(Tổ Quốc) - Khi khắp nơi trên đường phố Hà Nội đang trở nên vắng vẻ, hình ảnh bé nhỏ của em càng dễ khiến người ta chạnh lòng...
Những ngày dạo đây, Hà Nội chìm vào sự vắng vẻ sau chỉ thị toàn dân cách ly xã hội. Người ta chỉ ra đường khi thật sự cần thiết, ai ai cũng đau đáu trong nỗi niềm sức khỏe, không chỉ cho mình mà còn cả cho đời.
Thời tiết lắm khi cũng nẫu nề. Gió bấc, mưa phùn khiến cái không khí vốn ảm đạm vì ít người càng trở nên lấm lem. Thêm thật nhiều lý do để ai ở yên chỗ đấy. Nhà nào đắp chăn nhà nấy, cơm người người ăn, cơm mình, mình nấu. Bỗng dưng không phải Tết nhưng cái không khí tỏa ra từ mỗi căn nhà lại thật ấm êm đến lạ. Bỏ đi cái bối cảnh dịch, có lẽ khoảng thời gian này chúng ta mới được chứng kiến sự bình yên của mỗi gia đình.
Nhưng nào phải ai cũng có được cái diễn phúc cửa nhà đầy đủ mà vui vầy với nhau. Đâu đó ngoài kia, cảnh màn trời chiếu đất không thiếu. Trong cuộc chiến với Covid-19, các chuyên gia nhận định rằng, mắt xích yếu nhất có lẽ chính là người nghèo, mà trong số nghèo, nghèo nhất là người vô gia cư.
Một góc phố cổ, nút giao nhau giữa Phủ Doãn và Hàng Bông là một mảnh đời như thế. Cái góc tấp nập mọi ngày lần lượt bao nhiêu toán khách, người tới ăn, người đi du lịch bận rộn, nay thảnh thơi thoáng đãng cho em ít đất đặt thân.
Tấm bìa các tông là giường, cùng chiếc chăn cũ sờn bạc vải, em ngơ ngác mải mê với vài thứ đồ vật mà trong mắt em chúng là thứ đồ chơi diệu kỳ. Bên cạnh lổn nhổn một bao tải chứa chai lọ, lon cũ, chiến lợi phẩm của việc nhặt nhạnh kiếm ăn qua ngày.
Người lớn để lại cho em một chiếc khẩu trang vải. Tuy thế, trẻ con nào hiểu cái gì là dịch bệnh, cái gì là virus hay giọt bắn đâu, chỉ biết đấy là tấm vải vướng víu, nên em kéo tụt xuống cho dễ thở. Cơm phở mì miến chăng dây trên bảng đằng sau em, còn chắc gì bây giờ em đã có được cái bánh mỳ không người lái nào vào bụng.
Ở em toát ra sự ngoan ngoãn mong manh, sự ngây thơ đến nao lòng người đối diện. Ai hỏi gì em cũng chỉ trả lời “con không biết” với cái giọng lí nhí bẽn lẽn của một bé gái còn lạ người. Đôi lúc còn xấu hổ quay mặt đi.
Rồi một người phụ nữ, chắc cô từng nhìn thấy em, dừng xe lại, gửi cho em chút áo ấm cùng bọc đồ ăn. Cái sự hân hoan ánh lên, sáng bừng khuôn mặt đang ẩn dưới mái tóc xù lấm tấm bụi đường ấy.
Mãi đến lúc rời đi, vẫn chẳng thấy người lớn của em đâu. Cũng không chắc em có ai là gia đình giữa thời kỳ khốn khó đến cùng cực này. Em hồn nhiên với việc không có mái nhà, còn chúng tôi chịu, chẳng hồn nhiên nổi với sự ngây thơ của em.
Những người như em liệu có thể an toàn thoát dịch?
Mạn Ngọc - Ảnh: Gia Đoàn