(Tổ Quốc) - Ai cũng hiểu rằng, thực phẩm để ở dạng cấp đông sẽ giúp bảo quản được lâu nhất có thể. Thế nhưng cấp đông kiểu này thì đúng là... không còn gì để nói.
Cấp đông thực phẩm là một trong những bước tiến của khoa học để bảo quản thực phẩm được lâu hơn trong khi vẫn đảm bảo dinh dưỡng, độ tươi ngon. Theo ThS.BS Doãn Thị Tường Vi (Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198), thực phẩm ở chế độ cấp đông thường là thịt, cá, tôm, cua và những loại thức ăn có nguồn gốc động vật nói chung.
Nếu là nguồn thực phẩm để dành thì phải tiến hành cấp đông ngay bởi vì chúng chứa rất nhiều đạm, rất dễ bị phân hủy, ôi thiu nếu để ở nhiệt độ bình thường. Sau khi cấp đông, muốn chế biến thực phẩm, tất nhiên bạn cần rã đông thực phẩm.
Bạn rã đông thực phẩm như thế nào? Không ít các mẹ nội trợ hiện nay có thói quen rã đông thực phẩm bằng cách để ra ngoài, có thể đổ nước lạnh vào hoặc thậm chí quay lò vi sóng cho nhanh rã đông.
Thế nhưng khi cân đo đong đếm lượng thức ăn, thấy một lần nấu là quá thừa. Thế là cùng với sự hỗ trợ của con dao, cái thớt, chị em thoăn thoắt đôi tay cắt ngay một miếng thịt, cá... mình ước lượng phù hợp để nấu. Số thịt cá vừa mới được rã đông thành công còn thừa, chúng ta vô tư đem vào cấp đông lại dùng cho những lần sau. Cứ như thế, không chỉ một lần mà có thể vài lần, miếng thịt, con cá mới được đem ra nấu hết. Hành trình cấp đông sang rã đông rồi lại cấp đông cứ lặp đi lặp lại cho đến khi thịt cá hết hẳn.
Ai cũng hiểu rằng, thực phẩm để ở dạng cấp đông sẽ giúp bảo quản được lâu nhất có thể. Thế nên, không ít người tặc lưỡi, rã đông rồi mà không dùng đến thì cứ cấp đông lại và dùng cho những lần sau, mọi thứ cứ tự nhiên như chưa từng xảy ra điều gì. Thực tế, cách làm này không hề tốt chút nào như bạn đang nghĩ.
Cấp đông thực phẩm đã bị rã đông dù một lần hay nhiều lần cũng khiến thực phẩm dễ ôi thiu, mất chất
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), quá trình rã đông và cấp đông thực phẩm lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ làm biến đổi cấu trúc, hương vị thực phẩm, khiến các loại thực phẩm của chúng ta không còn hương vị thơm ngon như ban đầu nữa.
Ai cũng biết, cấp đông thực phẩm để thực phẩm không bị vi khuẩn tấn công, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm khi ăn uống. Khi bạn cấp đông thực phẩm (nhất là với những thực phẩm được chế biến sạch sẽ trước khi đem đi cấp đông) thì sẽ có rất ít vi khuẩn còn sót lại, đem vào tủ lạnh cấp đông thì chúng sẽ ở chế độ ngủ đông. Khi đem rã đông và chế biến đúng cách, chúng sẽ bị tiêu diệt và chúng ta ăn những món ăn như vậy một cách an toàn.
Với những thực phẩm đem tái cấp đông, tức là thực phẩm vừa rã đông xong xuôi, bạn lại đem cất vào tủ lạnh để làm đông lại. Quá trình làm lạnh trong ngăn tủ đông của các loại tủ lạnh gia đình hiện nay là chậm.
Sự chậm trễ này tạo điều kiện cho vi khuẩn có thời gian sinh sôi, nảy nở thêm trong vòng vài giờ trước khi thực phẩm được làm lạnh lại để ngăn chặn, hạn chế sự sinh trưởng của chúng. Nhất là phần sâu bên trong thực phẩm cần phải có nhiều thời gian hơn nữa để làm lạnh và đông lại. Lần sau bạn đem ra chế biến, thực phẩm này đã ở một giai đoạn mới, vi khuẩn xâm nhập nhiều và biểu hiện rõ bằng hương vị thực phẩm không còn thơm ngon đúng vị. Lúc này, nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhiễm khuẩn sẽ rất cao.
Giải pháp trong trường hợp này là gì? Chuyên gia khuyên, tốt nhất bạn nên là người nội trợ có tính toán một chút. Hãy để ý lượng thực phẩm cần nấu và lấy ra lượng phù hợp nhất, thay vì mang hết ra rã đông một thể. Để thực hiện được điều này, tốt nhất ở khâu đựng thực phẩm vào túi, vào hộp trước khi cấp đông, bạn nên dùng dao chia nhỏ thịt cá ra, phân thành từng túi, hộp nhỏ sẽ hợp lý hơn.
Rã đông thực phẩm đúng cách - Bạn có thể làm theo một trong những cách sau!
Vị chuyên gia khẳng định, để rã đông thực phẩm, bạn có thể làm một trong 3 cách sau:
- Sử dụng lò vi sóng ở mức nhiệt độ thích hợp, không quá lớn.
- Cho thực phẩm vào ngăn mát tủ lạnh để rã đông từ từ. Ở cách này, bạn sẽ mất khá nhiều thời gian để rã đông thực phẩm nhưng sẽ giúp thực phẩm giữ được nguồn chất dinh dưỡng tối đa.
- Ngâm thực phẩm vào nước lạnh. Tuy nhiên, trước khi ngâm, bạn cần đảm bảo bọc thực phẩm kín trong túi nilon làm từ nhựa trong suốt để chất dinh dưỡng không bị thôi ra ngoài, không bị trôi theo nước và đảm bảo độ an toàn cho thực phẩm.
Chuyên gia khuyến cáo thêm: "Tuyệt đối tránh rã đông thực phẩm bằng cách sử dụng nước nóng. Làm như vậy có thể làm cho lớp ngoài của khối thịt rã đông nhanh nhưng cũng tạo nhiệt độ thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, từ đó làm miếng thịt bị nhiễm khuẩn, mất chất dinh dưