(Tổ Quốc) - Dù vấn đề là gì thì bạn cũng cần biết nguyên nhân gốc rễ để giải quyết triệt để, trong chuyện nợ thẻ tín dụng cũng thế!
Thẻ tín dụng không còn là thứ gì đó xa lạ trong cuộc sống của những người trẻ. Trong 1 số trường hợp được sử dụng đúng cách - tần suất vừa phải, nó rất tốt. Nhưng nếu không, bạn sẽ vô tình trở thành "con nợ thẻ tín dụng" từ lúc nào không hay.
Đương nhiên, nhìn ngoài có thể bạn vẫn đang ổn thôi, nhưng nếu có những dấu hiệu dưới đây thì có lẽ đã đến lúc bạn cần cân đối lại tài chính và chi tiêu để tránh rơi vào tình trạng khốn khó rồi.
Bài viết này sẽ giúp bạn chỉ ra tình trạng "báo động đỏ" và cách giải quyết nhanh-gọn-lẹ, đơn giản nhưng cực hiệu quả. Tuy nhiên, bạn cần thực hiện với tinh thần nghiêm túc và tỉnh táo nhất nhé!
1. Sử dụng thẻ tín dụng hàng tháng
Ngay cả khi thẻ tín dụng được dùng nhiều trong cuộc sống ngày nay, nhưng việc dùng có chủ đích (áp dụng ưu đãi, khuyến mãi...) với việc bắt buộc phải dùng vì không đủ tiền xoay xở cho các nhu cầu thiết yếu hoàn toàn khác nhau.
Và đây có lẽ là dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy tài chính của bạn đang có vấn đề. Nếu kéo dài quá lâu sẽ tạo ra thói quen xấu, các khoản nợ nần ngày càng tồi tệ hơn.
Giải pháp: Ngưng sử dụng thẻ tín dụng
Hành động này bước đầu sẽ rất khó khăn đối với những người nợ thẻ tín dụng 1 số tiền lớn vì nó sẽ buộc bạn phải thắt chặt lại các nhu cầu cơ bản trong cuộc sống xuống hết mức có thể.
Thế nhưng đây lại là lối thoát duy nhất để giúp bạn chấm dứt cảnh nợ thẻ tín dụng, đồng thời cũng giúp bạn kiểm soát chi tiêu.
2. Lương "ting ting" chưa kịp ấm túi đã hết nhẵn không còn 1 đồng
Có lẽ ai rồi cũng sẽ có những lúc như thế này, song nếu nó thường xuyên xảy ra thì tình trạng thiếu tiền trầm trọng đang ở mức "báo động" rồi đấy.
Vòng luẩn quẩn khủng hoảng tài chính khó dứt: vay tiền - lãnh lương - trả nợ hết tiền rồi lại vay thêm là điều sớm hay muộn sẽ xảy đến với bạn. Và những ai đang phải đối mặt với tình cảnh này thì... có vẻ như một cuộc "khủng hoảng" về thu nhập đã đến với bạn rồi.
Giải pháp: Chủ động tìm cách tăng thu nhập
Nếu xét ở góc độ này thì có thể chúng ta đang may mắn hơn thế hệ trước rất nhiều.
Với sự phát triển của mạng xã hội và kinh tế, không ít loại hình công việc để bạn lựa chọn với đủ loại hình thức: từ part-time đến full-time. Do đó, bạn hoàn toàn có thể chọn cách chủ động tìm thêm công việc khác để tăng thêm thu nhập nếu không được tăng lương ở công việc hiện tại.
Ngoài ra, bạn cũng có thể đầu tư hoặc kinh doanh thêm để trả bớt nợ tiêu dùng và tích lũy cho khoản dự phòng.
3. Không thể xử lý các tình huống khẩn cấp
Cuộc đời vốn dĩ chẳng bao giờ toàn là màu hồng và những tình huống khẩn cấp có thể ập đến bất cứ lúc nào. Nếu lúc này bạn buộc phải sử dụng đến thẻ tín dụng thì có lẽ không lâu nữa đâu, bạn có thể rơi vào cảnh khủng hoảng tài chính rồi đấy.
Giải pháp: Lập quỹ dự phòng
Với những người dư dả thì việc lập quỹ dự phòng là điều đương nhiên và chẳng có gì cần e ngại, nhưng những người đang gặp khó khăn tài chính thì tiết kiệm hẳn là điều thực sự rất xa vời.
Thế nhưng, đây lại là cách giúp bạn đảm bảo tài chính trong cả cuộc sống bình thường lẫn khi trường hợp khẩn cấp xảy ra.
Có 1 cách dễ thực hiện hơn cho bạn là hãy làm mọi thứ 1 cách từ từ, tăng dần theo thời gian và không cần bắt ép bản thân phải tiết kiệm được như những gì người khác đã làm.
Nếu đang khó khăn bạn có thể bắt đầu để dành từ mức 50k, 100k/ngày rồi cứ thế tăng dần khi thu nhập đã ổn định hơn. Để kiểm soát và tránh được điều này, phụ nữ Hàn Quốc thường sử dụng "lịch giữ tiền" để tiết kiệm đơn giản, nhanh chóng các khoản tiền nhỏ hàng ngày. Bạn cũng có thể áp dụng thử xem sao nhé!
4. Phân vân trước các hóa đơn thanh toán
Nếu ví tiền mỏng tới mức bạn phải phân vân không biết nên thanh toán hóa đơn nào trước, hóa đơn nào sau thì có lẽ bạn cần giải quyết tình huống này càng nhanh càng tốt.
Đương nhiên, mỗi tháng ai cũng phải làm việc này thôi, nhưng việc chắc chắn bản thân có thể thanh toán các hóa đơn cùng lúc mà vẫn dư ra 1 khoản để chi tiêu hàng ngày là điều bạn phải biết rõ mình đủ khả năng để tài chính không trở nên tồi tệ.
Giải pháp: Cắt giảm ngân sách chi tiêu cho đời sống
Việc cắt giảm ngân sách không có nghĩa là bạn phải sống cuộc sống khốn khó mà là xem lại cách tiêu tiền, cân đối mọi thứ cho hợp lý với thu nhập.
5. Cố gắng đến mấy cũng không đạt được các mục tiêu tài chính
Chưa nói đến các mục tiêu tài chính lớn lao kiểu như: mua nhà, tậu xe hay đủ khả năng để tự do tài chính mà với những người đang khó khăn thì trả hết nợ, tiết kiệm được 1 khoản nhỏ đã là đủ rồi.
Giải pháp: Chia nhỏ mục tiêu theo quý
Bạn sẽ không thể đạt được mục tiêu nếu thu nhập hằng năm chỉ nhỉnh hơn tổng số tiền cần trả cho các khoản nợ. Bởi bạn còn cần 1 khoản cho việc chi tiêu nữa.
Việc chia nhỏ mục tiêu theo quý, không đặt nặng áp lực lên bản thân để dễ dàng hiện thực hóa sẽ đem lại hiệu quả không ngờ cho bạn. Chưa kể, nó còn giúp bạn không bị choáng ngợp bởi tổng nợ quá lớn và thấy nản lòng trước các mục tiêu xa vời.
Lam Anh