(Tổ Quốc) - Tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh cực non và non tháng của khoa đã được cải thiện từ khi tất cả trẻ sơ sinh sinh non được sử dụng sữa mẹ ruột hoặc sữa mẹ thanh trùng, không còn sử dụng sữa công thức.
Tính từ lúc hoạt động đến nay, có 25 trường hợp được sử dụng miễn phí sữa mẹ thanh trùng từ ngân hàng sữa mẹ của Bệnh viện Từ Dũ. Bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh, trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) cho biết thông tin này trong ngày 12/11, khi Bệnh viện tổng kết 6 tháng hoạt động của Ngân hàng sữa mẹ.
Ngân hàng sữa mẹ - Bệnh viện Từ Dũ được chính thức khai trương vào ngày 10/4/2019. Sau 6 tháng hoạt động, Ngân hàng sữa mẹ đã vận động được 135 bà mẹ hiến tặng sữa, trong đó có 120 bà mẹ đã được thu nhận sữa mẹ.
Trong đó có 42 bà mẹ có con sinh non đang điều trị tại khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ và 78 bà mẹ ở cộng đồng. Các bà mẹ đã hiến tặng cho Ngân hàng sữa mẹ tổng cộng 2.056 lít sữa mẹ. Trong đó, người hiến tặng nhiều nhất là chị Đỗ Phượng Quyên lên đến 172 lít sữa.
Bác sĩ Từ Anh chia sẻ, Ngân hàng sữa mẹ đã chạy được 235 lượt thanh trùng sữa, trung bình 2 lượt mỗi ngày và 6 ngày trong tuần mới đáp ứng được nhu cầu sử dụng.
Tổng cộng có 2.768 trẻ sơ sinh đã được dùng sữa mẹ thanh trùng, trong đó có 1609 trẻ sơ sinh bệnh nặng.
Trong số này, có 25 trường hợp được sử dụng miễn phí vì gia đình nghèo, mẹ bệnh nặng, mẹ tử vong vì tai nạn giao thông. Có 1 trường hợp mẹ là người Campuchia hoàn cảnh khó khăn.
Ngân hàng sữa mẹ đã giúp cứu sống nhiều trẻ sinh non. Tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh cực non và non tháng của khoa đã được cải thiện từ khi tất các trẻ sơ sinh sinh non được sử dụng sữa mẹ ruột hoặc sữa mẹ thanh trùng, không còn sử dụng sữa công thức. Tỷ lệ tử vong của nhóm trẻ cực non dưới 28 tuần tuổi thai đã giảm được khoảng 20% so với trước khi có Ngân hàng sữa mẹ.
Đến dự buổi tổng kết, chị Nguyễn Thanh Tâm (32 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết mình rất hạnh phúc khi được góp một phần sữa mẹ của mình để đóng góp cho Ngân hàng sữa mẹ của Bệnh viện Từ Dũ.
"Trước đây khi sinh bé đầu tiên vào năm 2016, vì chưa có ngân hàng sữa nên mình phải tìm nhiều nguồn để cho. Các tủ sữa bên ngoài dù vẫn được đón nhận nhưng vấn đề an toàn ít nhiều cũng khiến mình lo lắng.
6 tháng nay mình vừa được hiến tặng nguồn sữa dư, vừa được các bác sĩ, nhân viên y tế hướng dẫn cách vệ sinh, cách vắt sữa, giữ gìn nguồn sữa mẹ đúng. Ban đầu cũng gặp khó khăn vì phải thức khuya. Nhưng dần dần cũng quen và thấy rất thoải mái.
Có Ngân hàng sữa mẹ an toàn, đạt chuẩn thì trước hết vừa có lợi cho mình, sau đó cũng có lợi cho các trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non, thiếu tháng" - chị Tâm nói.
Song song với hoạt động của Ngân hàng sữa mẹ, ý thức về nuôi con bằng sữa mẹ của các bà mẹ có con điều trị tại khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ cũng tăng lên.
Thời gian trung bình sử dụng sữa mẹ thanh trùng của trẻ điều trị tại khoa Sơ sinh đã giảm từ 9,7 ngày lúc Ngân hàng sữa mẹ mới khai trương xuống còn 5,1 ngày.
Các bậc cha mẹ cũng nhận thức được giá trị và vai trò quan trọng của sữa mẹ nên ý thức hơn trong việc giữ gìn nguồn sữa mẹ và tích cực gửi sữa mẹ vào cho con.
Ngân hàng sữa mẹ được xây dựng từ nguồn vốn phát triển sự nghiệp của Bệnh viện Từ Dũ, với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của sáng kiến Alive and Thrive thuộc tổ chức FHI 360 và tài trợ một phần kinh phí xây dựng từ quỹ Irish Aid của chính phủ Ireland.
Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ được đánh giá có quy mô lớn nhất Đông Nam Á về cơ sở vật chất và công suất.
Hoàng Lê