(Tổ Quốc) - Trong cuộc chiến đấu với dịch Covid-19 ở nơi tuyến đầu, hiểu nỗi vất vả của nhân viên y tế khi điều trị, chăm sóc người bệnh không ít người quên đi cái Tết để ở lại khu điều trị chăm sóc bệnh nhân F0 chưa hẹn ngày về.
Tết là ngày đoàn viên, mọi người sẽ được ở nhà vui vầy bên gia đình, con cái nhưng tại "lá chắn" cuối cùng ở Hà Nội có những người phụ nữ thầm lặng gác lại hành phúc gia đình để ở lại khu điều trị chăm sóc cho các bệnh nhân.
"Mình không đi ai sẽ là người đi"
Tình nguyện tham gia chống dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhiều ngày nay, chị H'Mớt Mie (25 tuổi, dân tộc Ê Đê, quê Đắc Lắk) cho biết, đang là bác sĩ khoa Hồi sức Bệnh viện Nhiệt đới tỉnh Khánh Hoà. Dịch bệnh tại Hà Nội phức tạp, chị Mie được bệnh viện cử tình nguyện tham gia chống dịch cũng như học tăng cường hồi sức tích cực cho bệnh nhân suy hô hấp.
Trên khuôn mặt mướt mồ hôi khi căng thẳng làm việc, chị Mie cho biết, lúc đầu đi chống dịch mẹ khuyên ngăn nhưng chị động viên mẹ rồi quyết tâm lên đường tham gia.
"Tôi bảo mẹ mình là nhân viên y tế, nếu mình không đi ai sẽ là người đi. Tôi quyết tâm đi và mẹ đã động lòng. Có vào đây chúng tôi mới thấy sức nóng căng thẳng khi điều trị cho những bệnh nhân rất nặng. Họ vào đây có thể tử vong bất cứ lúc nào.
Tại bệnh viện tôi tham gia hỗ trợ các bác sĩ theo dõi bệnh nhân, chăm sóc bệnh nhân cũng như trực tiếp tham gia điều trị cùng bác sĩ. Nếu so với tuyến dưới khối lượng công việc tại đây áp lực hơn rất nhiều, toàn ca rất nặng, giám sát mới điều trị được", Mie nói.
Theo chị Mie, chị sẽ hỗ trợ công việc tại đây đến cận Tết sau đó tiếp tục về bệnh viện nơi mình công tác tham gia chống dịch bởi tính mạng của bệnh nhân cực kỳ quan trọng, các y bác sĩ phải thực sự quan tâm chăm sóc, yêu thương bệnh nhân.
"Năm nay tôi sẽ không đón Tết bên gia đình ở quê. Gia đình động viên cố gắng, mình đã lựa chọn con đường này thì phải hy sinh so với người khác hơn một xíu, tất cả vì người bệnh", chị Mie chia sẻ.
Nữ nhân viên này chia sẻ khi điều trị tại bệnh viện chị đặc biệt chú ý tới các ca sản phụ. Mie từng trực tiếp chứng kiến có người vượt qua được về cùng gia đình nhưng có những ca không thể qua khỏi.
"Có trường hợp hai đứa con có thể sống nhưng mẹ không qua được. Tôi trực tiếp tham gia hỗ trợ trong trường hợp đó. Là người bác sĩ đã quen với việc sinh ly từ biệt nhưng chứng kiến hình ảnh đó chúng tôi rơi nước mắt.
Chỉ vì dịch bệnh Covid-19 cướp đi mạng sống của nhiều người vô tội, ảnh hưởng tương lai những đứa trẻ. Lúc đó bác sĩ thực sự thấy mình bất lực", chị Mie xúc động.
Nhân dịp Tết Nguyên đán, chị Mie hy vọng các bác sĩ cũng như trong bệnh viện có sức khoẻ để tiếp tục chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân, hy vọng mọi người sẽ có một cái Tết ấm cúng.
"Tôi mong Covid-19 sẽ sớm được ngăn chặn, người dân cùng phòng chống dịch, hạn chế tình trạng ca nặng. Hy vọng bệnh nhân sớm khoẻ mạnh để về đón Tết cùng gia đình", Mie chia sẻ thêm.
