Nỗi lòng nhân viên nuôi “bạch hổ” trong Thảo Cầm Viên ngày Tết, có người hơn chục năm chưa được đón Tết cùng gia đình

(Tổ Quốc) - Trong khi nhà nhà đang tất bật sum vầy đón Tết, thì tại Thảo Cầm Viên, những người chăm sóc động vật vẫn miệt mài làm việc. Đối với họ, niềm ao ước có được một cái tết đoàn viên là điều xa xỉ. Cũng chính vì thế, họ lấy tình yêu nghề, tình yêu của các loài thú để làm niềm vui, niềm động lực cho những ngày xuân năm mới này.

Có mặt tại khu chăm sóc thú dữ ở Thảo Cầm Viên, anh Huỳnh Thế Hùng, 42 tuổi nhân viên sở thú đang tất bật dọn dẹp chuồng trại và chuẩn bị thức ăn cho bạch hổ.

“Hằng ngày, cứ đúng 6h30 tôi phải vào khu chuồng trại để kiểm tra vệ sinh và sức khỏe của động vật. Loài hổ ở đây đã quen với tôi rồi, nên chỉ cần tôi gọi tên là nó chạy tới ngay. Chúng do tay tôi chăm sóc nên thân thiện lắm, như người thân của mình vậy á. Cứ mỗi ngày tôi chuẩn bị khẩu phần ăn gồm thịt bò, gà, heo… khoảng 5kg là đủ”, anh Hùng cho biết.

Nỗi lòng của nhân viên nuôi “bạch hổ” trong Thảo Cầm Viên ngày Tết Nhâm Dần, có người hơn chục năm chưa được đón Tết cùng gia đình - Ảnh 1.

Tại đây, có tổng cộng 8 con hổ, trong đó có 4 con hổ trắng quý hiếm được cho ăn theo khẩu vị, chăm sóc từ bộ lông, cơ bắp đến từng móng vuốt. Trước khi cho bạch hổ dùng bữa, anh Huỳnh dọn vệ sinh chuồng cọp ở giữa sở thú. Bên trong chuồng rộng hơn 200 m2 là 2 chuồng ép rộng chừng 10 m2 để nhốt hổ. Chuồng này có hai con hổ trắng được đặt tên là Đực và Cái.

Trước khi nhận việc chăm sóc loài thú hung dữ nhất ở sở thú, anh Huỳnh phải trải qua quá trình huấn huyện gần nửa năm. Song lần đầu tiên bước vào chuồng, nghe tiếng hổ gầm khiến anh sợ hãi "mất ăn mất ngủ", xin nghỉ việc. 

“Lần đầu tiên vào đây chăm sóc hổ, tôi khá sợ vì đây là loài hung dữ. Nhưng qua nhiều lần tiếp xúc, tụi nó tỏ ra rất thân thiện nên mình càng quý nó hơn.”, anh Hùng nói. 

Nỗi lòng của nhân viên nuôi “bạch hổ” trong Thảo Cầm Viên ngày Tết Nhâm Dần, có người hơn chục năm chưa được đón Tết cùng gia đình - Ảnh 3.

Hai con hổ trắng này năm nay được 7 tuổi có bộ lông trắng ngần xen lẫn vằn màu đen, dài hơn 2 m, nặng 200 kg. Khi cho hổ ăn, nhân viên chăm sóc phải rất cẩn thận. Khác với những loài động vật có thể tiếp cận đụng chạm vào cơ thể, để huấn luyện hổ biết nghe lời, người nuôi phải tạo cho chúng các phản xạ có điều kiện như: nghe tiếng mở cửa, tiếng gọi tên là biết chạy vô chuồng để được cho ăn.

“Khác biệt là chú cọp hung dữ mình phải cẩn thận và không được sơ sẩy điều gì để ảnh hưởng tới mình và người khác. Khi mà chúng lên giống thì gầm gừ, giận dữ mình không nên tiếp xúc chúng nhiều, để chúng có sự thoải mái. Tôi đang lên giống tầm 1,5 tháng – 2 tháng rồi nhưng vẫn chưa có tin vui. Tôi hy vọng năm con cọp những chú cọp tôi nuôi sẽ sinh những chú cọp con cho năm dần.”, anh Hùng cười nói. 

