(Tổ Quốc) - Họ được xem là những người đầu tiên cùng các y bác sĩ trên tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19. Thế nhưng, nhiều người cũng đang trên bờ vực kiệt sức không phải ai cũng hiểu.
Trong giấc mơ của mình, Liu Xuqing đã mơ thấy mình hét lên với hàng xóm. Đêm này qua đêm khác, cô đã không thể giữ được bình tĩnh và hét lên vì người dân bỏ qua việc phòng dịch, không chịu đeo khẩu trang và phá vỡ hàng loạt quy tắc khác được thiết kế để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
"Con gái tôi bảo rằng nó nghe thấy tiếng tôi la hét trong mơ: ‘Tôi đã bảo là đừng ra ngoài cơ mà, đi vào ngay’. Lúc đó tôi nhận ra được sự tuyệt vọng với bất cứ ai trong những ngày này. Tôi đã tự trút giận vào giấc mơ của mình", cô Liu chia sẻ.
Người phụ nữ 40 tuổi này đã bị mất ngủ và căng thẳng trong nhiều tuần sau khi được giao nhiệm vụ thi hành các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt của chính quyền Trung Quốc tại khu phố Huanggu - một cụm các khu dân cư ở phía Bắc thành phố Thẩm Dương.
Là người đứng đầu ủy ban dân cư Huanggu, cô Liu chịu trách nhiệm theo dõi hơn 10.000 cư dân bao gồm việc kiểm tra nhiệt độ, kiểm tra lịch sử họ vào và rời khỏi khu, đảm bảo rằng những người bị cách ly phải được quản lý chặt chẽ cùng một số những nhiệm vụ khác.
Cô Liu đảm nhận công việc này từ cuối tháng 1 và ngày đêm làm việc miệt mài. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng nhiều thành viên ủy ban dân cư như cô Liu đang có dấu hiệu kiệt sức vì phải làm việc trong thời gian dài và áp lực liên tục gây ra thiệt hại về sức khỏe tinh thần đáng kể.
Cô Liu làm việc từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối, làm liên tục 7 ngày một tuần trong vòng 2 tháng nay. "Thật sự rất kiệt sức. Tôi không thể nghỉ ngơi sau khi về nhà. Tôi gọi điện thoại suốt 24 tiếng mỗi ngày khi có trường hợp khẩn cấp".
Công việc này ngày càng trở nên căng thẳng và áp lực hơn khi nhiều người dân phẫn nộ về nguyên tắc phòng dịch. Mâu thuẫn thường xuyên xảy ra, hàng xóm xung quanh cô Liu mỗi người mỗi ý.
"Chúng tôi thường bị mọi người mắng khắt khe, không cho họ đỗ xe vào những chỗ không được đỗ - những chỗ vốn dĩ là của họ. Họ tranh cãi với chúng tôi vì họ không chịu đeo khẩu trang và nằng nặc đòi ra ngoài khi họ không được phép làm điều đó. Mọi người đều không giữ được bình tĩnh khi dịch bệnh kéo dài", cô Liu trải lòng.
Tại Taiyuan, một thành phố ở miền Trung Trung Quốc, một người đàn ông đã đạp xe và đánh thành viên ủy ban dân cư bằng một chai nước khử trùng sau khi bất đồng quan điểm. Tại Dalian, một thành phố cách Thẩm Dương 400km, có người đàn ông vứt túi phân động vật lên bàn để chống đối.
Những mâu thuẫn này thường xuyên xảy ra. Theo luật, bất kỳ ai trở về từ khu vực tâm dịch như Vũ Hán hoặc Ôn Châu đều phải tự cách ly trong nhà hoặc cách ly ở khách sạn được chỉ định trong vòng 14 ngày. Nhưng cô Liu nói rằng có một số người vẫn cố gắng về nhà hoặc trốn ra khỏi khu dân cư.
"Không phải ai cũng chịu cách ly tại khách sạn, vì vậy có những người đã nói dối. Chúng tôi phải lắng nghe tiếng ồn trong nhà và hỏi hàng xóm xung quanh để tìm hiểu xem họ có nói thật hay không", cô Liu nói về công việc mệt mỏi của mình.
