(Tổ Quốc) - Nhờ các nguyên tắc riêng mà phương pháp Montessori đem lại hiệu quả giáo dục toàn diện cho trẻ nhỏ.
Montessori là tên phương pháp giáo dục hiện đại do Tiến sĩ, nhà Giáo dục học người Ý Maria Montessori sáng lập vào thế kỷ 20. Hiểu một cách đơn giản thì đây là phương pháp giáo dục trẻ bằng việc học tập thông qua các giáo cụ trực quan như tranh ảnh, biểu đồ, sơ đồ lớn, loa, phim ảnh,…
Khác với phương pháp giáo dục truyền thống, phương pháp Montessori trẻ làm trọng tâm và chú trọng khai thác các tiềm năng sẵn có. Ngoài ra, phương pháp Montessori còn có các nguyên tắc giáo dục độc đáo riêng, góp phần làm nên sự khác biệt của nó với phương pháp giáo dục truyền thống.
Dưới đây là các nguyên tắc của phương pháp Montessori
Nguyên tắc 1: Tôn trọng trẻ
Tôn trọng trẻ là nguyên tắc, nền tảng hàng đầu của phương pháp Montessori. Nhà sáng lập ra phương pháp này, Tiến sĩ, nhà Giáo dục học Maria Montessori cho rằng, tất cả trẻ em cần được đối xử công bằng và tôn trọng. Chính vì vậy yếu tố này được thể hiện ở mọi khía cạnh trong phương pháp giáo dục của bà.
Giáo viên Montessori sẽ cho trẻ cơ hội để suy nghĩ, thực hành và học hỏi cho chính mình. Thông qua việc tự do lựa chọn, trẻ có thể phát triển các kỹ năng và khả năng cần thiết để trở thành những người tự tin.
Nguyên tắc 2: Thời kỳ nhạy cảm
Trẻ em trải qua các giai đoạn cụ thể trong sự phát triển. Khi trẻ sẵn sàng, chúng có thể học các kỹ năng cùng kiến thức cụ thể. Tiến sĩ Maria Montessori từng đề cập đến những khoảng thời gian, thời kỳ nhạy cảm của trẻ. Trong thời kỳ đó, trẻ có sự thay đổi hành vi, chẳng hạn như quan tâm mãnh liệt hoặc lặp đi lặp lại một hành động nào đó.
Đối với thời kỳ này, phương pháp Montessori sẽ có cách giảng dạy riêng biệt. Theo đó, phương pháp Montessori tạo ra chu trình 3 giờ làm việc. Trẻ sẽ có cơ hội làm việc với các giáo cụ mà không bị gián đoạn. Điều này giúp trẻ được làm việc, học hỏi theo sở thích cá nhân và thường tiến bộ rất nhanh.
Giáo viên sẽ ở bên cạnh, quan sát trẻ trong thời kỳ nhạy cảm. Từ đó, giáo viên hướng dẫn trẻ theo các hoạt động và các giáo cụ phù hợp với giai đoạn phát triển.
Nguyên tắc 3: Trí tuệ thẩm thấu
Theo Tiến sĩ Maria, 6 năm đầu đời của trẻ là giai đoạn vô cùng quan trọng. Bà gọi giai đoạn phát triển này là "trí tuệ thẩm thấu" – quãng thời gian mà tâm trí trẻ sẵn sàng hấp thu những kiến thức, thông tin xung quanh.
Từ 0-3 tuổi là giai đoạn cài đặt tiềm thức, trẻ học cách đi bộ, nói chuyện và phát triển ý thức về bản thân thông qua các trải nghiệm và môi trường.
Từ 3-6 tuổi là giai đoạn có ý thức, trẻ bắt đầu tích cực tìm ra những trải nghiệm giúp phát triển trí thông minh, sự phối hợp và độc lập.
Nguyên tắc 4: Nhóm tuổi hỗn hợp
Các lớp học Montessori thường có nhiều độ tuổi và trộn lẫn với nhau. Mô hình này khuyến khích trẻ lớn tuổi hơn đảm nhiệm vai trò lãnh đạo và trẻ nhỏ hơn học hỏi thông qua việc bắt chước.
Bên cạnh đó, các lớp hỗn hợp tuổi sẽ dạy trẻ cách giao tiếp với những trẻ lớn và ít tuổi hơn.
Nguyên tắc 5: Môi trường chuẩn bị
Tiến sĩ Maria cho rằng, trẻ học tập tốt nhất trong một môi trường chuẩn bị, nơi chúng có quyền tự do đi lại và lựa chọn độc lập. Do đó, phương pháp Montessori chuẩn bị môi trường là không gian học tập lấy trẻ làm trung tâm. Trong môi trường đó, trẻ được tự do trong khuôn khổ.
Các yếu tố của môi trường chuẩn bị bao gồm: Tự do, cấu trúc, trật tự, vẻ đẹp, tính chất và sự hội nhập của các khía cạnh xã hội và trí tuệ đối với sự phát triển của trẻ.
Nguyên tắc 6: Các góc giảng dạy
Phương pháp Montessori tập trung vào giảng dạy 5 lĩnh vực chính: Thực hành cuộc sống, Cảm quan, Toán học, Ngôn ngữ và Văn hóa.
Các chương trình giảng dạy nhấn mạnh học tập là cả một quá trình phát triển và không thể phân cấp hay xác định bằng độ tuổi. Bởi mỗi trẻ có khả năng học tập, tiếp thu khác nhau.
Vì vậy, quá trình học tập Montessori sẽ được xác định bởi tốc độ học tập riêng của mỗi trẻ trong việc đạt được một kỹ năng hoặc lĩnh vực kiến thức trước khi chúng tiến tới lĩnh vực kế tiếp.
Nguyên tắc 7: Giáo cụ Montessori
Giáo cụ Montessori là các công cụ học tập trực quan được thiết kế để dạy trẻ thông qua trải nghiệm, thực hành. Không chỉ vậy, các giáo cụ còn được thiết kế có thể tự kiểm soát lỗi.
Bên cạnh đó, các giáo cụ này cho phép trẻ khám phá kết quả học tập độc lập với người lớn. Nhờ vậy mà trẻ được khuyến khích tổ chức suy nghĩ của mình. Ngoài ra, trẻ được học cách giải quyết vấn đề một cách rõ ràng và hấp thụ kết quả của giáo cụ, dưới sự hướng dẫn cẩn thận của giáo viên.
Nguyên tắc 8: Vai trò của giáo viên
Đối với phương pháp Montessori, không phải giáo viên mà chính học sinh mới là trung tâm. Montessori tin rằng, giáo viên nên tập trung vào trẻ hơn là vào giáo án hàng ngày.
Mặc dù các giáo viên Montessori cũng lập kế hoạch học tập hàng ngày cho trẻ nhưng họ luôn phải chú trọng với những thay đổi về sự quan tâm, tiến bộ, tâm trạng và hành vi của trẻ.
Thanh Hương