Nhìn cảnh bé gái nhảy múa vui vẻ, ít ai biết được về căn bệnh mà cô bé đang phải đối mặt

(Tổ Quốc) - Xem đoạn clip, mọi người đều tin rằng sự lạc quan chính là phương thuốc chữa trị tốt nhất cho căn bệnh không có thuốc chữa này.

Clip cô gái béo vì bệnh tật nhưng tự tin nhảy múa trong trang phục cổ trang thu hút sự chú ý của cư dân mạng

Mới đây, một đoạn clip nhảy múa của cô bé tên là Wang Min, sống ở Lô Châu (Tứ Xuyên, Trung Quốc) được chia sẻ rầm rộ. Trong clip, cô bé đang nhảy múa vui vẻ, tự tin. Ít ai biết rằng Wang Min bị bệnh lupus ban đỏ hệ thống từ năm học lớp 7, và đã bị tăng cân do uống thuốc nội tiết tố chữa căn bệnh này.

Wang Min cho biết, cô đã học múa trong 4 năm kể từ năm 2007. Sau đó, cô trở nên béo lên do uống thuốc hormone vì bệnh tật nên đã không khiêu vũ trong suốt 11 năm. Với sự động viên của các thành viên trong gia đình và người hâm mộ, Wang Min đã dần thoát ra khỏi sự tự ti và nhảy trở lại. Có một điều rõ ràng là nhờ vào khiêu vũ mà cô ngày càng tự tin hơn.

Sự lạc quan của Wang Min đã thu hút sự chú ý của mọi người và ai cũng đều tin rằng lạc quan chính là phương thuốc chữa trị tốt nhất cho căn bệnh lupus ban đỏ này.

Clip nhảy múa của cô bé tên là Wang Min, sống ở Lô Châu (Tứ Xuyên, Trung Quốc) được chia sẻ rầm rộ.

Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh gì?

Theo thông tin từ Cleveland Clinic – một trung tâm y tế học thuật phi lợi nhuận, quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu của Mỹ - lupus ban đỏ hệ thống là bệnh tự miễn kéo dài suốt đời. Nó khiến người bệnh bị đau khớp, sốt, phát ban và tổn thương các cơ quan. Khi mắc bệnh này, hệ miễn dịch – vốn được xem là hàng rào bảo vệ cơ thể trước các căn bệnh nhiễm trùng – sẽ tấn công ngược lại cơ thể. Điều này dẫn đến một loạt các triệu chứng gây hại cho tim, phổi, não, thận và da. Theo thời gian, các tổn thương này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

Bệnh lupus ban đỏ hệ thống thường xuất hiện nhiều ở trẻ em trong độ tuổi tiền dậy thì hoặc dậy thì. Nguyên nhân chính xác của bệnh lupus vẫn chưa được biết đến. Song, các nhà khoa học nghi ngờ có thể là do các yếu tố di truyền đã khiến hệ miễn dịch phải hoạt động quá mức.

Ngoài ra, còn có một số yếu tố có thể góp phần gây ra bệnh lupus như nhiễm trùng, phơi nắng quá mức, phản ứng thuốc, tiếp xúc với khói thuốc lá, thay đổi nội tiết tố trong tuổi dậy thì…

Nhìn cảnh bé gái nhảy múa vui vẻ, ít ai biết được câu chuyện về một căn bệnh thường xuất hiện nhiều ở trẻ độ 12 tuổi - Ảnh 2.

Khi mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống, trẻ sẽ bị đau khớp, sốt, phát ban và tổn thương các cơ quan nội tạng (Ảnh minh họa).

Bệnh lupus ban đỏ hệ thống ở trẻ em được điều trị như thế nào?

Theo các bác sĩ, hiện tại vẫn chưa có cách chữa khỏi bệnh lupus ban đỏ này. Họ vẫn chỉ đang tập trung vào việc kiểm soát các triệu chứng và quản lý tình trạng bệnh theo thời gian. Mục tiêu chính của việc điều trị này là làm giảm các triệu chứng lupus và ngăn không cho hệ miễn dịch tấn công vào các cơ quan quan trọng của trẻ. Vì nếu không ngăn cản kịp thời, căn bệnh này sẽ gây tổn thương vĩnh viễn cho các cơ quan như thận, tim, phổi và não.

Prednisone là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả và nhanh nhất để kiểm soát tình trạng viêm tích cực ở bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Tuy nhiên, việc sử dụng phương pháp này lâu dài có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng, chẳng hạn như hệ thống miễn dịch bị ức chế, tăng cân, rạn da, huyết áp cao, loãng xương, trầm cảm, tiểu đường, tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể.

Những tác dụng phụ này có thể ảnh hưởng lớn đến ngoại hình, tâm lý cũng như sự tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ. Vì vậy, điều quan trọng là các cha mẹ phải đưa con đến gặp bác sĩ thường xuyên để theo dõi những tác dụng phụ này.

Cũng bởi vì nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lupus ban đỏ hệ thống chưa được tìm thấy, do đó, không có cách nào có thể ngăn chặn tình trạng này. Tuy vậy, cha mẹ vẫn có thể giúp trẻ kiểm soát bệnh và tránh những tác nhân gây bệnh bùng phát mạnh mẽ bằng một số lưu ý sau:

- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Cha mẹ hãy cho con mặc áo chống nắng để bảo vệ da mỗi khi trẻ ra ngoài trời nắng.

- Ngủ đủ giấc, từ 7-9 tiếng/đêm.

- Uống đủ tất cả các loại thuốc theo quy định.

Nguồn: Sina, P.D, Cleveland Clinic

HỒNG HẠNH

Tin mới