(Tổ Quốc) - Ngày càng có thêm nhiều những vụ việc đau lòng xuất phát từ nhu cầu trao đổi sữa mẹ để cho con bú.
Trẻ sơ sinh bị ngộ độc vì uống phải sữa bò pha loãng
Câu chuyện trẻ sơ sinh bị ngộ độc do uống sữa mẹ bị làm giả từ sữa ông thọ pha loãng đang gây xôn xao trên cộng đồng mạng, khiến các bà mẹ bỉm sữa vô cùng bức xúc.
Cụ thể, người mẹ này sinh non nhưng không đủ nguồn sữa để nuôi con. Vì quá lo lắng, người mẹ này đã tìm đến người có nhu cầu đổi sữa. Nhưng người đổi sữa cho chị thực chất lại chỉ trục lợi, kiếm tiền chứ không hề dư dả sữa như chị đã đặt lòng tin.
Nhằm trục lợi, người phụ nữ này đã pha sữa đặc – sữa ông thọ với vani (theo lời kể của chính người này) khiến em bé sơ sinh nhận nguồn sữa này bị ngộ độc và phải tiến hành cấp cứu.
Câu chuyện này như một lời cảnh tỉnh cho tất cả những người mẹ đang muốn mua hoặc xin sữa mẹ cho con uống. Thế nhưng, điều đáng buồn ở chỗ, đây không phải lần đầu tiên, cũng không phải lần duy nhất xảy ra vụ việc tương tự như thế này.
"Thị trường" trao đổi sữa mẹ hoạt động nhộn nhịp
Ngày nay, các bà mẹ đều hiểu tầm quan trọng của sữa mẹ đối với con trẻ. Song, không phải mẹ nào cũng có được nguồn sữa dồi dào, đáp ứng đủ cho nhu cầu của trẻ cả về chất lượng lẫn số lượng. Có lẽ đó cũng là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến "thị trường" trao đổi sữa mẹ tự phát trên mạng xã hội ngày càng hoạt động rầm rộ. Theo đó, số lượng thành viên tham gia các hội nhóm này cùng những hoạt động thường xuyên với lượng tương tác cao chính là minh chứng rõ rệt nhất cho điều này. Bất cứ bài đăng cho/tặng sữa mẹ nào vừa được đăng lên đã có các mẹ bình luận, nhắn tin để xin và trao đổi sữa.
Ở Việt Nam, hoạt động này mang hình thức chia sẻ giữa các bà mẹ. Có thể thấy, đối tượng tham gia vào các hội nhóm này thường là các mẹ khan sữa, đang nuôi con sinh non và ưa chuộng hình thức nuôi con bằng sữa mẹ.
Song, thông thường, các mẹ sẽ tặng hoặc trao đổi bằng hiện vật thay vì tiền bạc, ví dụ như đổi sữa để lấy bỉm, túi trữ sữa, quần áo cho con và một số vật dụng khác mà trẻ sơ sinh cần. Theo đó, một số bà mẹ chủ động mua túi trữ sữa; một số khác thì đơn giản là đem theo chai nhựa đã qua sử dụng để đựng sữa, rồi đông lạnh để dùng dần hoặc cho bà mẹ khác.
Tuy nhiên, bên cạnh những trường hợp đó thì cũng đã có rất nhiều người đem sữa mẹ ra để bán và lấy tiền. Đáng nói, dù các mẹ khan sữa vẫn chấp nhận dùng tiền mua sữa cho con nhưng ngay khi đang giao dịch qua mạng, họ đã bị lừa gạt trắng trợn, nhận tiền chuyển khoản của các mẹ khan sữa nhưng rồi "lặn mất tăm" hoặc không giao sữa như đã hẹn.
Không dừng lại ở đó, chỉ cần dạo lướt một vòng trong các hội nhóm được xây dựng nhằm mục đích cho và tặng sữa mẹ trên Facebook, để giúp đỡ các mẹ không có đủ sữa cho con bú có thể thấy rất nhiều câu chuyện bị lừa gạt đáng buồn đã xảy ra và được người trong cuộc lên tiếng từ sau vụ việc trẻ bị ngộ độc kể trên.
Những điều cần lưu ý khi xin/mua sữa mẹ cho con
Sữa mẹ có hàm lượng dinh dưỡng cao, vừa giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ nhỏ, vì vậy, sữa mẹ được coi là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, việc xin - cho sữa cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Vậy, khi đi xin sữa cho trẻ, chúng ta cần quan tâm đến những vấn đề gì?
- Chỉ nên xin sữa mẹ cho trẻ uống khi biết chắc người cho sữa không mắc những bệnh truyền nhiễm và quy trình hút/vắt sữa, bảo quản, vận chuyển được đảm bảo đúng. Bên cạnh đó, với những bà mẹ có nhiều sữa, muốn vắt/hút sữa cho trẻ khác cần vệ sinh bầu ngực cũng như rửa tay sạch sẽ trước khi thao tác. Đồng thời, các dụng cụ hút sữa, bình đựng sữa phải được tiệt trùng…
- Đối với những người không quen, khi đi xin sữa cần biết rõ tình trạng sức khỏe của người cho sữa và chắc chắn họ không mắc bệnh.
- Không xin sữa của các bà mẹ bị một số bệnh nguy hiểm như: HIV, viêm gan B, bệnh do siêu vi trùng… vì có thể lây truyền bệnh cho trẻ.
- Không xin sữa của các bà mẹ có bệnh ở vùng vú như: áp xe vú, vú bị viêm mủ… (trẻ có thể bị nhiễm khuẩn gây ỉa chảy)
- Các mẹ có bệnh da liễu cũng không nên xin sữa cho trẻ (cơ thể trẻ non nớt nên khả năng lây bệnh rất cao).
- Việc bảo quản sữa mẹ được khuyến cáo như sau: Nếu sữa mẹ vắt ra để ở nhiệt độ từ 25 độ C đến 35 độ C, giữ được 6 giờ đến 8 giờ, nếu để ngăn mát tủ lạnh nhiệt độ từ 4 độ C, giữ được từ 3 đến 5 ngày, nếu để ngăn đá tủ lạnh sẽ giữ được 3 tháng, trước khi cho trẻ ăn làm ấm sữa, không đun sôi, không dùng lò vi sóng.
Một số ngân hàng sữa mẹ uy tín tại Việt Nam các mẹ có thể tham khảo:
Nuôi con bằng sữa mẹ là biện pháp quan trọng giúp tăng cường sự sống còn và sức khỏe của trẻ. Theo đó, các mẹ có thể xin sữa mẹ tại các điểm sau:
Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng
Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Từ Dũ
Ngân hàng sữa mẹ vệ tinh Quảng Nam
Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh
Lam Anh