(Tổ Quốc) - Đại dịch COVID-19 đã lấy đi sinh mạng của hàng nghìn người, trong đó có những người làm cha, làm mẹ. Trong phút chốc, hàng nghìn đứa trẻ lâm cảnh côi cút.
Cuộc sống vốn êm đẹp bỗng chốc như sụp đổ khi COVID-19 ập tới, anh Võ Hoàng Đấu (quận Tân Phú) mất cha, mất vợ chỉ trong một thời gian ngắn. 2 đứa con anh mất ông, mồ côi mẹ. Anh một mình, "gà trống nuôi con". Trong căn bếp nhỏ, nơi lưu giữ bao kỷ niệm của vợ chồng anh, nơi chị nấu những món ăn ngon cho cả gia đình nay lạnh lẽo khôn tả.
Tìm mẹ trong mơ
Là trụ cột về kinh tế, trước đây anh Đấu làm bảo vệ tại BigC Tô Hiến Thành (quận 10), nhưng đại dịch đã khiến anh mất việc. Cả gia đình từ đó đành sống dựa cả vào số tiền tiết kiệm tích cóp suốt nhiều năm trời.
Dịch chẳng có mắt, chẳng chừa một ai. Ngày cuối tháng 7, vợ anh Đấu được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2, có dấu hiệu trở nặng phải đến khu cách ly điều trị. Một ngày sau đó, tới lượt ba ruột anh phát bệnh, mất ngay tại nhà. Cũng chỉ một ngày sau đó, ngày 2/8, nỗi đau chất chồng khi anh nhân tin báo vợ đã mất tại khu cách ly tập trung.
Đại dịch lấy đi của anh ngần ấy, chỉ trong vài ngày ngắn ngủi.
Giờ đây, khi nhớ lại những ngày tháng ác mộng ấy, anh Đấu nghẹn ngào: “Lần lượt các thành viên trong gia đình đều bị phơi nhiễm, cùng sự ra đi đường đột của ba. Lúc đó tôi quá bàng hoàng và sợ hãi. Tôi đã có triệu chứng nhức đầu, nóng và sốt,lại có quá nhiều thứ để lo, ngay cả uống một viên thuốc hạ sốt tôi cũng không nhớ để uống”.
Ngồi trước bàn thờ mẹ, em Võ Hoàng Minh Khang (15 tuổi), và Minh Quân (17 tuổi) vẫn chưa khỏi bàng hoàng. Mất mẹ, cả gia đình như mất đi chỗ dựa tinh thần, Minh Quân từ nhỏ đã bị bệnh thiểu năng trí tuệ, tai bị lãng không nghe được âm thanh, giờ đây Khang phải thay mẹ, cùng ba chăm lo cho cả gia đình.
Khang nhớ lại ngày mẹ bệnh, phải đến khu cách ly điều trị, lo lắng và thương mẹ, nhiều lần em cố gọi vào số điện thoại của mẹ nhưng đầu dây bên kia lại chẳng có lời hồi đáp. Không từ bỏ, sau nhiều cuộc gọi, Khang đã được gặp mẹ, cuộc trò chuyện vỏn vẹn 30 giây và đó cũng lần cuối em nghe tiếng mẹ.
Gia đình Khang có đến 6 thành viên mắc COVID-19, đầu tiên là mẹ, sau đến ông nội cũng mất trong đại dịch, bà nội may mắn sau khi được đưa vào khu cách ly ở TP. Thủ Đức đã khoẻ lại. Nhưng đau lòng thay, ngày nhận tin mẹ mất cũng chính là ngày ba cha con Khang nhận kết quả dương tính với COVID-19.
Bây giờ mỗi lần nhớ về mẹ, cậu nhóc tuổi 15 chỉ biết tìm mẹ trong giấc mơ.
“Khi nghe tin mẹ phải đi cách ly, con rất lo lắng và sợ hãi. Ngày nào con cũng gọi điện động viên mẹ, mong mẹ khỏi bệnh. Ngày nghe tin mẹ mất con rất bàng hoàng, lúc đó con chỉ bất lực ngồi lặng thinh, không biết phải làm gì. Con tự động viên bản thân phải cố gắng vượt qua cú sốc lớn này và trở nên mạnh mẽ hơn”, Khang bộc bạch.
