(Tổ Quốc) - Chuyện khó tin nhưng Sơn bị vợ bạo hành là có thật, không phải vì Sơn yếu ớt không đủ sức chống trả mà chỉ vì một câu nói mẹ dạy...
Sự đau khổ của người đàn ông bị vợ bạo hành
Từ nhỏ mẹ Sơn luôn dạy rằng đàn ông phải tôn trọng phụ nữ, nói không với việc bạo hành phụ nữ. Mẹ anh bảo: “Con hãy nhớ nhé, dù có chuyện gì xảy ra cũng không được đánh phụ nữ dù chỉ là một cành hoa. Mình là đàn ông sức dài vai rộng, đánh phụ nữ là việc đê hèn”. Sơn thấm thía điều đó.
Tuy nhiên, lúc lớn lên Sơn lại gặp phải 1 cô vợ ghê gớm, ngoài những lời nói cay độc vợ Sơn còn thường khuyến mại những cú bạt tai, những cú đánh điếng người. Có hôm, Sơn cáu quá định giơ tay lên đánh trả thì cô ta giương mắt lên: “Không được đánh phụ nữ dù chỉ là 1 cành hoa”, Sơn lại hạ tay xuống với nỗi bất lực ghê gớm bởi nỗi uất ức này được xây từ một chuỗi những uất ức khác.
Anh tự nghĩ bé thì mẹ bảo “Con trai không được khóc” cuối cùng thì tức lắm, đau lắm cũng không dám khóc. Đến khi có em thì người ta bảo “Làm anh thì phải nhường em” nên bao nhiêu chuyện vô lý cũng nín nhịn vì mình đã lớn hơn lại là con trai. Lớn hơn 1 chút, người ta lại nói “Đàn ông phải là trụ cột gia đình” làm Sơn gồng lên làm kinh tế, làm việc nặng nhọc lắm lúc cảm thấy muốn tắc thở mà không dám kêu ai.
Cũng có lúc Sơn yếu đuối, nhưng không dám than phiền, không dám tỏ ra mệt mỏi, hội bà tám như đàn bà càng không có, bao nhiêu nỗi bực dọc, khó chịu Sơn cũng ôm trong lòng.
Hóa ra, người ta luôn kêu gọi đấu tranh nữ quyền, nhưng đàn ông như Sơn uẩn ức từ nhỏ đến lớn đều phải cam chịu. Đến giờ bị vợ đánh cũng không dám “trả miếng” dù cũng biết tức giận, biết khó chịu y như đàn bà, chỉ vì mình là đàn ông sức vóc to khỏe hơn mà xuống tay là ngay lập tức bị coi là loại đàn ông đê tiện. Sơn đã từng nghĩ đến chuyện ly hôn vì nói ra thì cay, nhưng Sơn đã bị vợ bạo hành bằng tinh thần bằng thể chất đó là sự thực.
Em gái Sơn mẹ cho học võ từ nhỏ. Vì vậy, khi bị một gã tấn công, cô em về kể màn “hạ gục” chồng mà cả nhà coi như 1 nữ anh hùng: “Đúng lắm con, phải cho nó 1 bài học”. Sơn cũng mừng vì em gái có khả năng tự vệ để không ai có thể bắt nạt. Nhưng bất giác anh nghĩ “Mình bị phụ nữ tấn công thì sao?”, cành hoa cũng không dám dùng để đánh lại thì anh phải làm gì? Chẳng lẽ dù có chuyện gì xảy ra, có nghĩa là ngay cả khi phụ nữ là người tấn công trước thì đàn ông cũng phải cho qua?
Sơn nghĩ, câu nói từ mẹ đến vợ đều nhắc "Không được đánh phụ nữ dù chỉ là một cành hoa" tưởng vô cùng chí lý để nói rằng phụ nữ phải được nâng niu, để giáo dục đàn ông không được bạo hành với phụ nữ, điều đó là đúng và ai cũng đồng tình. Nhưng, câu nói nguyên gốc là "Dù có chuyện gì xảy ra, không được đánh phụ nữ dù chỉ bằng một cành hoa" thì có phải nam giới đang bị mất đi quyền được phản kháng, quyền được tự vệ không?
Nam quyền đang bị bỏ quên?
Câu nói quen thuộc với bao nhiêu người: “Dù có chuyện gì xảy ra, cũng không được đánh phụ nữ dù chỉ bằng một cành hoa” để bảo vệ phụ nữ nghe thì vô cùng chính đáng, nhưng dưới góc câu chuyện của Sơn thì thành một sự phi lý thực sự.
Câu hỏi này khiến nhiều người thức tỉnh vì dường như người ta cho rằng nữ giới là phái yếu, là đối tượng cần bảo vệ và chỉ tập trung cho nữ giới mà khiến cho nam giới là đối tượng bị bỏ quên trong phong trào đấu tranh bình đẳng giới.
Nếu đã gọi là bình đẳng tức là nam và nữ đều có quyền như nhau. Vậy tại sao, một người phụ nữ trả đòn lại gã đàn ông bạo lực được coi như nữ anh hùng. Còn đàn ông khi bị tấn công lại chỉ được phép… mỉm cười. Kể cả cái ý nghĩ theo cách: “Đàn bà không chấp” cũng đâu phải là 1 sự tôn trọng phụ nữ.
Sơn không mong sửa lại câu nói này để đánh lại được vợ, nhưng...
Nhớ lại gần đây chàng ca sĩ X. xuất hiện gần đây với mái tóc dài, làn da trắng và môi đỏ bị hàng loạt những lời chê bai, có chút kỳ thị người ta gọi là “X công chúa”. Người ta không chấp nhận 1 hình ảnh của nam ca sĩ lại xuất hiện có dáng vẻ nữ tính. Thế nhưng, ngược lại 1 cô gái ăn mặc kiểu menswear lại được cho rằng là cá tính, chất chơi.