Cũng tình nguyện ở lại tham gia chống dịch trong dịp Tết, Ngô Thị Bảo Anh (21 tuổi, quê Phú Thọ), sinh viên năm 3 trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai chia sẻ, những ngày vừa qua khi làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực cô mới thấu hiểu hết những điều mà các y bác sĩ làm việc tại đây.
"Mọi người như cái máy cứu chữa cho bệnh nhân. Thực sự, những gì tôi được làm việc, được trải qua ở đây thật đặc biệt khác nhiều so với học trên sách vở. Thời gian đầu tôi cảm thấy chưa quen, tuy nhiên sau khi làm một thời gian tôi thấy thích nghi được.
Năm nay tôi ăn Tết tại bệnh viện và năm đầu tiên đón Tết xa nhà nhưng đây cũng là trải nghiệm khó quên của một sinh viên ngành y như tôi", Bảo Anh bày tỏ.
Nữ sinh viên kể, khi cô chia sẻ với gia đình mình tình nguyện tham gia chống dịch Covid-19, người thân tỏ ra lo lắng. Tuy nhiên, khi Bảo Anh bày tỏ muốn đi trải nghiệm bố mẹ đồng ý.
Với cô sinh viên trẻ, sự sống người bệnh là điều quan trọng nên khi có dấu hiệu gì bất thường nữ sinh viên lập tức báo cho các bác sĩ cũng như nhân viên điều dưỡng kịp thời can thiệp, điều trị. Công việc chăm sóc bệnh nhân gần như luôn tay luôn chân nên khi bước vào ca trực Bảo Anh gần như không có phút nghỉ ngơi.
"Qua việc tham gia chống dịch thế này tôi học hỏi nhiều điều. Tôi mong sao số lượng bệnh nhân nặng sẽ giảm, từ đó sẽ giảm tải cho nhân viên y tế. Công việc mệt nhọc là vậy nhưng tôi quyết tâm sẽ theo đuổi nghề y. Nghề mà tôi yêu và đặt niềm tin chữa trị cho nhiều bệnh nhân, để sự sống được nảy nở", Bảo Anh nói.
Tết ở lại làm người nhà bệnh nhân
Những ngày cận Tết Nguyên đán, khoa HSTC Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) luôn chật kín người. Dịch bệnh căng thẳng khiến tần suất công việc của các nhân viên y tế luôn ở mức 200-300%.
7 năm làm điều dưỡng Khoa hồi sức tích cực, chị Vũ Thị Thuỳ Linh (31 tuổi) cho biết, hàng ngày chị Linh đảm nhiệm mọi việc lớn nhỏ trong phòng bệnh, chăm sóc bệnh nhân thở máy nhiễm Covid-19 nặng.
Tết năm nay chị Linh cùng nhân viên y tế xác định sẽ là cái Tết đặc biệt bởi số lượng bệnh nhân nặng nhiều và luôn trong tình trạng quá tải nên các bác sĩ xem như "mất Tết", dồn lực để hạn chế thấp nhất ca tử vong.
Một câu nói chị Linh rất tâm huyết đó là "Liều thuốc tinh thần, gieo mầm sự sống; Điều trị bằng trí óc và chăm sóc bằng trái tim". Đó cũng là điều chị luôn khắc ghi trong lòng cứu chữa những bệnh nhân của mình.
Vừa dứt lời nữ điều dưỡng ra một giường bệnh vỗ về bệnh nhân "Bác yên tâm nhé, bệnh của bác đỡ hơn nhiều rồi. Con gái bác khoẻ hơn nên được chuyển lên giường tầng trên. Bác phải nghỉ ngơi khoẻ lại sức chúng cháu sẽ chuyển bác lên cùng con gái nhé…".
"Chăm sóc người bệnh rất khó khăn nhiều khi như một bác sĩ tâm lý. Đối với bệnh nhân Covid-19 vấn đề chăm sóc tâm lý là điều nặng nề nhất. Bệnh nhân không có người nhà bên cạnh mình là người điều dưỡng an ủi động viên, khích lệ từ A-Z.
Đối với tôi khi thấy những bệnh nhân vào đây gần như đã bước vào cửa tử. Khi chăm sóc bệnh nhân dần dần hồi phục đến khi ra viện đó là một niềm vui, động lực để chúng tôi làm việc tại đây", chị Linh kể.
