(Tổ Quốc) - Dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát, tuy nhiên những gì mà nó đã "quét đi" thì mãi mãi không bao giờ trở lại.
Không có nỗi đau nào tàn nhẫn hơn con mất mẹ, vợ mất chồng... Những đứa trẻ bỗng chốc lâm cảnh côi cút. Để rồi có những đêm giật mình thức giấc, khóc nấc gọi "mẹ ơi"...
COVID-19 với chúng là cơn ác mộng đáng sợ nhất.
Ước mơ của bốn chị em mồ côi mẹ
Những cái ôm thật ấm mỗi lúc đi học về giờ đây trở nên xa vời với bốn chị em Võ Nguyên Tiền Định. Mẹ của em mất vì COVID-19.
Tiền Định là con gái thứ 2 trong gia đình 4 anh em. Bố các em là ông Võ Văn Đức đã mắc bệnh tai biến từ trước, nay mẹ mất, để lại 4 anh em Võ Nguyên Định (17 tuổi), Võ Nguyên Tiền Định (15 tuổi), Võ Nguyên Như Định (14 tuổi) và Võ Tấn Định (10 tuổi) đều đang ở trong tuổi ăn tuổi học.
COVID-19 lấy đi mẹ của Định, lấy đi cả cuộc sống vốn êm ả của gia đình em. Giờ đây mỗi khi nhắc về mẹ, Định lại nghẹn ngào.
"Em chỉ muốn ôm mẹ một cái, hôn nữa. Em muốn hỏi ước mơ của mẹ là gì. Trước giờ mẹ dành tất cả cho gia đình, sống cho gia đình, không làm gì cho bản thân hết.
Điều tiếc nuối nhất với em là không được gặp mẹ lần cuối, không nói với mẹ được tiếng nào".
Nhớ lại cách đây 1 tháng, khi dịch COVID-19 ùa tới, cả gia đình em 6 người đều không may trở thành F0. Kể từ lúc ấy, gia đình chia đôi ngả. Định và mẹ nhập viện cùng lúc rồi tách ra vì mức độ bệnh khác nhau, còn bố em (chú Võ Văn Đức) cùng 3 đứa nhỏ còn lại cách ly cùng một bệnh viện.
Đến cuối tháng 7, sau khi điều trị COVID-19, các thành viên trong gia đình lần lượt về nhà, nhưng chú Đức lại không thể liên lạc được với vợ. Lo lắng, chú Đức cùng Tiền Định đã tới bệnh viện nơi cô điều trị để hỏi thông tin thì mới biết, cô đã mất.
Sống để hoàn thành tâm nguyện của vợ
Dù đau đến xé lòng nhưng chú Đức phải cố nén nước mắt, chú nhìn thấy con gái phía xa đang khóc ngất đi khi biết không còn được gặp lại mẹ nữa. Rồi chú lại nhớ những đứa con thơ ở nhà, chú dặn lòng phải mạnh mẽ, không gục ngã.
Chú nhất định phải bước tiếp để chăm sóc cho tương lai của các con.
“Ngày bà ấy còn sống, chúng tôi đã nói dù mình có khổ cũng phải lo cho 4 con ăn học tới nơi. Tôi phải cố gắng để hoàn thành nguyện vọng đó, để lo cho Tấn Định (con út) học đến hết lớp 12 như anh chị”, chú Đức bồi hồi khi nhớ về vợ.
Lo cho các con ăn học nên người là tâm nguyện mà chú Đức nhất định phải hoàn thành cho vợ
Hoàn cảnh vậy nên mới 15 tuổi, ở cái tuổi mà bạn bè em còn mải chơi thì anh em Tiền Định đã phải học cách gánh vác, trên vai các em là rất nhiều lo toan, nhọc nhằn. Ngày trước khi còn mẹ, Tiền Định đã phải vừa học vừa phụ bán quán cơm, không chỉ em mà cả 4 anh em em ai cũng kiếm việc làm ngoài giờ để trang trải chi phí sinh hoạt.
Nay mẹ mất rồi, gánh nặng càng thêm trĩu vai.
Hơn một tháng trôi qua từ ngày mẹ mất, 4 anh em Tiền Định vẫn chưa thoát khỏi nỗi đau này, thế nhưng nghĩ tới ba, tới hoàn cảnh gia đình, Tiền Định biết mình phải cố gắng hơn nữa, em tâm sự:
“Khi nào hết dịch được đi học lại, em sẽ đi tiếp tục làm thêm ở quán cơm buổi chiều để kiếm tiền đóng tiền học, đỡ cho cha. Trên trường em có đăng ký học thêm nghề để sau này lỡ phải nghỉ ở lớp 12 thì em vẫn có nghề trong tay để hỗ trợ thêm cho gia đình”.
Không còn ba trên đời
Cùng hoàn cảnh giống như Tiền Định, COVID-19 cũng mang đến nỗi đau khôn nguôi cho gia đình em Lê Hoàng Hóa, lấy đi người ba của Hóa. Giờ nghĩ lại, những chiều ba chở mấy anh em đi ăn, đi mua sách vở, cứ như mới vừa hôm qua. Cả nhà giờ đây do một tay mẹ kế em gồng gánh.
Nhiều năm trước, ba mẹ Hóa ly hôn. Ba ở vậy nuôi mấy anh em ăn học bao năm trời, rồi ba gặp và đi bước nữa với mẹ hiện tại, là chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt. Chị Nguyên rất yêu thương mấy anh em Hóa, hết mực vun vén cho gia đình, lấp đầy khoảng trống người mẹ ruột để lại. Khi mẹ Ánh Nguyên mang thai đứa em út, đó là niềm vui của cả gia đình.
