".
Tùng Ninh