(Tổ Quốc) - "Nhìn đĩa thức ăn bị chọc đũa tung tóe, cạnh mâm còn nguyên phần xương cá của chồng để lại mà em phát điên, không thể bưng bát nuốt nổi miếng cơm" - Hà chia sẻ.
Theo lẽ thông thường, người chồng chính là trụ cột trong gia đình. Họ sẽ ra ngoài xã hội bươn chải, làm ăn để kiếm tiền chăm sóc cho vợ con, lo cho cuộc sống gia đình của mình.
Nhưng riêng nhà Hà thì khác. Hơn 5 năm nay, cô phải nuôi không anh chồng, còng lưng làm việc để lo cho 5 "cái tàu há miệng".
Chiến - chồng Hà là người có bằng cấp đàng hoàng. Tuy nhiên anh bị "ảo tưởng sức mạnh" về tài năng của mình. Chiến chê việc lương thấp, nhưng nơi nào trả lương cao thì anh lại không đủ năng lực. Làm chỗ nào cũng chỉ được vài tháng là Chiến bị tống khỏi ông ty. Bởi anh đi làm vô tổ chức, thích đến thì đến, thích nghỉ là nghỉ, đi muộn như cơm bữa...
Ai hỏi về công việc, Chiến cũng đều chống chế rằng: "Ôi dào, làm ăn là việc cả đời chứ có phải 1-2 ngày đâu. Phải tìm được chỗ nào có lương cao, chế độ ngon, không bắt làm nhiều thì mới đáng làm. Mình ăn học 5 năm ra cũng phải có cái giá trị chứ". Và cứ như thế, từ ngày Chiến ra trường đến nay cũng đã được hơn 5 năm, anh vẫn chưa đi làm chỗ nào được quá 1 năm.
Hà cho rằng, trên đời này có cuộc thi mang tên "Vô lo, vô nghĩ" thì chắc chồng chị là quán quân. Bởi, thứ duy nhất anh lo trong ngày đó là việc ăn. Chiến chỉ sợ đói, sợ khát chứ tất tật việc nhà đã có vợ mình làm hộ.
Mang tiếng con trưởng, sau này kế vị trưởng họ mà Chiến chẳng bao giờ phải bỏ tiền ra lo cỗ bàn, giỗ chạp gì. Vì muốn đẹp mặt chồng, đẹp mặt mình, Hà đều thay mặt anh đứng ra chi tiền, lo toan tất cả.
Cái khiến Hà bực và ức chế nhất chính là ý thức của Chiến. Anh đã không kiếm ra tiền nhưng còn lười, chẳng bao giờ chịu làm việc nhà, suốt ngày nằm ườn ra đợi cơm mẹ chồng nấu. Móc được tí tiền nào trong ví vợ thì nhanh nhanh chóng chóng đi nhậu với bạn bè hoặc nướng vào lô đề. Đã thế Chiến còn mải chơi, vô tâm với Hà.
Hôm qua, trời mưa tầm tã cả chiều, Hà tan sở ra về đúng lúc tắc đường. Thường ngày cô chỉ đi hết 30 phút là về đến nhà, nhưng hôm qua hơn 1 tiếng dầm mưa mà cô chưa đến nơi.
Về đến nhà Hà vừa đói vừa mệt, chồng thì nằm vắt chân chữ ngũ ở ghế sofa chơi điện tử, cũng chẳng được câu hỏi han xem Hà có bị ướt hay có lạnh không... Đã thế, thi thoảng anh lại cười oang oang, hoặc chửi thề vì đang mải game.
Đến lúc mở mâm cơm ra ăn, Hà thực sự cảm thấy chạnh lòng tủi thân. Đĩa cá hấp bị chọc đũa be bét, một bên con cá đã ăn hết, trơ bộ xương sống ra ngoài. Rau cũng không còn, chỉ để lại 1 bát nước canh. Bát đũa đã dùng rồi thì để lộn xộn bên ngoài, không ai buồn để vào bồn rửa. Nhưng bát đũa để Hà ăn thì không có. Nhìn đúng không khác gì mâm cơm thừa sau khi cả nhà đã ăn no nê.
Nước mắt Hà trực rơi ra vì cay cú. Cô cất tiếng hỏi chồng sao lại phần cơm cho người ăn sau tuềnh toàng như vậy, thì anh tặc lưỡi: "Có thịt, có cá còn chê cái gì. Ăn nhanh lên mà rửa bát".
Điên quá, Hà hất đổ mâm cơm, thức ăn bay tung tóe ra sàn nhà. Cô lớn giọng: "Thôi khỏi, tôi không phải là đứa ở của cái nhà này mà phải ăn đồ thừa như thế. Tiền tôi chi ra tôi đáng được ăn đồ ngon chứ?".
Chiến trừng mắt với vợ: "Đi làm thì về muộn lại còn đòi hỏi gì. Muốn ăn với cả nhà thì phải về sớm chứ?".
Hà cạn lời với Chiến, đã thế cô chẳng cần nhượng bộ: "Ồ thế tôi đi làm thì được tiêu tiền cho riêng mình tôi chắc? Anh đã nói thế rồi thì tôi cũng tuyên bố thẳng, từ nay tôi sẽ ăn ngoài. Tiền ăn của cả nhà anh tự kiếm tiền rồi đưa cho mẹ. Tôi ra ngoài ăn ngon mà có khi còn tiết kiệm được khối.
Anh bỏ cái thói sống ích kỷ đó đi. Đứa giỏi chịu đựng như tôi mà còn phát điên thì không con nào chịu được anh đâu. Anh cứ như thế thì tôi mang con về nhà ngoại".
Nghe thế, Chiến có phần thất kinh, lo lắng. Anh lập tức hạ tông giọng với vợ, nịnh nọt cô ở nhà để anh hâm nóng lại thức ăn. Nhưng Hà bỏ ra ngoài ăn chẳng thèm đoái hoài đến Chiến. Cô chán sống cuộc sống phải chu cấp cho người khác lắm rồi. Đã đến lúc Hà nghĩ mình phải làm mạnh tay. Cô càng nhân nhượng với Chiến, anh ta sẽ càng lười và nhu nhược.
Hướng Dương HT