(Tổ Quốc) - Tình trạng nhà tắm có mùi hôi, thiếu ánh sáng, không thông gió, ẩm ướt thường xuyên xảy ra, trở thành vấn đề khiến nhiều gia đình đau đầu.
Do đặc thù thiết kế và chức năng sử dụng, phòng tắm gần như là nơi ẩm ướt và thiếu ánh sáng nhất trong căn nhà. Với không gian chỉ vài mét vuông nhưng nó lại là nơi diễn ra nhiều hoạt động tắm rửa, giặt giũ và đi vệ sinh cho cả gia đình.
Tình trạng phòng tắm có mùi hôi, thiếu ánh sáng, không thông gió, ẩm ướt thiếu khô ráo thường xuyên xảy ra. Điều đó không chỉ gây khó chịu trong quá trình sử dụng mà còn có thể là môi trường lý tưởng để vi khuẩn và các mầm bệnh sinh sôi.
Sau đây là những tuyệt chiêu để bạn thoát khỏi “cơn ác mộng” nhà tắm tối tăm, ẩm ướt và bốc mùi:
1. Vấn đề ánh sáng
Đèn chiếu sáng
Phòng tắm thường được thiết kế ở những vị trí khuất trong nhà, vì thế nó dễ bị rơi vào tình trạng thiếu ánh sáng.
Phòng tắm thiếu ánh sáng mang lại cảm giác không hề dễ chịu chút nào, do đó đèn chiếu sáng chính là một thiết bị không thể thiếu được.
Tường nhà tắm với màu sắc tươi sáng
Các gam màu tươi sáng như trắng, be, xanh lam nhạt sẽ giúp mở rộng không gian phòng tắm về mặt thị giác và tăng cường độ sáng.
Phóng to không gian bằng gương
Một chiếc gương đủ lớn có thể nhân đôi không gian phòng tắm. Ánh sáng phản chiếu qua gương giúp không gian thoáng và sáng hơn. Khi bước vào phòng tắm, tâm trạng của bạn sẽ được thoải mái và thư thái hơn.
Thêm nhiều ánh sáng
Ngoài nguồn sáng chính thì việc thiết kế thêm các nguồn sáng phụ ở khu giặt giũ, khu vệ sinh, khu tắm rửa là điều cần thiết. Các nguồn sáng phối hợp với nhau sẽ làm bừng sáng cả căn phòng, đồng thời giúp không gian được phân lớp.
2. Vấn đề ẩm ướt
Đổi quạt thông gió có công suất lớn hơn
Phòng tắm thường không được thiết kế cửa sổ, nước trong phòng tắm không thể bốc hơi thoát ra ngoài. Nếu phòng tắm nhà bạn đã được trang bị quạt thông gió nhưng vẫn xảy ra tình trạng ẩm ướt, nghĩa là bạn cần phải đổi quạt thông gió có công suất lớn hơn. Tốt nhất là quạt thông gió hoạt động 2 chiều.
Mở cửa phòng tắm sau khi sử dụng
Khi không sử dụng phòng tắm, bạn có thể mở cửa để tăng độ thông thoáng. Điều đó sẽ làm giảm thiểu độ ẩm trong nhà tắm và hạn chế vi khuẩn, nấm mốc có thể sinh sôi.
Sử dụng thiết kế nổi
Treo bồn rửa mặt hoặc bồn cầu là một gợi ý rất hay ho, có thể hạn chế tình trạng đọng nước trên mặt sàn từ đó giúp nhà tắm khô ráo, thoáng sạch.
3. Vấn đề bốc mùi
Độ ẩm và thiếu thông thoáng có thể gây bốc mùi cho nhà tắm. Ngoài ra mùi hôi trong nhà tắm thực chất còn liên quan đến thiết kế không hợp lý của đường ống chậu rửa, thoát sàn và một số khu vực khác.
Thiết kế đường ống chữ U cho chậu rửa
Với thiết kế này, lượng nước được giữ lại ở phần giữa sẽ tạo một lớp ngăn cách không cho mùi hôi ở phần dưới bốc ngược trở lại. Bạn hãy sử dụng thiết kế này cho bồn rửa của phòng tắm để tránh mùi hôi.
Thiết kế thoát sàn
Bạn có thể sử dụng các loại hóa chất, bột khử mùi cho cống thoát nước. Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tình thế, không ngăn mùi được lâu dài lại khá tốn kém.
Sử dụng các loại thoát sàn chuyên dụng để chống mùi hôi và côn trùng sẽ là giải pháp hiệu quả mà không tốn quá nhiều chi phí.
Đậy nắp bồn cầu
Sau khi sử dụng bồn cầu, tốt nhất bạn nên đậy nắp lại. Chỉ cần một thao tác nhỏ như vậy cũng có thể ngăn mùi hôi từ khu vực vệ sinh và giảm thiểu khả năng lan truyền của vi khuẩn ra không khí.
4. Vấn đề phòng tắm lộn xộn
Phòng tắm bừa bộn, thiếu gọn gàng chủ yếu là do các vật dụng trong nhà tắm không được sắp xếp hợp lý. Với đặc thù diện tích không lớn, bạn cần biết cách tận dụng không gian để lưu trữ đồ vật.
Bạn có thể sử dụng các thiết kế tủ đóng, hốc tường, ngăn lưu trữ ngay dưới bồn rửa hay các giá treo gắn tường… Với các thiết kế này nhà tắm chắc chắn sẽ trở nên gọn gàng, sạch sẽ, tránh tối đa tình trạng lộn xộn, thiếu ngăn nắp.
Các thiết kế tủ đóng, hốc tường, giá treo tường, kệ để đồ ngay dưới bồn rửa... sẽ giúp lưu trữ đồ vật hiệu quả.
An Du