Những trò chơi dân gian vui, bổ ích, mang đậm nét truyền thống của dân tộc cho trẻ trong dịp Tết

(Tổ Quốc) - Những trò chơi quen thuộc này sẽ giúp bé có những giây phút vui vẻ bên bạn bè và người thân.

1. Trò chơi oẳn tù tì

Oẳn tù tì là một trong những trò chơi dân gian cực lâu đời và ngày nay nó vẫn thường được sử dụng như một cách quyết định ai là người được ưu tiên. Đây là một trò chơi đơn giản nhưng giúp các bạn nhỏ có thể thử sức phán đoán của mình. Để chơi trò chơi này, các bé sẽ dùng chính bàn tay để thể hiện các vật dụng gồm:

Cái búa: Nắm các ngón tay lại như nắm đấm. Cái kéo: Cụp 3 ngón tay gồm ngón cái, ngón áp út và ngón út, đồng thời xòe 2 ngón tay còn lại (tức là ngón giữa và ngón trỏ) để tạo hình cái kéo. Cái bao: Xòe cả 5 ngón tay ra.

Theo quy định luật chơi thì cái búa sẽ đập cái kéo, cái bao sẽ trùm cái búa và cái kéo sẽ cắt cái bao. Khi chơi các bé sẽ đọc "Oẳn tù tì, ra cái gì? Ra cái này!".

2. Trò chơi chi chi chành chành

Chi chi chành chành cũng là một trong những trò chơi dân gian được nhiều bạn nhỏ yêu thích, đặc biệt là những bạn nhỏ mầm non và tiểu học.

Số lượng người chơi có thể từ 3 người trở lên. Một người sẽ được chọn đứng ra trước xòe bàn tay ra, những người khác giơ ngón trỏ đặt vào lòng bàn tay xòe ra rồi cùng nhau đọc:

''Chi chi chành chành

Cái đanh thổi lửa

Con ngựa đứt cương

Ba vương ngũ đế

Chấp chế đi tìm

Ù à ù ập''.

Khi đọc đến chữ "ập" thì người xòe tay nắm lại, những người khác cố gắng rút tay ra thật nhanh. Nếu ai không kịp rút tay ra thì sẽ bị thế chỗ của người xèo tay đó và tiếp tục đọc bài đồng dao cho các bạn khác chơi.

Những trò chơi dân gian vui, bổ ích, mang đậm nét truyền thống của dân tộc cho trẻ trong dịp Tết - Ảnh 1.

Ảnh: Internet.

3. Trò chơi rồng rắn lên mây

Rồng rắn lên mây là một trong những trò chơi dân gian tập thể quen thuộc và được nhiều bạn nhỏ yêu thích. Trò chơi này không chỉ giúp các bé được vận động, vui chơi mà còn giúp các bé thể hiện được tinh thần đoàn kết, gắn bó.

Cách chơi

Để chơi trò chơi này sẽ cần 1 bé đóng vai "ông chủ" và ngồi 1 chỗ. Những bé còn lại sẽ nối đuôi nhau để thành 1 hàng dài rồi đi vòng quanh sân, vừa đi vừa đọc bài vè:

"Rồng rắn lên mây

Có cái cây lúc lắc

Có cái nhà điểm binh

Có ông chủ ở nhà không?".

Khi đọc đến câu "có ông chủ ở nhà không", các bé sẽ dừng lại. Lúc này "ông chủ" có thể trả lời "có" hoặc "không". Nếu ông chủ trả lời "không" thì các bé sẽ tiếp tục đi và đọc bài vè. Nếu "ông chủ" trả lời "có" thì cả nhóm sẽ trả lời những câu hỏi sau đây của "ông chủ".

Ông chủ: Cho tôi xin khúc đầu. Cả nhóm: Những xương cùng xẩu. Ông chủ: Cho tôi xin khúc giữa. Cả nhóm: Chả có gì ngon. Ông chủ: Cho tôi xin khúc đuôi. Cả nhóm: Tha hồ mà đuổi.

Lúc này "ông chủ" sẽ đuổi để bắt được khúc đuôi (tức là bé đứng cuối hàng), cả nhóm sẽ chạy để tránh "ông chủ". Bé đứng đầu hàng dang tay để che cho cả nhóm. Nếu "ông chủ" bắt được khúc đuôi thì các bé sẽ đổi vai cho nhau và bắt đầu chơi lại từ đầu.

Những trò chơi dân gian vui, bổ ích, mang đậm nét truyền thống của dân tộc cho trẻ trong dịp Tết - Ảnh 2.

Ảnh: Internet.

4. Trò chơi bịt mắt bắt dê

Cách chơi:

Sau khi chơi trò chơi ''tay trắng tay đen'' để loại ra 2 người. Hai người đó sẽ chơi oẳn tù tì, người thua sẽ bịt mắt đi tìm dê, người thắng làm dê. Những người còn lại sẽ đứng thành vòng tròn. Người làm dê phải luôn miệng kêu ''be, be'' và né tránh người bị bịt mắt đang tìm cách bắt dê. Người làm dê không được chạy ra ngoài vòng tròn, nếu phạm luật sẽ bị bịt mắt. Khi nào người bịt mắt bắt được dê thì thay đổi người khác.

Những trò chơi dân gian vui, bổ ích, mang đậm nét truyền thống của dân tộc cho trẻ trong dịp Tết - Ảnh 3.

Ảnh: Internet.

5. Trò chơi nu na nu nống

Nu na nu nống là một trong những trò chơi dân gian tập thể vô cùng phù hợp với các bạn nhỏ. Trò chơi này thường phù hợp nhất với nhóm từ 4 đến 6 bạn để đảm bảo độ dài cho bài đồng dao.

Cách chơi:

Khi chơi, các bạn nhỏ sẽ ngồi duỗi chân thoải mái rồi cùng nhau đọc bài đồng dao theo nhịp. Mỗi từ của bài đồng dao này khi đọc lên sẽ đập nhẹ vào chân của trẻ. Nếu từ cuối cùng trúng chân của trẻ nào thì trẻ đó nhanh chóng co chân lại. Nếu bạn nào rút chân chậm thì phải nhảy lò cò 1 vòng. Bạn nào được rút cả 2 chân trước thì sẽ được làm quản trò.

''Nu na nu nống

Đánh trống phất cờ

Mở cuộc thi đua

Thi chân đẹp đẽ

Chân ai sạch sẽ

Gót đỏ hồng hào

Không bẩn tí nào

Được vào đánh trống''.

Những trò chơi dân gian vui, bổ ích, mang đậm nét truyền thống của dân tộc cho trẻ trong dịp Tết - Ảnh 4.

Ảnh: Internet.

San San

Tin mới