Thời gian qua chống dịch căng thẳng nên chị nhờ bố mẹ và chồng giúp đỡ chăm sóc con cái. Mỗi khi tan ca, chị Linh tranh thủ gọi điện về cho gia đình gặp 2 con nhỏ. Là một người mẹ, nữ điều dưỡng cảm nhận được rằng con rất nhớ mình và mình cũng vậy nhưng chị luôn động viên con 'mẹ sắp về rồi'.
"Con thứ 2 của tôi năm nay mới 3 tuổi, không thấy mẹ về cháu lại bảo 'mẹ bỏ con đi à, mẹ không về với con à?'. Nghe con nói tôi rất thương và xúc động. Nghe mẹ nói cháu cũng dần hiểu và không khóc đòi mẹ nữa.
Bên cạnh đó mố mẹ chồng và gia đình luôn luôn sát cánh cùng tôi, lúc nào cũng động viên hãy cố gắng hết sức nên tôi yên tâm công tác", nữ điều dưỡng chia sẻ.
Chị Linh cùng nhân viên y tế tại đây chia sẻ năm nay sẽ không có Tết như mọi năm khi số lượng bệnh nhân đông. Các y bác sĩ chạy đua từng giây, từng phút trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, giành sự sống cho những bệnh nhân nặng.
"Tết là ngày đoàn viên, mọi người sẽ được ở nhà vui vầy bên con cái nhưng vì Covid-19 chúng ta sẽ hy sinh gia đình của mình để chăm sóc bệnh nhân từng ngày. Tôi mong mỗi bệnh nhân sẽ được ra viện, đó là điều bác sĩ mong muốn", chị Linh nói thêm.
Tết năm nay, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Vân Hà (38 tuổi) cùng chồng là cán bộ công an xã sẽ không có Tết trọn vẹn bên con cái khi cả hai bận tham gia các hoạt động chống dịch.
"Tôi 3 tháng nay chưa được về nhà. Con trai thứ 2 (5 tuổi) gọi điện nói 'Sao mẹ đi làm suốt thế…?. Nghe con nói tâm trạng buồn lắm, tôi trêu con khi nào mẹ về mẹ mua kẹo cho con. Bạn ấy biết mẹ đi làm bác sĩ tham gia chống dịch, đôi lúc buồn vì nhớ mẹ nên mới vậy", chị Hà nói.
Theo chị Hà, mọi năm nhân viên y tế vẫn trực Tết nhưng mọi năm khác năm nay bởi nhân viên y tế như chị sẽ đón trọn Tết ở đây.
"Ngày Tết là ngày sum vầy gia đình thực ra rất buồn nhưng thấy bệnh nhân thế này chúng tôi phải cố gắng vì mọi người. Mọi người đa phần có con nhỏ nên chúng tôi động viên nhau cố gắng, có đẩy lùi được Covid-19 thì mọi người mới về được.
Nhân dịp năm mới tôi kính chúc mọi người quan trọng nhất sức khoẻ, bình an, dịch bệnh nhanh chóng được đẩy lùi. Các y bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương nói riêng cả nước nói chung sức khoẻ cùng nhau cố gắng. Bệnh nhân sớm được khỏi bệnh về với gia đình.
Nhân dịp năm mới chúc bố mẹ, chồng và các con sức khoẻ, các con ngoan, học giỏi, nghe lời ông bà. Ông bà tiếp tục trông cháu giúp vợ chồng", chị Hà chia sẻ.
Tại nơi mỗi ngày điều trị cho hơn 500 bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch đang đối diện với lằn ranh sinh tử những nhân viên y tế trẻ như chị H Mớt Mie hay nữ sinh viên Bảo Anh hay những người phụ nữ đã có gia đình như chị Linh, chị Hà, họ đã có những ký ức khó quên trong cuộc đời mình.
Ở thời khắc giao thừa đang cận kề, họ vừa mong mỏi ngày được trở về để cùng gia đình đón Xuân mới, vừa mong dịch giảm hơn để sự vất vả không còn đè nén lên đôi vai gầy ruộc của các y bác sĩ. Song, để có được điều kỳ diệu ấy, những người phụ nữ ấy đều hiểu rằng, họ sẽ nỗ lực hơn nữa vừa để bản thân, người thân khỏe mạnh, vừa giúp sức các y, bác sĩ.
Gia Đoàn