Sự căng thẳng của việc quản lý khối lượng công việc khổng lồ và kiểm soát dịch Covid-19, chưa kể đến nỗi sợ bị nhiễm bệnh đã khiến cô Liu mất ngủ nhiều đêm liền. Các tổ chức từ thiện về sức khỏe tâm thần đã báo cáo số lượng nhân viên của ủy ban dân cư đến đây tìm sự tư vấn đã tăng mạnh trong vài tuần gần đây.
Zhang Gaoyang, một tình nguyện viên tại Shiyu Xinli, phụ trách đường dây nóng tư vấn ở Thẩm Dương cho biết: "Chúng tôi đã nhận được rất nhiều cuộc gọi từ các nhân viên ủy ban dân cư về sự căng thẳng trong công việc của mình kể từ đầu tháng 2. Họ là những người có thể gặp khó khăn trên chiến tuyến. Các nhân viên thường nói với chúng tôi rằng, họ tiếp xúc gần gũi với nhiều người tại nơi làm việc và sợ sẽ lây nhiễm cho gia đình họ".
Wu Kankan, một chuyên gia về sức khỏe tâm thần tại Học viện Khoa học Trung Quốc nói rằng, các nhân viên làm việc ở ủy ban dân cư đặc biệt dễ bị tổn thương vì họ được yêu cầu phải chăm sóc người khác thay vì đặt sức khỏe của mình lên hàng đầu.
Wu nói rằng: "Những người này có nguy cơ bị kiệt sức trong công việc và cần sự can thiệp tâm lý tích cực. Tuy nhiên điều này hơi khó khăn bởi đơn giản họ không có thời gian để tìm sự giúp đỡ".
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, kiệt sức trong công việc đặc biệt trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 như hiện nay có thể khiến các nhân viên kiệt sức về mặt cảm xúc, họ sẽ tự thấy rằng những điều mình làm đều vô dụng và có thái độ tiêu cực với công việc.
Chính quyền Trung Quốc dường như nhận thức được mức độ nghiêm trọng của tình hình. Vì vậy, vào ngày 3/3 vừa qua, chính quyền trung ương đã lệnh cho các cơ quan chức năng đưa ra các biện pháp hỗ trợ tinh thần cho nhân viên ủy ban dân cư bao gồm việc đảm bảo họ được nghỉ ngơi trong nhiều ngày, làm việc theo ca trực…
Xu Xinyue, một tình nguyện viên cố vấn đường dây nóng làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết, những khó khăn mà nhân viên ủy ban dân cư chịu đựng có xu hướng nghiêm trọng hơn những người khác. "Tôi đã nghe nhiều câu chuyện về những người làm việc trong khu dân cư. Họ bị chỉ trích hoặc bị đổ lỗi một cách không công bằng cho những việc họ đã làm hoặc có thể làm", cô Xu chia sẻ.
Theo Xu, sự tích tụ của những cảm xúc tiêu cực như giận dữ và thất vọng lâu ngày sẽ trở thành nguồn gốc của sự lo lắng và căng thẳng. Một số người nói rằng họ rất buồn vì đã giữ trẻ trong hơn một tháng và không biết khi nào dịch bệnh chấm dứt. Tuy nhiên, sâu thẳm trong tâm trí, họ đã tiết lộ tất cả cảm xúc bị đè nén.
Theo các chuyên gia sức khỏe tâm thần, các nhân viên cộng đồng ít có khả năng mắc chứng rối loạn căng thẳng kéo dài khi làm việc trong thời gian này, trừ khi họ hoặc người thân bị nhiễm bệnh. Những người này vẫn sẽ được hỗ trợ tư vấn tâm lý để vượt qua giai đoạn căng thẳng nào đó. "Họ biết họ là một phần của tổ chức lớn trong trận chiến này. Họ tin rằng họ sẽ không chiến đấu một mình", chuyên gia Wu nói.
Quay về tình trạng của cô Liu, người đứng đầu ủy ban dân cư Huanggu. Cô đã gọi điện thoại cho đường dây nóng tại Shiyu Xinli cách đây vài tuần và được nghe tư vấn tâm lý. Họ cho cô một không gian để giải tỏa cảm xúc và gợi ý những cách cần thiết sau giờ làm việc như xem video thư giãn trước khi đi ngủ, nghe nhạc êm dịu.
"Dù công việc này vô cùng áp lực và căng thẳng, nhưng tôi sẽ không từ bỏ vì lý do gì đi nữa", cô Liu khẳng định.
(Nguồn: Sixthtone)
Jia You