Nỗi lòng của nhân viên nuôi “bạch hổ” trong Thảo Cầm Viên ngày Tết Nhâm Dần, có người hơn chục năm chưa được đón Tết cùng gia đình - Ảnh 5.

So với hổ có màu da cam thông thường, hổ trắng lúc mới sinh và trưởng thành kích thước lớn hơn. Chúng là một biến thể gen của loài hổ Bengal màu cam nổi tiếng. Hổ con Bengal chào đời chỉ có màu trắng khi cả bố và mẹ đều mang gen hiếm và tỷ lệ trong tự nhiên là 1/10.000 ca sinh.

Trong số 4 con hổ trắng, có hai con được sinh ra tại sở thú. Năm 2015, cặp hổ trắng tên Lem và Luốc đã đẻ 3 con hổ con nặng từ 3,6-4,1kg. Là người chăm sóc chúng từ lúc lọt lòng tới nay, chị Nguyễn Phạm Minh Phương, Tổ trưởng tổ thú dữ được coi là "mẹ đỡ đầu" của bầy hổ. Hàng ngày, chị phải quan sát màu lông, da, cơ bắp của chúng để đoán bệnh. 

“Ban đầu tiếp xúc với tổ thú dữ thì mình cũng lo lắng vì có nhiều loài động vật nguy hiểm. Khi tiếp nhận chăm sóc thú dữ thì công tác an toàn lên hàng đầu và thực hiện đúng quy trình chăm sóc. Hiện tại Thảo Cầm Viên đang chăm sóc và bảo tồn 8 cá thể hổ, mỗi con sẽ có những đặc điểm khác nhau. Có con rất trầm tính, có con rất nghịch và tăng động. 

Mình phân biệt qua vóc dáng bên ngoài như chiều cao, lông, da… tiếp xúc thường xuyên mình sẽ nhận dạng ra được. Hổ cũng rất ít bệnh, chúng rất khỏe, việc chăm sóc hổ chủ yếu chú ý đến vệ sinh chuồng trại sạch để trách ký sinh trùng, thức ăn cho hổ phải đảm bảo dinh dưỡng để chúng sinh trưởng tốt”, chị Phương chia sẻ thêm.

Nỗi lòng của nhân viên nuôi “bạch hổ” trong Thảo Cầm Viên ngày Tết Nhâm Dần, có người hơn chục năm chưa được đón Tết cùng gia đình - Ảnh 6.

Hơn chục năm nuôi chúa sơn lâm là cũng ngần ấy năm chị Phương không gần gia đình vào dịp Tết nguyên đán. Đôi lúc nhắc chị Phương cũng chạnh lòng nhưng với tình yêu nghề, tình yêu động vật đã giúp chị vơi đi nỗi buồn.

“Anh em ở đây toàn bộ hầu như không được nghỉ tết, phải trực liên tục để đảm bảo thú không bị bỏ ăn. Hằng ngày mọi người đều vào làm vệ sinh đến chiều ngày 30 được nghỉ và sáng mùng 1 tết lại tiếp tục làm suốt. Ở đây như ngôi nhà thứ 2 của mình, có những người xa quê thì phải cố gắng sắp xếp về trước tết hoặc sau tết, vì yêu nghề nên ai cũng cảm thấy không còn gì tủi thân”, chị Phương bộc bạch.

Được biết, Bạch hổ nằm trong tứ tượng cùng với: Thanh Long, Chu Tước, Huyền Vũ, là sinh vật thần thoại có ý nghĩa tâm linh và tôn giáo phổ biến ở các quốc gia trong vùng văn hoá Đông Á. Trong 12 con Giáp, hổ ứng với tuổi Dần tượng trưng cho sức mạnh và sự uy linh, chống lại tà ma. Hiện, tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên xếp hổ vào nhóm có nguy cơ bị tuyệt chủng.

ĐẶNG TUYẾT

Tin mới