(Tổ Quốc) - "Tôi thu âm từ sáng tới chiều, tối về lại đi hát sân khấu. Có những ngày tôi phải thu âm cả buổi đêm, sáng hôm sau thức tập tuồng để tối đi hát" – NSND Thanh Tuấn nói.
NSND Thanh Tuấn được biết đến là một tên tuổi lớn của nền cải lương Việt Nam sau năm 1975. Anh từng trải qua thời kỳ đỉnh cao và có nhiều đóng góp cho cải lương Nam Bộ.
Tại chương trình Dấu ấn huyền thoại vừa qua, NSND Thanh Tuấn đã chia sẻ về sự nghiệp của mình.
Tôi hát để được cho cục đường mỗi đêm
Tôi sinh ra tại Quảng Ngãi, một tỉnh miền Trung. Từ năm 7 tuổi, tôi đã yêu thích ca hát rồi. Dù còn nhỏ nhưng tôi đã nghe cậu Mười Út Trà Ôn, anh Thành Được, chị Út Bạch Lan… rồi mê quá, thích quá.
Tôi cứ nghe mãi rồi học theo các nghệ sĩ đó qua radio, học từng cách hát đến dấu câu và biết hát đến 50% dù chưa được học hành gì.
Sau này, tôi theo mẹ vào Sài Gòn đi làm thuê cho một tiệm thuốc Bắc nằm cạnh rạp cải lương, đêm nào cũng có đoàn cải lương về đó hát.
Tôi không có tiền mua vé nên chỉ canh khi nào người ta chuẩn bị diễn xong thì vào xem đoạn cuối.
Một ngày nọ, tôi liều mạng bước vào hậu trường gánh hát của người ta để hỏi xem muốn học cải lương thì tìm ai. Họ chỉ tôi tới tìm thầy Út Trà Ôn học hát rồi tới thầy Bảy Trạch học diễn.
Vài tháng sau, tôi ca nhuần nhuyễn rồi, mọi người mới tới cầm cục đường dụ tôi ca xem như thế nào. Tôi cứ ca để được cho cục đường mỗi đêm và đi theo đoàn hát đến tận bây giờ.
Các hãng thu âm tới tấp tìm đến tôi, tôi phải thu đến 600 bài
Thực ra, Thanh Tuấn không phải tên thật của tôi. Ba má dưới quê đặt tên tôi là Thanh Liêm. Khi đi hát, nghệ danh đầu tiên tôi lấy là Hoài Trúc Linh.
Từ năm 1969 tôi thấy nghệ danh này nghe cứ mòn mỏi, chờ đợi quá nên quyết định đổi sang Thanh Tuấn, nghe cho thanh tao tuấn tú. Đổi nghệ danh xong, tôi được mời đi thu đĩa liền.
Sân khấu đầu tiên tôi diễn tại Sài Gòn là Bạch Liên Hoa. Ngay từ lúc đó, tôi đã được hát kép chính trong vở Tướng cướp Bạch Hải Đường. Năm đó, tôi mới có 15 tuổi.
Sau đó, tôi ra miền Trung hát cho đoàn Thủ đô Hương Hoa Lan và cũng được vào kép chính.
Dấu ấn đỉnh cao nhất của tôi là hồi về đoàn Kim Chung được hát chung với chị Mỹ Châu, anh Minh Vương. Từ đó, tên tuổi tôi được khán giả biết đến và yêu thích tới bây giờ.
Có giai đoạn, các hãng thu âm tới tấp tìm đến tôi, tôi phải thu đến 600 bài. Dù áp lực và bận rộn nhưng tôi vẫn vui. Một nghệ sĩ mà được lòng công chúng thì phải biết hạnh phúc.
Những ngày đó, tôi làm việc không có thời gian nghỉ ngơi. Tôi thu âm từ sáng tới chiều, tối về lại đi hát sân khấu. Có những ngày tôi phải thu âm cả buổi đêm, sáng hôm sau thức tập tuồng để tối đi hát.
Trong thời gian từ 1976 đến 1990, tôi làm việc liên tục như thế, thu không biết mệt mỏi vì nghĩ mình phải phục vụ quần chúng. Hôm nào mệt quá, tôi chắp tay xin khán giả cho nghỉ để cho mình được nghỉ một hôm.
Tùng Ninh