(Tổ Quốc) - Lễ hội chùa Hương được coi là hành trình về với miền đất Phật, chắc chắn không còn là điểm đến xa lạ đối với du khách thập phương. Thu hút số lượng lớn phật tử tham gia hành hương nhưng đây cũng chính là “tụ điểm” cho các đối tượng lợi dụng mê tín dị đoan để lừa gạt chiếm đoạt tài sản của du khách.
Đầu năm là dịp chùa Hương nhộn nhịp người đi lễ, cũng là thời điểm hoạt động buôn bán lừa đảo diễn ra sôi nổi nhất. Đến hẹn lại lên, ổ "buôn bán thần thánh" tiếp tục quay trở lại với các chiêu thức lừa đảo lợi hại hơn xưa, nhằm kiếm chác lợi nhuận mùa lễ hội mặc dù năm ngoái đã bị tóm gọn.
Ổ "buôn thần bán thánh" đã từng bị bắt giữ
Từ những bằng chứng của phóng viên kênh VTC16, cơ quan chức năng vừa bắt giữ nhóm người có dấu hiệu lợi dụng mê tín, dị đoan để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của du khách đến chùa Hương.
Vào ngày 20/02/2019, một nhóm đối tượng được thuê với giá vài chục triệu để khấn vái suốt mùa lễ hội bị lực lượng cảnh sát hình sự công an Thành phố Hà Nội bắt giữ vì có hành vi lợi dụng mê tín dị đoan hòng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của du khách.
Hàng trăm tượng sáp cậu bé đỏ được cất giữ, những cuốn sổ dày đặc họ tên khách hàng cùng số tiền lên đến vài chục triệu làm của riêng chứ không hề được đem đến đền chùa như lời lừa gạt của các đối tượng. Theo điều tra, các đối tượng khai nhận tất cả đều là hành vi lừa gạt "làm ăn thì có đôi lúc nói điêu".
Hơn nữa họ đều biết đây là hành vi vi phạm pháp luật nhưng "vẫn làm để kiếm cơm ăn". Kiếm cơm bằng cách "buôn bán thần thánh", còn du khách thì mua tín ngưỡng nhầm chỗ, mua niềm tin sai địa điểm.
Ngựa quen đường cũ
Tuy nhiên năm nay, vẫn là những đối tượng đó, vẫn là màn "buôn thần bán thanh" đã được sử dụng từ năm 2019.
Tuy đã bị lật tẩy toàn bộ cách thức lừa gạt, thế nhưng các đối tượng tiếp tục hành vi sai phạm. Năm nay đội ngũ lừa đảo vẫn gồm những gương mặt quen thuộc, tiếp tục lợi dụng mê tín dị đoan để kiếm tiền từ lòng tin của người đi lễ chùa. Vẫn là những cậu bé đỏ hay những lá bùa cùng lời lôi kéo mời gọi, hàng trăm du khách đã rơi "vào luồng" dụ dỗ.
Những lời khấn, các bức tượng phật bà, những âm thanh nửa đình nửa chùa cùng bàn thờ được lập cẩn thận khiến nhiều người lầm tưởng tụ điểm lừa đảo là chốn linh thiêng, bởi vậy có không ít du khách tới đây thành tâm khấn vái. Dựa vào những lời cầu mồ mả, đất đai, tình duyên, con cái cùng lời hỏi han đường mật mà du khách được lôi kéo vào từng bàn của các đối tượng khác nhau.
Tại đây các đối tượng lập tức ban phát cho du khách những cậu đỏ hay những lá bùa vơí lời chỉ dặn có cánh, chỉ cần "xoa tay vào đầu cậu thì sau này sẽ sinh được quý tử" hay "các thầy đã làm lễ chỉ cần về treo vào bàn thờ gia tiên thì các vong hồn sẽ không quấy quả gia đình nữa". Số tiền thu từ mỗi người khoảng 300 đến 400 nghìn, sẽ được "các thầy" đem đến ngôi chùa nào đó để xin chứ không hề lấy làm của riêng. Như vậy, "các thầy" dường như chỉ đang… làm phước, cứu giúp chúng sinh mà thôi.
Chỉ cần xoa đầu bức tượng này thì sau này sẽ sinh được quý tử - lời chào mời của các đối tượng đánh thẳng vào tâm lý mong cầu con của những cặp vợ chồng hiếm muộn.
Người dân đi lễ chùa đều có tín ngưỡng, niềm tin và ước vọng vạn điều tốt lành. Nên khi đến những nơi như đền chùa mọi người đều dễ dàng tin vào lời của những kẻ tự cho mình là thần là thánh. Bỏ ra vài trăm nghìn để mua sự may mắn là một cái giá quá rẻ. Mặc cho lời cảnh tỉnh với các chiêu thức lừa gạt, vẫn có rất nhiều đôi vợ chồng trẻ hay người làm ăn… tìm đến ổ buôn bán này.
Theo ghi nhận của chúng tôi, mỗi ngày có hàng chục, thậm chí hàng trăm du khách đến đây để được mua bùa, số tiền thu được lên tới vài chục triệu. Niềm tin của mọi người đã bị nhóm đối tượng lợi dụng với mục đích thu lợi nhuận.
Cách thức lừa đảo tinh vi có tổ chức của nhóm đối tượng trên khiến không ít du khách rơi vào cảnh "tiền mất tật mang". Cuối cùng, những du khách đi lễ chùa trở thành nạn nhân của những chiêu trò lợi dụng mê tín dị đoan không hề mới mẻ.
Phi Yến - Clip: Hoàng Tuân - Tuấn Tùng