(Tổ Quốc) - PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội cho hay, tổn thương nặng nhất đối với bệnh nhân nhiễm Covid-19 là tổn thương về phổi, hô hấp.
Đây là tổn thương nguy hiểm nhất đối với hậu Covid-19, có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như tuổi thọ của người bệnh.
Theo số liệu của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Hà Nội hiện có 1.767 bệnh nhân ở mức độ trung bình, 408 bệnh nhân ở mức độ nặng, nguy kịch. Trong số các bệnh nhân nặng nguy kịch có 336 bệnh nhân phải thở oxy Mask, gọng kính; 26 bệnh nhân thở oxy dòng cao HFNC; 6 bệnh nhân thở máy không xâm lấn; 38 bệnh nhân thở máy xâm lấn.
Người dân có thể đối mặt và gặp phải biến chứng gì hậu Covid-19?
PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội cho hay, tổn thương nặng nhất đối với bệnh nhân nhiễm Covid-19 đó là tổn thương về phổi, hô hấp.
"Giai đoạn đầu là sự tấn công của virus SARS-CoV-2, giai đoạn sau đó là sự tương tác của cơ thể, tổn thương phổi đòi hỏi phải có nhiều thời gian để hồi phục dần. Đây là tổn thương nguy hiểm nhất đối với hậu Covid-19, có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như tuổi thọ của người bệnh.
Bệnh nhân nằm hồi sức lâu cũng có thể bị tổn thương yếu cơ toàn thân, loét tuỳ đè, đột quỵ, bệnh lý nền kèm theo… Những người bị tổn thương phổi lớn hai bên, thậm chí không còn chỗ nào tình trạng phổi lành nữa rất khó qua khỏi.
Có trường hợp có thể vẫn huy động được một số vùng phổi đảm bảo đủ chức năng có thể tiếp nhận đủ oxy từ bên ngoài đưa vào cơ thể.
Có trường hợp bệnh nhân nặng sau 2 tháng điều trị hồi sức tích cực về nhà đã bỏ được oxy chứng tỏ một số vùng phổi cũng đã lành trở lại và phục hồi được. Đó là điều hy vọng để chúng tôi phục hồi chức năng hô hấp sớm cho bệnh nhân kể cả vấn đề về tâm lý bệnh nhân", ông Hải chia sẻ.
Đối với những bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhẹ, PGS.TS Hoàng Bùi Hải cho hay, trường hợp này chưa có tổn thương phổi nhưng có người phàn nàn bị mất ngủ, rối loạn vị giác, chán ăn, có người rối loạn tâm thần, trầm cảm… một số vấn đề khác như rối loạn kinh nguyệt.
Trước vấn đề có nhiều người suy nghĩ chủ quan rằng mình đã tiêm vaccine, khoẻ mạnh sẽ không ảnh hưởng gì, PGS.TS Hoàng Bùi Hải khuyến cáo người dân không nên chủ quan. Cộng đồng nên đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh, thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế và cơ quan chuyên môn dù đã tiêm vaccine.
"Một điều khẳng định là nếu đã tiêm vaccine nguy cơ bị nặng sẽ thấp hơn rất nhiều. Đối với mỗi cá thể chúng ta chưa biết được khi bị nhiễm SARS-CoV-2 mình sẽ như thế nào. Có những người đã tiêm vaccine vẫn bị nặng. Có trường hợp đã tiêm 2 mũi vaccine vẫn có thể bị nặng.
Đó là sự đáp ứng của từng cá thể và sự đáp ứng đó rất khác nhau của mỗi người. Có người nhìn rất khoẻ mạnh nhưng khi bị nhiễm Covid-19, sự tương tác với virus và tổn thương tự cơ thể gây ra cho mình rất lớn, ảnh hưởng rất nhiều tới phổi", PGS. TS Hải nhấn mạnh.
