(Tổ Quốc) - Không gian sân thượng rộng rãi, nhiều nắng được chị Thu Thảo tận dụng để trồng rau quả sạch. Khu vườn trên cao chỉ một thời gian chăm chút, từng góc nhỏ đã phủ kín đủ loại giúp sân thượng vừa là nơi thu hoạch thực phẩm sạch vừa là nơi thư giãn của các thành viên trong gia đình.
Chị Thu Thảo vốn là một người yêu thích trồng cây, làm vườn. Vì thế khoảng sân nhỏ bên hông nhà được chị chăm chút, phủ xanh bằng các loại cây và hoa tươi tốt. Tuy nhiên, vì diện tích phần ngoại thất khá hạn chế nên gia đình chị Thảo chọn cách tận dụng đất trống của nhà hàng xóm chưa xây nhà để làm vườn.
Một thời gian “trải nghiệm” trồng trọt, chị Thảo cũng thu hoạch được một phần nhỏ nhưng không hiệu quả. Do đất cằn cỗi lẫn sỏi đá nhiều, cỏ dại mọc khiến chị nhổ mãi vẫn không hết, hệ thống tưới lắp đặt cũng khá vất vả, tốn kém, lại không trồng lâu dài nên chị nghĩ đến việc thay đổi phương án.
Chị Thảo cho biết: “Vốn là người yêu thích thiên nhiên, cỏ cây nên mình không bỏ cuộc. Động lực lớn nhất của mình chính là muốn có rau củ quả sạch cho gia đình thưởng thức và con ăn dặm nên vợ chồng mình quyết tâm chuyển đổi vườn cỏ trên mái thành vườn rau. Đồng thời, mình tận dụng đất, vỉ nhựa thoát nước, vải địa giữ đất của mái cỏ và đóng thêm thùng gỗ để trồng rau, làm giãn gỗ, trẻ cho họ cây leo…”
Với khoảng sân thượng rộng khoảng 100m2, trừ phần diện tích cầu thang và bồn chứa nước, các đường ống kỹ thuật, diện tích đi lại khoảng 30m2, còn lại là khu vườn mơ ước bấy lâu của chị Thảo.
Vợ chồng chị bố trí một giàn thép để trồng nho và dự định trồng các giống cà chua leo vô hạn như bạch tuộc. Phía dưới chị dự định đặt bàn ghế để ngắm vườn, kết hợp với các thùng gỗ trồng dâu tây chịu nhiệt khoảng 30m2. Phần còn lại khoảng 40m2 trồng rau củ và các loại dây leo.
Hiện tại chị Thảo ưu tiên trồng các loại rau quen thuộc, thu hoạch quanh năm như rau dền, rau mùng tơi, rau muống, cải bó xôi, kết hợp trồng thêm các loại cây dây leo như bầu, bí đỏ, bí đao, mướp đắng, mướp táo, mướp hương…, các loại dưa vào mùa nắng như dưa leo, dưa lưới, dưa lê, dưa lê đốm…
Chị còn trồng thêm một vài loại củ quả chịu nhiệt tốt như cà chua, củ cải, su hào, cà rốt… cho bé ăn dặm. Vào mùa mưa, chị sẽ đổi trồng dưa sang trồng các loại rau củ quả ưa thời tiết mát mẻ như bắp cải, súp lơ, cà rốt…
Theo kinh nghiệm của chị Thảo, chị cố gắng trồng cây thuận tự nhiên, theo thời vụ với từng loại rau củ. Sau một thời gian trồng trọt, chị thường cố gắng bám sát 4 yếu tố được đúc kết từ ông bà: “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” để có được khoảng sân thượng tươi tốt, luôn thu được quả ngọt.
Với yếu tố nước, mầm sống cần đủ nước nhưng cũng cần lưu ý thoát nước tốt. Vì thế chị Thảo chọn đất tơi xốp. Chị thường trộn đất vườn 50%, 30% chất tạo độ xốp như tro trấu hun, xơ dừa đã qua xử lý, vỏ đậu/lạc xay, 20% phân (phân bò ủ hoai, phân trùn quế, phân gà…), một ít vôi bột hoặc bột canxi hữu cơ (vỏ trứng, bột xương cá…).
Chị Thảo cũng dựa vào chủng loại, nhu cầu phát triển của cây để chọn phân bón thích hợp. Ví dụ rau ăn lá, chị ưu tiên phân đạm giúp lá quang hợp. Đạm có nhiều trong phân bò, phân trùn quế, phân gà, phân dơi, phân dê, bánh dầu, cám gạo, bột đậu tương…
Chị còn bổ sung lân để phát triển bộ rễ, hút chất dinh dưỡng nuôi cây (có nhiều trong tro bếp củi, trấu hun, lân vi sinh…) và kali giúp cây ra hoa, đậu quả, nuôi quả và tạo độ ngọt. Kali có nhiều trong các loại phân hữu cơ như tro trấu, xơ dừa, thân cây chuối, trái chuối chín, thân cây hoa dã quỳ…
Cây ăn quả được chị tăng cường thêm canxi hữu cơ từ vỏ trứng, phân đậu tương, bột từ xương cá… Đồng thời, các loại cây và rau cũng cần thêm nguyên tố vi lượng như Fe, Cu, Mg… để đạt chất lượng cao, tăng chất lượng hoa và khả năng đậu quả.
