(Tổ Quốc) - "Bảo bối" này sẽ giúp bố mẹ yên tâm và chủ động ứng phó bất cứ vấn đề sức khỏe bất thường nào xảy ra với con.
Có người khuyên rằng đưa trẻ nhỏ đi đâu là phải mang theo "cả thế giới" quả không sai. Và càng những dịp đi lại nhiều như lễ Tết, bố mẹ càng phải chuẩn bị thật chu đáo từ quần áo, đồ ăn, thức uống và chắc chắn không thể thiếu đó là thuốc men.
Khi chuẩn bị đồ cho trẻ về quê ăn Tết hoặc đi du lịch, bố mẹ nên nhớ sắp xếp vào vali những loại thuốc và dụng cụ y tế sau:
Vật dụng y tế thiết yếu
Nhiệt kế và thuốc hạ sốt giúp bố mẹ yên tâm xử lý tình huống con bị ốm sốt đột ngột.
- Nhiệt kế: Đây là một trong những dụng cụ y tế nhất định phải chuẩn bị khi đưa bé đi chơi xa dài ngày hay về quê ăn Tết. Trẻ có thể ốm sốt bất thình lình, cách chẩn đoán nhanh gọn nhất là sử dụng nhiệt kế điện tử để cha mẹ có thể kiểm soát và theo dõi thân nhiệt của trẻ.
- Bông, gạc y tế, băng dán vết thương và cồn sát trùng: Những thứ này dùng để đề phòng trong trường hợp trẻ bị đứt tay, xước da khi đi lại, chạy chơi, nô đùa.
- Dụng cụ hút mũi: Với trẻ khoảng 3 tuổi trở xuống, bé chưa biết cách tự xì mũi và lại thường xuyên bị sổ mũi, nghẹt mũi, nhất là khi thay đổi thời tiết, thay đổi môi trường sống. Khi chuẩn bị đồ cho trẻ về quê, bố mẹ nên nhớ bỏ thêm vào túi đồ của con dụng cụ hút mũi đề kịp thời xử lý các vấn đề đường hô hấp của con khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên.
Thuốc hạ sốt
Không chỉ luôn cần có sẵn trong tủ thuốc mỗi gia đình mà khi đi du lịch, đi chơi xa, bố mẹ cũng luôn luôn cần dự phòng thuốc hạ sốt cho con. Loại thuốc thông dụng hơn cả là paracetamol, dạng gói hoặc viên nhét hậu môn. Tốt nhất là chuẩn bị cả 2 loại thuốc hạ sốt này, nếu trẻ bị nôn khi uống, thuốc hạ sốt dạng viên đạn sẽ tiện dùng hơn, những trường hợp bình thường thì nên dùng dạng hòa tan trong nước. Một vấn đề cần lưu ý là mẹ nên chú ý cân nặng của con để chuẩn bị loại thuốc hạ sốt có liều lượng phù hợp.
Thuốc nhỏ mũi
Thông dụng nhất là nước muối sinh lý 0,9%, vừa dùng để nhỏ mắt, vừa nhỏ mũi cho trẻ. Mẹ có thể nhỏ nước muối sinh lý cho trẻ sau khi đi chơi về hoặc khi trẻ chảy mũi, nghẹt mũi, khô ngứa mắt.
Thuốc tiêu hóa
Trong dịp lễ Tết, trẻ dễ ăn uống thất thường và có thể gặp tình trạng rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, trướng bụng hay tiêu chảy. Một số loại thuốc tiêu hóa bố mẹ cần dự phòng như smectra, oresol. Khi trẻ bị tiêu chảy, có thể dùng smectra để bảo vệ niêm mạc tiêu hóa. Ngoài ra, oresol giúp bù nước khi trẻ bị sốt hay tiêu chảy.
Kem bôi da và vết côn trùng đốt
Một số loại kem hoặc thuốc mỡ giúp làm lành những vùng da bị kích ứng hay trị những vết muỗi, côn trùng đốt là rất cần thiết cho trẻ khi về quê ăn Tết. Môi trường lạ lại nhiều cây cối, làn da non nớt và nhạy cảm của trẻ vừa mềm vừa thơm nên dễ trở thành mục tiêu tấn công của muỗi và các loại côn trùng.
Riêng với trẻ sơ sinh, kem phòng và trị hăm là vật dụng không thể thiếu khi đưa trẻ đi bất cứ nơi đâu.
Có nên mua dự phòng thuốc kháng sinh cho trẻ?
Nhiều khuyến cáo đã nhấn mạnh rằng thuốc kháng sinh chỉ được sử dụng khi trẻ bị nhiễm khuẩn và nếu lạm dụng sẽ gây ra nhiều hậu quả khôn lường, làm vi khuẩn kháng thuốc và lần sau, khi nhiễm khuẩn sẽ rất khó chữa trị. Vì thế, việc sử dụng kháng sinh cho trẻ cần hết sức cẩn trọng.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo (Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc), có thể dự phòng một loại kháng sinh được bác sĩ nhi khoa mà con bạn hay thăm khám khuyên dùng: "Nên nhớ luôn lưu số điện thoại bác sĩ nhi khoa của con bạn, trong những tình huống cấp bách bạn sẽ cần lời khuyên của họ. Bác sĩ nhi khoa của con bạn sẽ nắm rõ lịch sử bệnh của bé và sẽ cho bạn những lời khuyên tốt nhất".
Bình Nguyên