(Tổ Quốc) - Hành trình theo đuổi đam mê và tìm ra công việc là "chân ái" của 4 bạn trẻ dưới đây sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn đa chiều hơn về chuyện học một đằng, làm một nẻo.
Có một thời, câu nói "Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn" từng là châm ngôn sống của nhiều bạn trẻ mới tốt nghiệp ĐH.
Có người cho rằng đây là một cái bẫy vì đam mê đôi khi chỉ là ham muốn nhất thời, cũng có người tin rằng suy nghĩ này quá mộng mơ bởi tiền mới là thứ nuôi sống chúng ta trước, chứ không phải đam mê.
Dù đồng tình với hướng lập luận nào đi nữa, vẫn có một sự thật mà không ai có thể phủ nhận: Làm công việc bản thân không yêu thích chẳng khác nào một sự hành xác. Có lẽ cũng vì thế, nhiều bạn trẻ đã quyết định để tấm bằng Đại học của mình sang một bên và bắt đầu dấn thân vào những lĩnh vực hoàn toàn mới, chẳng mấy liên quan đến ngành đã học.
Có một điểm chung mà tôi nhận thấy ở những người học một đằng, làm một nẻo: Họ đều đi theo tiếng gọi "con tim" của mình. Cuộc trò chuyện dưới đây cùng 4 bạn trẻ có xuất phát điểm khác nhau, nhưng đều quyết tâm theo đuổi lĩnh vực mình thích sẽ cho chúng ta những góc nhìn đa chiều về chuyện làm trái ngành.
Chọn ngành theo "trend", theo định hướng của bố mẹ hoặc do không may trượt nguyện vọng 1 là thực tế không mấy xa lạ với những cô cậu học sinh cuối cấp.
Với Nam Thi, quyết định theo khoa Triết học được truyền cảm hứng từ một người anh cùng khoa. Trong khi đó, Phan Việt và Thanh Tùng đều nghe theo định hướng của người thân. Vì không đủ tự tin đăng kí khoa Tiếng Anh, nên chọn khoa Tiếng Trung là câu chuyện của Ngọc Mai.
Những khó khăn khi mới chân ướt, chân ráo vào nghề
Điều gì đã thôi thúc bạn chọn lĩnh vực hiện tại thay vì làm đúng ngành đã được học?
Nam Thi: Mình bắt đầu bén duyên với nghề viết cách đây 10 năm với công việc đầu tiên là CTV cho báo Hoa học trò. Ngay từ khi còn học cấp 3, mình đã luôn xác định viết là thế mạnh của mình nên bản thân cũng không nghĩ quá nhiều về thứ gọi là "thôi thúc". Chỉ đơn giản là mình luôn theo đuổi công việc mình thích và giúp mình được là mình nhiều nhất.
Thanh Tùng: Từ nhỏ mình đã thích làm game và lập trình nhưng lớn lên lại quyết định học theo "trend" thời ấy, là Tài chính - Ngân hàng. Sau khi ra trường và thử nhiều công việc khác nhau mà không thấy bản thân có sự phát triển, mình quyết định "đào lại" ước mơ hồi bé. Cuối cùng, đó là thứ duy nhất mình thấy phù hợp.
Phan Việt: Thi đỗ vào ban Truyền thông của AIESEC (một tổ chức sinh viên) có lẽ là bước đầu tiên giúp mình bén duyên với ngành này. Việc chọn lĩnh vực hiện tại giống như quả bóng đang lăn, một khi đã bắt đầu thì cứ lăn tiếp và lớn dần. Mình chọn làm nghề mà mình đóng góp được cho xã hội một cách tự nhiên mà không phải quá "gồng". Với mình, vậy là đủ.
Còn với Ngọc Mai: Ngành ngôn ngữ Trung mình học chủ yếu đào tạo phiên dịch hoặc giáo viên. Mình có hứng thú với ngôn ngữ nhưng việc giảng dạy hoặc phiên dịch không phải sở thích của mình. Mình chọn công việc Hành chính vì nghĩ rằng lĩnh vực này có thể giúp mình phát huy thế mạnh về ngôn ngữ.
Hầu hết mọi nhà tuyển dụng đều yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm làm việc, bạn đối mặt và khắc phục sự non nớt của bản thân thế nào trong giai đoạn đầu dấn thân vào lĩnh vực mới?
Nam Thi: Phải thật lì! Nghĩa là không ngừng học hỏi và cố gắng hết sức. Mình còn nhớ ngày đầu tiên làm CTV cho Hoa học trò, nhóm CTV có 20 người, nhưng sau 1 tháng chỉ còn lại một người duy nhất là mình. Và 6 tháng sau đó, mình mới có bài viết đầu tiên được đăng. Mình không nhớ có bao nhiêu bài đã bị trả về trong vòng nửa năm ấy, nhưng sai ở đâu thì sửa ở đấy. Đó là cách mình đã khắc phục sự non nớt trong câu chữ và cách hành văn của chính mình.
Thanh Tùng: Mình may mắn gặp được một mentor (người hướng dẫn) trong lĩnh vực lập trình, phát triển game. Cứ mặt dày xin bám theo anh ấy, trước tiên là để chứng minh mình thực sự đam mê, sau đó là để học hỏi. Kiến thức tích lũy từng chút một mỗi ngày, cuối cùng cũng đủ để mình thực sự trở thành một lập trình viên.