Mỗi tối trước khi đi ngủ, anh em Khang lại lẳng lặng đến bên bàn thờ, thắp cho mẹ nén hương rồi khe khẽ: "Mẹ ngủ ngon". Những lúc như vậy, lòng anh Đấu thắt lại. Mấy đứa con anh có lẽ còn quá bé để cảm nhận được hết nỗi đau mất mẹ, nhưng, chính sự hồn nhiên trong sự tang thương mất mát, lại như mũi dao cứa vào trái tim người lớn...
"Con ghét COVID lắm"
Tại căn nhà nhỏ trong con hẻm 258 đường Trần Hưng Đạo, quận 1, bé Nguyễn Mộc Quế Anh đang ngồi thẫn thờ trước cửa, hơn 20 ngày trước, em vẫn được sống trong vòng tay mẹ, nhưng dịch COVID-19 đã đến và cướp đi sinh mạng của mẹ em, khiến em trở thành trẻ mồ côi.
Quế Anh lớn lên trong con hẻm 258 Trần Hưng Đạo, người dân nơi đây ai cũng yêu quý, xem em như con cháu trong nhà, xót xa cho hoàn cảnh côi cút của Quế Anh, mẹ mất, bố ở xa, nhà ngoại thì thuộc diện đang cách ly, bà Hồ Thị Chào, người hàng xóm đối diện đã đón Quế Anh về nhà nuôi dưỡng.
“Từ ngày nó sinh ra đã ở sát bên nhà, cô thương nó từ nhỏ, cô chăm sóc chẳng khác gì mẹ nó, bởi vì mẹ nó hoàn cảnh khó khăn, đi học về là Quế Anh ghé qua đây cô cho ăn uống, ngủ, tới giờ thì mẹ chở đi học.
Bây giờ mẹ nó mất rồi, nếu nó muốn ở với cô thì cô sẽ chăm sóc như con cháu cô, nhưng nếu Quế Anh muốn về ba hay về nhà cậu thì cô cũng không có quyền ngăn cản”, bà Chào tâm sự.
Nhớ lại hơn 10 năm trước, khi chị Nguyễn Thị Dạ Thảo mới chân ướt chân ráo thuê nhà ở hẻm 258 đường Trần Hưng Đạo, quận 1, nhờ có bà con hàng xóm quây quần giúp đỡ, cuộc sống của chị và con gái được đỡ đần phần nào. Chị Thảo làm việc trên đường Bùi Viện, thu nhập chỉ đủ trang trải, dịch COVID-19 kéo đến khiến cuộc sống của gia đình chị ngày càng khó khăn.
Thế nhưng xót xa hơn nữa, giữa tháng 8-2021, chị Thảo có triệu chứng ho, khó thở, sợ mình lây bệnh cho con, chị dặn Quế Anh qua nhà bà Chào sống, không được về nhà. Thấy bệnh tình ngày càng trở nặng, chị được đưa vào Bệnh viện đa khoa Sài Gòn chữa trị, nhưng chỉ 2 ngày sau, gia đình nhận được tin chị không qua khỏi.
“Lúc nghe tin mẹ mất, Quế Anh ôm cô rồi oà lên khóc, ai cũng nghĩ mẹ Quế Anh đi điều trị về sẽ khỏi chứ không nghĩ là mất rồi, ngày đó bé khóc nhiều lắm, vừa khóc vừa kêu ‘mẹ ơi mẹ ơi’. Đến giờ bé vẫn nhớ mẹ nhiều, nói tới mẹ là nó khóc, nhiều khi đêm tối nhớ mẹ quá cứ nằm khóc thút thít”, bà Chào không khỏi bàng hoàng khi nghĩ về những ngày đó.