Nếu một người đàn ông tấn công một phụ nữ, cô ấy sẽ được dạy rằng đánh vào chỗ hiểm, dùng bất kỳ thứ vũ khí nào quanh mình để trả đòn. Nhưng nếu phụ nữ tấn công, đàn ông ư, chưa có lời khuyên nào được đưa ra. Nếu có chăng chỉ là… đừng chấp phụ nữ.
Khi có chuyện đau buồn phụ nữ được nói rằng: “Hãy khóc đi cho vơi nỗi buồn”. Nhưng đàn ông thì lại được nói rằng: “Mình là đàn ông mà, mạnh mẽ lên”. Tương tự chuyện này, 1 bé trai sẽ được dạy rằng: “Đàn ông con trai ai lại khóc”. Nhưng 1 bé gái khi khóc sẽ được cho là rất đáng thương.
Đàn ông được gán cho cái mác “phái mạnh” và cuối cùng họ cứ phải gồng lên trong mọi trường hợp để không bị cho rằng đàn ông là bất tài vô dụng. Đàn ông bị gắn mác là trụ cột gia đình, nên ước muốn của họ là được yếu mềm như đàn bà cũng không thể. Trong khi cảm xúc trong họ cũng chỉ là 1 con người bình thường.
Đàn ông cũng bị coi là trụ cột kinh tế vì vậy nếu anh kiếm tiền chỉ ở mức nhàng nhàng sẽ bị gọi là bất tài vô dụng. Điều này không xảy ra với phụ nữ vì đàn bà được phép an phận thủ thường.
Phụ nữ dù luôn đòi bình đẳng trong mọi chuyện, thậm chí là được ưu tiên khi xếp hàng, ghế ngồi trên xe bus… nhưng họ chính là người mở miệng ra là nói: "Anh là đàn ông mà lại cư xử như vậy", rồi lại "Anh là đàn ông chấp gì đàn bà?", hoặc “Đàn ông gì mà căn ke như đàn bà”. “Loại đàn ông mặc váy”...
Rất nhiều, những ngôn từ khác mà dường như phụ nữ đã cướp đi quyền được yếu đuối, quyền được khóc, quyền sống đúng là phần con người có yếu đuối, có thể gục ngã đầy bản năng.
Hãy trả lại cho đàn ông quyền được khóc, quyền được yếu đuối... rất con người
Không phải vô cớ nữ quyền được nói tới, nó hoàn toàn chính đáng vì phụ nữ vẫn còn bị bạo hành ở nhiều nơi trên thế giới. Vì họ phải chịu những định kiến của việc “là phụ nữ thì phải..” với nhiều thiệt thòi, nhưng nữ quyền cũng chỉ nhắm tới sự bình đẳng về giới, quyền được ngang hàng, chứ không phải để đàn bà có cơ lấn lướt đàn ông.
Hãy hiểu đàn ông cũng như phụ nữ họ có quyền được khóc khi buồn, quyền được mệt mỏi, quyền được làm đẹp thậm chí yểu điệu như họ muốn...
Nhiều số liệu đã chỉ ra rằng không ít nam giới gặp các vấn đề tâm thần như trầm cảm, lo âu vì mang trong mình những trọng trách của "phái mạnh". Trong khi đó họ không có hội "bà tám" để xả stress vì ai cũng nghĩ rằng đàn ông là phải kiên cường, bất khuất hoặc sống đơn giản nên các nỗi buồn chôn chặt trong lòng. Như vậy dường như trong cuộc đấu tranh bình đẳng giới, nam giới có lẽ đã bị... bỏ quên.
TS tâm lý học Khuất Thu Hồng đã từng nói: "Đã đến lúc chúng ta phải dành cho nam giới sự quan tâm mà lẽ ra họ được nhận từ lâu, cần có những sáng kiến để lôi cuốn nam giới cùng làm việc với phụ nữ và các giới khác, cùng thay đổi quan niệm xưa cũ để được bình đẳng, hạnh phúc hơn. Mọi người được là chính mình trong một xã hội khoan dung, chấp nhận sự đa dạng, cân bằng".
Việc những tư tưởng cũ cho rằng đàn ông phải mạnh mẽ có vẻ làm cho họ trở nên cứng rắn bên ngoài, nhưng bên trong họ có ổn hay không thì chưa thực sự được quan tâm. Trong khi đó nam giới cũng như nữ giới thực ra vẫn cần được giải tỏa những áp lực trong cuộc sống, được chia sẻ và thấu hiểu.
Muốn bình đẳng giới, muốn nữ quyền thì cũng cần quan tâm đến quyền của nam giới bởi bình đẳng giới là sự tham gia của tất cả các giới, không chỉ của riêng phụ nữ.
Gần đây người ta đã nói đến thuật ngữ "nữ quyền độc hại" khi cho rằng phong trào nữ quyền đã có những biến tướng kiểu thượng đẳng. Song thực tế, nữ quyền vẫn cần được nhắc tới.
Nhưng...
Cách trả lại cho đàn ông những quyền con người như họ vốn có cũng là một con đường để khẳng định phụ nữ tự tin sánh vai ngang hàng đàn ông.
Cách để đòi bình đẳng giới cho nữ giới có lẽ không chỉ là hình thức theo kiểu phụ nữ có quyền bỏ áo ngực hoặc hô vang khẩu hiệu không cần đàn ông thì phụ nữ vẫn sống tốt...
Mà còn là cả cách trả cho đàn ông ngay cả quyền yếu đuối rất đỗi con người.
ĐX