(Tổ Quốc) - Được chồng nấu ăn và chăm sóc chu đáo thế này hẳn mẹ bỉm sẽ ấm lòng và hạnh phúc lắm đây.
Để phục hồi sức khoẻ và tinh thần sau khi sinh con, người phụ nữ cần được chăm sóc chu đáo với chế độ dinh dưỡng hợp lý. Lúc này, thực đơn cơm cữ đóng vai trò vô cùng quan trọng, những món ăn ngon không chỉ giúp mẹ bỉm hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng, có nhiều sữa cho em bé mà còn khiến việc ăn uống trở nên dễ dàng, thoải mái hơn.
Với tinh thần ''vợ cứ đẻ đi, cả thế giới để anh lo'', anh Nguyễn Văn Nam (39 tuổi, sống tại Hà Nội) đã nấu những bữa cơm cữ siêu ngon cho vợ là chị Hoài Thương (36 tuổi). Hiện tại, anh Nam và vợ có với nhau 3 người con là bé Tuệ Nhi (10 tuổi), bé Gia Tuệ (3 tuổi) và con út mới sinh cách đây hơn 1 tháng là bé Gia Khang.
Sau khi chị Thương sinh con út, thực đơn cơm cữ của chị do anh Nam đảm nhiệm hoàn toàn. Với nhiều người đàn ông, việc nấu nướng quả thực khá khó khăn, chưa kể bà đẻ có khẩu vị cùng thực đơn cần kiêng cữ nhiều khiến cánh mày râu ''nhăn nhó''. Tuy nhiên, anh Nam đã rất cố gắng để nấu ra những bữa cơm siêu ngon cho vợ mình.
''Vì thích con 3 đứa nên nịnh vợ đẻ đi không hết tuổi, còn thế giới cứ để cho anh. Mẹ tròn con vuông sau 3 ngày ở viện về là bắt đầu vào việc. Chuyện cơm nước từ trước đến nay là chuyện nhỏ cho đến khi vợ ở cữ. Yêu cầu là: loanh quanh chỉ xương, thịt nạc, quả tim, rau củ quả... mà phải nghĩ nấu gì để cho bà đẻ đổi món dễ ăn.
Ơn trời là cứ xào xào, nấu nấu, mix loạn lên cũng chả bữa nào giống bữa nào. Bưng tận giường, thấy vợ bảo ăn cũng được. Vậy là vui rồi. Còn đầu bếp cứ bê cả thớt, nồi niêu, xoong chảo ra còn gì ăn nốt. Tự nhiên thấy câu: "Ăn ở đâu, ăn gì không quan trọng mà quan trọng ăn với ai" đúng thế'', anh Nam tâm sự.
Dù chỉ là ''mix loạn lên'' nhưng bữa cơm anh Nam nấu cho vợ nhận được rất nhiều lời khen từ mọi người. Đây không chỉ là sự cố gắng mà còn là tình cảm và sự trân trọng của người chồng dành cho vợ mình. Các món ăn trông khá ngon, đẹp mắt khiến dân tình trêu ''thế này không phải 3 mà 10 đứa cũng được ấy chứ''.
Chia sẻ thêm về thực đơn cơm cữ cho vợ, anh Nam cho biết bà xã mới sinh em bé được hơn 1 tháng, hiện tại sức khoẻ của cả 2 mẹ con trộm vía đều rất tốt. Do đẻ mổ nên vết thương của chị Thương vẫn chưa lành lại.
''Việc chăm bé cũng vất vả vì trẻ sơ sinh ăn ngủ có cữ nên vợ chồng mình thay nhau thức để cho con ăn. Dịch covid nên 2 chị lớn học online khiến vợ chồng mình tương đối bận rộn. Mình thường xuyên nấu nướng và thích nấu ăn cho cả nhà. Mâm cơm cho bà đẻ này mình làm cũng không mất nhiều thời gian, khoảng 1 tiếng đồng hồ. Vì cũng là bé thứ 3 rồi nên mình cũng biết qua những món nào tốt, không tốt cho bà đẻ. Ưu tiên đảm bảo đủ chất, đa dạng món ăn để dễ ăn.
Vợ mình tất nhiên rất thích mình nấu ăn vì được giải phóng. Vợ cũng dễ tính dễ ăn nên chẳng chê món nào. Vợ chồng mình hầu như chia sẻ mọi thứ quanh việc chăm sóc con út, từ việc bế con cho vợ vắt sữa, tắm cho con, thay tã bỉm... Từ khi có thêm em bé, cuộc sống gia đình thay đổi nhiều vì phải cân bằng lại mọi thứ, sắp xếp lại mọi việc vì 2 vợ chồng chăm 3 con. Mùa dịch không nhờ ông bà 2 bên giúp được vì nhà cách ly và để đảm bảo an toàn cho mọi người. Tuy có vất vả hơn, ngủ ít hơn, mọi thứ đều phải làm thật nhanh vì còn nhiều việc nhưng rất hạnh phúc vì đó là lựa chọn của mình'', anh Nam tâm sự.
Vợ chồng anh Nam cùng con út được hơn 1 tháng.
Bên cạnh đó, anh Nam còn gửi gắm tới những người chồng có vợ mới sinh rằng: ''Các bà vợ có công mang nặng đẻ đau là điều khó nhất trong mọi điều mà không ông chồng nào có thể làm được. Thế nên là một người trụ cột, chỗ dựa tinh thần lớn nhất của vợ, các anh em nên cố gắng chia sẻ nhiều nhất có thể vì những lúc thế này chồng là người mà vợ cần nhất. Không phải ai cũng có thể làm được hoàn hảo mọi việc nhưng chỉ cần cố gắng làm những việc có thể làm 1 cách tốt nhất là được rồi''.
San San