(Tổ Quốc) - Thì ra từ trước tới giờ, chị dâu vẫn luôn áp dụng chiêu này để đối phó với các thành viên khác.
Từ ngày chị dâu về nhà này, cuộc sống của đại gia đình dường như bị đảo lộn. Nói là chị dâu thì bởi cô ta lấy anh trai chồng tôi, chứ nếu xét theo tuổi tác, cô ấy kém tôi tận 2 tuổi. Tôi cũng chẳng để bụng gì, hễ có chuyện chia sẻ, giúp đỡ được, tôi không hề ngại ngần. Nhưng ngược lại, chị dâu rất thích gây khó dễ cho người khác, tự tiện làm theo ý mình và thậm chí còn lộ rõ bản chất ích kỷ.
Đứng đằng sau che chở, bảo vệ cho chị dâu là anh trai chồng - một hình mẫu đàn ông đúng chuẩn nhu nhược, vợ nói gì nghe đấy, kể cả có cãi lại lời của bố mẹ. Anh trai chồng bảo thủ và gia trưởng theo kiểu dở hơi, tức là ỷ vào thế mình là con cả, bắt các em phải làm thế này thế kia, nhưng bản chất lại sợ vợ, nghe vợ chỉ đạo tất cả.
Nhà chồng tôi có tất cả 4 anh em. 2 con đầu là con trai, 2 em út là con gái. Vì các cô em gái chồng kết hôn cũng không xa nên gia đình thường được tụ tập, gặp mặt. Vợ chồng tôi ở trên thành phố, bận mấy cũng cố gắng sắp xếp để về sum họp. Năm nay là năm thứ 2 tôi về nhà chồng, mọi thứ hẵng còn bỡ ngỡ nhưng tôi được cái rất nhiệt tình, bố mẹ nhờ làm gì là cố làm chỉn chu cho bằng được. Vả lại bây giờ mình nhiệt huyết xông pha, mai này có con ông bà cũng giúp đỡ nhiều.
Tôi không biết tình hình kinh tế của anh trai chồng và chị dâu ra sao, tôi chỉ thấy họ cũng có tiền xây nhà khang trang ở bên cạnh nhà bố mẹ chồng. Thực chất mảnh đất đó là bố mẹ chồng cho con cả. Về phía nhà tôi, vì chồng tôi kiếm được nhiều tiền nên anh cũng không nhận những khoản chia chác, để bố mẹ cầm hết an dưỡng tuổi già. Chính bởi kinh tế của nhà tôi khá vững chắc nên thi thoảng vợ chồng cũng gửi tiền về để đóng góp chút ít.
Theo cá nhân tôi nghĩ, đáng nhẽ ra chị dâu nên thấy biết ơn, hoặc không thì một lời cảm ơn là đủ. Các em ở xa vẫn hết lòng như vậy, chỉ mong trong những khoảnh khắc đoàn tụ thì vui vẻ. Thế nhưng chị dâu dường như tính toán chặt chẽ quá, khiến những người xung quanh cảm thấy khó thở. Mâm cơm cúng Tất niên năm nay là một ví dụ...
Vì năm nay công việc trên thành phố bận bịu nên mãi tới 28 Tết vợ chồng tôi mới về quê được. Cả hai cô em gái chồng cũng vậy nên bố mẹ chồng đã dặn là ngày 28 Âm lịch tháng Chạp sẽ cúng Tất niên và đại gia đình cùng ăn một bữa. Do không thể về sớm chuẩn bị được, tôi đã gửi tiền cho chị dâu rồi nói chị làm mâm cơm cúng Tất niên. Bởi bây giờ bố mẹ chồng đều tuổi đã cao rồi, trời gió lạnh ông bà đi chợ, nấu nướng nguy hiểm, nhỡ trúng gió thì rất tội. Chị dâu với anh trai chồng ở ngay cạnh thì giúp đỡ tốt hơn. Tôi gửi 1 triệu rưỡi để làm chị dâu chuẩn bị mọi thứ, còn dặn nếu hết nhiều hơn thì cứ bảo để đưa tiền.
Thế mà khi về quê, nhìn qua mâm cơm cúng, tôi thấy sốc óc tột độ. Đồ ăn dường như chuẩn bị không chu toàn, đến bát đũa tôi thấy vẫn chưa sạch sẽ. Thật sự tôi cực kỳ bất bình, đến các cô em chồng cũng chung cảm nhận. Họ bảo là "Biết thế này đã không cần nhờ chị dâu rồi".
Nhưng thôi thì cả nhà lâu lắm mới gặp nhau một buổi, ai nấy đều cho qua, không để bụng. Và rồi tới lúc tôi nghe được tâm tư của chị dâu, tôi mới hiểu ra tất cả. Lúc đó tôi ở trên nhà chị dâu, thấy chị ta và anh trai chồng đang nói chuyện. Anh trai chồng nói: "Chuẩn bị cơm cúng không chu toàn là tí mấy đứa kia nó lại chê đấy".
Nào ngờ chị dâu đáp thẳng thừng: "Chúng nó không ăn được, chê đồ ăn dở thì càng tốt, của càng còn. Nhà mình tối nay lấy ăn tiếp, mai ăn cũng được!"
Tôi khi đó quá sốc nhưng không dám lên tiếng sợ to chuyện. Thật sự lúc ngồi vào mâm, tôi càng cảm nhận rõ hơn tâm địa của chị dâu. Cô ta làm gà còn rất sống, những đồ ăn khác thì thiếu vị, mọi người đều chê nên không ăn được nhiều. Cuối bữa, chị dâu lại nhanh tay gói bọc đồ ăn lại.
Tới giờ này khi viết ra lời tâm sự, tôi vẫn còn rất giận chị dâu. Mọi người đối xử với chị ta rất tốt, tại sao chị dâu lại suy nghĩ ích kỷ, hồ đồ đến thế?
M.B