Cuối tháng 7, khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, ba Hoá đang đi làm ở xa, sợ nhiễm bệnh cho gia đình nên không dám về nhà, Hoá cùng ông bà nội về quê tránh dịch, nhưng chẳng ai ngờ đó lại là lần gặp cuối cùng của hai cha con.
Khi nghe tin anh trai mất, chị Lê Thị Kim Sa – cô ruột của Hoá khóc nức nở: “Em sốc lắm, đau lắm, nghĩ tới 3 đứa nhỏ không biết sao. Lúc lên bệnh viện làm thủ tục, em có xin bác sĩ cho em lên gặp anh lần cuối nhưng bác sĩ nói bệnh này không gặp được.
Mấy tháng nay anh đi làm cũng không được gặp mẹ với mấy đứa nhỏ".
Ngày ba Hoá mất, chỉ có chị Ánh Nguyên và chị Lê Thị Kim Sa lên nhận tro cốt, cả gia đình chẳng ai hay tin. Khi trò chuyện với chúng tôi, chị Ánh Nguyên liên tục nghẹn ngào. Vì ông bà đã già, còn mắc bệnh tim, con thì nhỏ dại, nên chẳng dám báo tin. Mọi chuyện chỉ có chị và em chồng vun vén.
“Mình nghĩ lúc đó chồng bệnh đau, mình là vợ mà không có chăm sóc quan tâm gì được, đau lắm. Lúc nào gọi mình cũng dặn ‘Anh ơi anh ráng ăn nha, tập thể dục, mua đồ xông vô, đi tới đi lui’, chồng mới nói ‘Anh lớn rồi anh tự lo được, em ở nhà ráng lo cho con, đừng đi đâu hết’.
Từ ngày chồng mất, mình không có ngủ, không ăn uống gì được, chỉ ngồi nhớ thương chồng, ảnh mất bỏ lại 3 đứa con, mình thì công việc bấp bênh, còn đó tiền nhà, tiền cửa, tiền ăn, tiền uống đủ thứ hết”, chị Nguyên tâm sự.
Chị Kim Sa kể, cho đến tận ngày nhận tro cốt của anh trai về, chị mới dám gọi báo cho Hoá biết tin, nghe tiếng khóc của cháu ở đầu dây bên kia mà chị đau xé lòng, hôm ấy Hoá cũng kể cho chị nghe, trước khi mất, ba Hoá đã gọi điện cho con trai lần cuối, và đó cũng là lần cuối cùng Hoá nghe giọng của ba.
“Trời ơi, sáng ngày 10 cha gọi điện cho con mà con đâu biết đó là ngày cuối cùng con nghe điện thoại của cha con đâu”.
Trụ cột duy nhất của gia đình không còn nữa, giờ đây, gánh nặng mưu sinh đè ập lên đôi vai bé nhỏ của người mẹ kế và cô ruột Hoá. Dịch bệnh kéo đến khiến công việc của chị Nguyên bấp bênh, gần tới ngày các con tựu trường, chị phải vay mượn khắp nơi mới đủ tiền xoay sở. Chẳng khấm khá gì hơn, chị Sa hiện cũng rơi vào tình trạng không có công ăn việc làm.
Thế nhưng, dẫu khó khăn đến thế nào, gia đình vẫn cố hết sức để các con được đến trường, đó không chỉ vì tương lai của các con mà đó còn là ước nguyện cuối cùng của ba Hoá.
Tại Việt Nam, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 19.000 người, hàng nghìn trẻ em rơi vào hoàn cảnh mồ côi, mất đi sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của cha mẹ, người thân…Hơn lúc nào hết, các em rất cần nhận được sự quan tâm đặc biệt và giải pháp toàn diện để hỗ trợ chăm sóc các em trong thời gian dài.
Để hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó có trẻ em mồ côi, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và cộng đồng xã hội đã cùng vào cuộc, chung tay hỗ trợ các em vượt qua khó khăn bằng nhiều nguồn lực, giải pháp khác nhau.
Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, trẻ em mồ côi không có nguồn nuôi dưỡng, được hưởng trợ cấp 900.000 đồng/tháng với trẻ dưới 4 tuổi và 540.000 đồng/tháng đối với trẻ từ đủ 4 tuổi trở lên.
Bên cạnh đó, khi sống tại nơi nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thì trẻ mồ côi còn được hỗ trợ tiền ăn; chi phí điều trị trong trường hợp không có thẻ bảo hiểm y tế; chi phí đưa về nơi cư trú hoặc đến cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội.
Đầu tháng 9/2021, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng quyết định hỗ trợ 2 triệu đồng/người cho trẻ em mồ côi cha mẹ; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch COVID-19 trong khoảng thời gian từ ngày 27/4-31/12/2021, kinh phí trích từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.
Trong trường hợp trẻ có sang chấn kéo dài hoặc khủng hoảng thông qua các biểu hiệu hành vi cảm xúc tiêu cực như thu mình, lo lắng, trầm cảm, kích động, căng thẳng, có ý nghĩ tự sát, chống đối… thì người thân cần liên hệ ngay bác sỹ tâm lý lâm sàng, hoặc tham vấn tâm lý để hỗ trợ các em.
Khi cần hỗ trợ tư vấn, ngoài Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, các địa phương, người chăm sóc trẻ có thể kết nối với các nhóm thiện nguyện ở đường dây nóng 1900636700, do các chuyên gia đầu ngành làm dịch vụ hỗ trợ trẻ em phụ trách. Dịch vụ được hoạt động từ 8 đến 22 giờ mỗi ngày.
Đặng Tuyết - Đặng Phương