Trong khoảng thời gian khó khăn này, bà Chào là người đã an ủi, động viên Quế Anh vượt qua nỗi đau. Từ ngày nghe tin mẹ mất, em hay đứng trước cửa nhà, trông về căn nhà cũ, nơi có những kỷ niệm của hai mẹ con, nhiều khi quá nhớ mẹ, em khóc rấm rứt gọi “Mẹ ơi” khiến ai cũng xót xa.
Mỗi khi có ai nhắc về mẹ, Quế Anh lại buồn buồn: “Mấy hôm trước con mơ thấy mẹ vẫn bình thường, không có bị COVID mà mẹ cứ nằm đó, không có nói chuyện với con. Con ghét con COVID lắm vì nó cướp đi sinh mạng của mẹ con”.
Từ người dưng trở thành ruột thịt
Quế Anh chia sẻ với chúng tôi, em còn lưu giữ lại nhiều hình chụp hai mẹ con lúc ở quê, khi chúng tôi hỏi, em vội mở chiếc điện thoại Nokia cũ lên, từng ký ức của em và mẹ như được tái hiện lại qua những bức ảnh vỡ nét, thế nhưng ánh mắt Q.A lại tràn ngập niềm vui.
Gia đình không có điều kiện, ngoài chiếc điện thoại Nokia cũ, nhà trường đã hỗ trợ em thêm một chiếc điện thoại mới để học trực tuyến, sách vở thì chỉ gom góp từ những quyển sách cũ của các anh chị. Hiểu hoàn cảnh gia đình khó khăn, Quế Anh lại càng ra sức học tập để đền đáp tình yêu của mẹ, của gia đình bà Chào và những người đã chăm sóc, nuôi dưỡng em.
Dù chẳng phải máu mủ ruột rà nhưng từ nhỏ đến lớn bà Chào vẫn luôn dốc lòng chăm sóc Quế Anh từ miếng ăn đến giấc ngủ. Gia đình bà Chào chỉ có 2 vợ chồng bà cùng cô con gái đã lập gia đình, trước đó bà đã xem Q.A như cháu mình mà chăm sóc, nay em mồ côi mẹ, thương em nên bà muốn tiếp tục nuôi nấng, dạy dỗ em nên người.
Đại dịch COVID-19 đã khiến hơn 1.500 trẻ ở TP.HCM bỗng chốc mồ côi. Em mất cha, em mất mẹ, em thì mồ côi cả cha lẫn mẹ, đau thương chồng chất đau thương.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP.HCM, Thành phố hiện có hơn 1.500 trẻ em mồ côi do COVID-19. Thời gian qua, Thành phố đã khẩn trương triển khai các phương án hỗ trợ khẩn cấp, kịp thời động viên nhằm ổn định tâm lý bước đầu cho nhóm trẻ em đặc biệt này.
Hiện TP.HCM đang tiếp tục tổng hợp danh sách trẻ em mồ côi cha, mẹ vì dịch COVID-19 để kịp thời ban hành chính sách chăm lo lâu dài trong thời gian tới. Tùy theo điều kiện thực tế và nguyện vọng của các em cũng như người thân, Thành phố sẽ triển khai nhiều chính sách hỗ trợ trước mắt và lâu dài cho từng nhóm. Trong đó ưu tiên phương án nuôi dưỡng trẻ trong cộng đồng, tạo điều kiện cho các em tiếp cận giáo dục đến hết 18 tuổi.
UBND TP.HCM đã có văn bản gửi các sở, ngành, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức về hoạt động hỗ trợ, chăm lo cho trẻ mồ côi cha mẹ do dịch COVID-19. Theo đó, toàn bộ hoạt động hỗ trợ của tổ chức, cá nhân chăm lo cho nhóm đối tượng này phải thông qua sự quản lý và điều phối của UBND phường, xã, thị trấn để đảm bảo tính chu đáo, kịp thời, công bằng, công khai, minh bạch và đúng pháp luật.
Các địa phương được giao xây dựng kế hoạch tổ chức quản lý, chăm sóc chu đáo đời sống vật chất và tinh thần cho các em, đồng thời chủ trì vận động các tổ chức, cá nhân có tâm nguyện tham gia tùy khả năng.
Đặng Tuyết – Đặng Phương