Yếu tố “tam cần” cũng được chị Thảo chú trọng. Chị thường xuyên chăm bón, cắt tỉa, trồng đúng theo kỹ thuật mỗi loại cây. Ví dụ dưa leo tự thụ phấn thì chỉ nuôi 1 nhánh chính, cắt tỉa các nhánh phụ để cây tập trung nuôi quả…
Cà chua sinh trưởng vô hạn cũng sẽ để cây một nhánh chính, cắt tỉa các chồi nách, còn cà chua sinh trưởng hữu hạn lại không cắt tỉa, để nhiều nhánh giúp cây ra nhiều hoa, nhiều quả… Mỗi loại cây có kỹ thuật khác nhau, ưu tiên trồng theo vụ mùa và kết hợp kỹ thuật phù hợp để đạt năng suất cao nhất.
Và quan trọng là khâu đất phải sạch, có thể trộn đất với vôi, bột đậu tương, cám gạo,… trong 2 tuần để diệt mầm bệnh rồi trộn các chế phẩm sinh học như Tritrodema, nấm 3 màu (xanh, tím, trắng), men vi sinh để giúp phân hủy phân hữu cơ dễ dàng hơn và tạo các vi sinh vật có lợi giúp cải tạo đất. Đất khỏe sẽ kháng bệnh tốt.
Ngoài ra, chị Thảo lưu ý có thể phun thêm dầu neem oil (dùng không cần cách ly) để phun phòng bệnh cho cây, và có thể tìm trên mạng làm các chế phẩm sinh học từ gừng, ớt, tỏi, rượu để phòng trị bệnh.
Bên cạnh đó, chị ưu tiên phòng, vì rau củ thời gian sinh trưởng ngắn nên khi đã bệnh thì khó trị và nếu trị được cây cũng kém năng suất hơn rất nhiều.
Về “tứ giống”, chị Thảo chọn giống tốt, sinh trưởng và kháng bệnh cao, cho năng suất và sản lượng nhiều. Đặc biệt là giống không biến đổi ren, không MGO, nên chọn các giống F1 chuẩn từ các nhà vườn, chỗ bán có uy tín. Không nên để lại giống trồng tiếp cho vụ sau vì giống của mình để lại thì năng suất và kháng bệnh sẽ kém hơn, tốn thời và công sức nhiều nên cố gắng đầu tư giống chất lượng.
Hàng ngày, chị Thảo thường dành khoảng 1 – 2 giờ để chăm sóc khu vườn vào sáng sớm và chiều mát. Vì bận rộn chăm sóc con nhỏ nên chị thường tranh thủ lúc con ngủ hoặc lúc rảnh rỗi để lên vườn chăm bón hoặc cũng có khi thắp đèn buổi tối hay kết hợp cả nhà lên chơi, thu hoạch, vừa ngắm vườn vừa tỉa cây, tưới nước…
Ngoài sân thượng, chị Thảo còn tận dụng ban công trồng dưa vào mùa hè. Dự định đến mùa mưa chị sẽ đổi sang trồng cà chua kết hợp các loại cải (bắp cải, su hào, cải thảo, kale,…).
Vợ chồng chị cũng đang làm thêm vườn bên nhà vì dịch bệnh kéo dài, việc mua thực phẩm khó khăn, đặc biệt là mua rau sạch rất khó nên mở rộng diện tích trồng giúp đa dạng các loại rau củ, có dư để biếu tặng hàng xóm, anh chị em, bạn bè thân thiết.
Chị còn có kế hoạch làm một vườn gia vị nhỏ bên hố cát của con trai vì ít đi chợ và bận con nhỏ nên luôn có sẵn những loại gia vị để thuận tiện chế biến các món ăn gia đình.
Khu vườn mát xanh ai ngắm cũng vô cùng thích thú.
Trước khi làm vườn chị Thảo khuyên mọi người nên lưu ý đến việc tính toán tải trọng của đất cũng như đồ đạc đặt lên sàn, tính toán kết cấu cho ngôi nhà để tránh việc trồng nhiều gây nguy hại đến sự an toàn của ngôi nhà.
Khi làm vườn trên sân thượng, chị Thảo lưu ý vấn đề thoát nước, chống thấm cho sàn phải tốt. Khi đóng thùng chậu cần làm chân cao ít nhất 20cm để có thể vệ sinh sàn dễ dàng, tạo độ dốc sàn và làm các ống thoát nước càng to càng tốt.
Nếu có điều kiện có thể làm nhà lưới, nhà màng để giảm sâu bệnh, trồng sân thượng nên phải lưu ý vấn đề thụ phấn cho cây, vì ong bướm sẽ ít bay lên.
Theo kinh nghiệm của chị, nếu sân thượng ở tầng cao quá thì có thể không có ong bướm nên cố gắng lên thụ phấn, thời điểm thích hợp để thụ phấn tùy vào loại cây, thường thì 8-10h, riêng với bầu thì lại vào 18-20h tối.
Sau một thời gian vất vả vận chuyển đất cũng như các nguyên vật liệu, phân bón vất vả cũng như chọn giống, gặp thất bại trong thời gian đầu, khu vườn hiện tại vừa cung cấp rau quả sạch cho gia đình, vừa là nơi thư giãn cho cả nhà, giúp các thành viên trong gia đình thêm gắn kết, giúp các bé trải nghiệm những điều thú vị từ thiên nhiên.
Cũng nhờ làm vườn, chị Thảo học được những bài học từ việc ươm cây con, nhận biết các giống rau củ, rồi trồng cây theo mùa, thuận theo tự nhiên, các bài học về ủ phân hữu cơ như phân rác, phân đậu tương, phân chuối, phân trứng sữa,…
Dù vất vả và bỏ ra nhiều công sức nhưng cũng nhờ khu vườn, vợ chồng chị Thảo thêm gắn kết, thêm yêu thương nhau và sống có trách nhiệm hơn với bản thân, con cái và mọi thứ xung quanh.
Nguồn ảnh: NVCC
Mộc Hương