Phan Việt: Nếu hiện tại mình buộc phải làm một ngành mới hoàn toàn, mình sẽ bắt đầu từ cơ bản, chấp nhận mức thu nhập được quy đổi tương xứng với giá trị công việc mình mang lại, rồi phát triển dần chứ không thể đi đường tắt.
Ngọc Mai: Chăm chỉ quan sát, không ngại học hỏi, làm thêm giờ là những gì mình đã làm để dần tích lũy kinh nghiệm.
Những thành công đầu tiên trong sự nghiệp
Bạn mất bao lâu để đạt được vị trí như hiện tại?
Nam Thi: Chức vụ cao nhất mà mình từng đảm nhận là Manage Editor (Giám đốc nội dung) cho tạp chí Vietnam Traveller - một ấn phẩm trực thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Sau khoảng hơn 1 năm tốt nghiệp ĐH, mình được giao phó trách nhiệm công việc này. Còn hiện tại, mình là BTV cho tạp chí L'Officiel Vietnam - một tờ tạp chí chuyên về Thời trang và Nghệ thuật của Pháp phiên bản Việt.
Thanh Tùng: Mình từng là Trưởng nhóm của 1 nhóm 4 người. Sau hơn 2 năm, mình đạt được vị trí này.
Ngọc Mai: Sau 2 năm làm công việc hành chính, mình cảm thấy bản thân đã đủ kinh nghiệm nên ứng tuyển vào vị trí Trợ lý Giám đốc của chính công ty mình và may mắn là mình đã đậu.
Kiến thức không bao giờ là vô nghĩa hay thừa thãi
Mặc dù làm trái ngành học, nhưng có khi nào những kiến thức trong trường ĐH cũng vô tình hỗ trợ cho công việc của bạn không?
Nam Thi: Khi còn là sinh viên, mình không phải người giỏi nhất trong lớp nhưng mình luôn tự tin rằng bản thân có khả năng ứng dụng những kiến thức được học vào công việc thực tiễn. Học Triết học mang lại cho mình 3 lợi thế: Năng lực nhìn nhận, khai thác, đánh giá vấn đề; Khả năng sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, và cuối cùng là Khả năng nghiên cứu.
Thanh Tùng: Hiện tại, kiến thức của ngành Tài chính - Ngân hàng chưa hỗ trợ cho mình nhưng mình nghĩ rằng trong tương lai, nếu có ý định kinh doanh hoặc đầu tư, những kiến thức đó chắc chắn sẽ có ích cho mình.
Ngọc Mai: Bạn biết đấy, ngoại ngữ không bao giờ là thừa trong thời đại này. Việc biết tiếng Trung và tiếng Anh không chỉ giúp mình có lợi thế khi xin việc, mà còn giúp mình tự tin giao tiếp với khách hàng hoặc hỗ trợ cho sếp.
Phan Việt: Mình thấy kiến thức cũng giống như công cụ, gặp vấn đề nào thì dùng công cụ đó. Mình làm truyền thông không có nghĩa là bỏ qua tài chính, kế toán hay quản trị kinh doanh. Khi đi làm mình vẫn phải làm việc với giấy tờ, hợp đồng với các đơn vị truyền thông khác, và các kiến thức đã học ở trường giúp mình rất nhiều.
Bạn có chia sẻ/lời khuyên gì dành cho những bạn sinh viên mới ra trường và có ý định làm trái ngành hay không?
Nam Thi: Hãy khéo léo biến những kiến thức bạn có thành điểm nhấn đặc biệt của bạn giữa một tập thể. Miễn là bạn không bỏ rơi nó, một ngày nào đó nó cũng sẽ không bỏ rơi bạn.
Thanh Tùng: Mình đã thử nhiều công việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau trước khi quyết định gắn bó với nghề lập trình. Vì thế mình nghĩ rằng không ngại thử sức chính là điều quan trọng nhất giúp bạn tìm được lĩnh vực phù hợp với bản thân.
Phan Việt: Theo mình điều quan trọng nhất là thực học. Trái ngành hay đúng ngành chỉ là cách diễn đạt theo tư duy trắng/đen, thay vào đó, bạn có thể nghĩ là bản thân đang học thêm ngành, có chăng là bây giờ bạn đang học qua làm việc.
Ngọc Mai: Làm trái ngành không hề dễ dàng nhưng cũng không quá khó khăn, chỉ cần các bạn chịu bỏ công sức nghiên cứu thật kỹ các yếu tố mà công việc yêu cầu (kỹ năng sử dụng word office, excel, ngôn ngữ,...) rồi dần dần cũng sẽ tìm được công việc phù hợp thôi.
Hành trình mà mỗi bạn trẻ tìm thấy công việc phù hợp và đạt được những thành công đầu tiên trong sự nghiệp có thể không giống nhau. Nhưng ở họ đều có một điểm chung là tinh thần ham học hỏi, không chùn chân trước khó khăn và luôn trân trọng những kiến thức đã được học trong trường ĐH, dù có trái ngành đi chăng nữa.
Chúng tôi mong rằng những chia sẻ "người thật, việc thật" này sẽ giúp những bạn trẻ mới ra trường có thêm động lực theo đuổi và tìm ra lĩnh vực thực sự phù hợp với bản thân, để mỗi ngày đi làm đều là một ngày vui!
Xin chân thành cảm ơn chia sẻ của các bạn. Chúc Nam Thi, Thanh Tùng, Ngọc Mai và Phan Việt sẽ luôn giữ được tinh thần cầu tiến và nhiệt huyết như hiện tại!
AMT