Bệnh nhân nhẹ không có triệu chứng cũng có thể có những biến chứng hậu Covid-19
Bác sĩ Chu Thị Quỳnh Thơ, Quyền Trưởng Khoa phục hồi chức năng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho hay, virus SARS-CoV-2 có thể gây tổn thương đa cơ quan, bệnh nhân Covid-19 sau khi đã qua khỏi giai đoạn cấp tính vẫn có thể có những triệu chứng tồn tại dai dẳng như khó thở, mệt mỏi, đau cơ.
"Có những rối loạn bệnh nhân hậu Covid-19 phải đối mặt như tình trạng suy giảm thể chất, nhận thức, rối loạn chú ý giảm khả năng tập trung. Đặc biệt, ảnh hưởng tới việc quay trở lại các chức năng sinh hoạt hàng ngày.
Một số bệnh nhân do can thiệp trong hồi sức có thể gặp như rối loạn nuốt sau khi đặt ống nội khí quản hay những rối loạn về sau. Chúng tôi can thiệp tất cả vấn đề về rối loạn chức năng của bệnh nhân", bác sĩ Thơ chia sẻ.
Theo BS Thơ, tuỳ từng rối loạn chức năng bệnh nhân gặp phải mà có những ảnh hưởng khác nhau trong sinh hoạt hàng ngày.
"Những bệnh nhân tổn thương phổi, xơ phổi nặng sẽ giảm chức năng thông khí của phổi, rối loạn chức năng hô hấp dễ khiến bệnh nhân gặp phải triệu chứng khó thở, hụt hơi, bệnh nhân ho dai dẳng. Với triệu chứng như vậy bệnh nhân rất khó quay trở lại với công việc hàng ngày bình thường.
Một số bệnh nhân sau khi ra viện họ không thể trở lại công việc cũ. Có rất nhiều bệnh nhân thậm chí nặng hơn nữa khi không thể giao lưu với hàng xóm, gần như chỉ làm những hoạt động đơn giản trong gia đình.
Như vậy ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh cả về tâm lý lẫn thể chất", bác sĩ Thơ cho hay.
Bên cạnh đó, bác sĩ Thơ cho biết thêm, những bệnh nhân nhẹ không có triệu chứng cũng có thể có những biến chứng hậu Covid-19 sau này, ví dụ như bị rối loạn giấc ngủ.
"Hiện tại Khoa phục hồi chức năng của chúng tôi đang xây dựng bộ công cụ để theo dõi bệnh nhân lâu hơn. Có những bệnh nhân cần được theo dõi kéo dài trong thời gian tới 6 tháng, thậm chí có những nghiên cứu theo dõi bệnh nhân tới 1 năm để có thể tầm soát, sàng lọc đối tượng có nhu cầu tiếp tục can thiệp về mặt y tế có thể phục hồi chức năng, tâm lý.
Với bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ sau này có vấn đề về mặt sức khoẻ như khó thở, rối loạn phát sinh khi hoạt động thể dục kháng sức phải gặp nhân viên y tế. Từ đó, mới xác định xem có nằm trong những ảnh hưởng hậu Covid-19 hay không hay bệnh lý nào khác.
Biến chứng hậu Covid-19 hay gặp ở bệnh nhân có nguy cơ cao, đối với những người cao tuổi chứ không phải tất cả đối tượng mắc Covid-19 đều gặp phải", bác sĩ Thơ cho biết thêm.
Theo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông tin, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.859.841 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.853.904 ca, trong đó có 1.476.231 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.Hồ Chí Minh (506.902), Bình Dương (291.270), Đồng Nai (98.545), Tây Ninh (81.135), Hà Nội (62.174).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, số bệnh nhân khỏi bệnh trong ngày là 14.633 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.479.048 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.006 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 4.239 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 884 ca; Thở máy không xâm lấn: 140 ca; Thở máy xâm lấn: 723 ca; ECMO: 20 ca.
Gia Đoàn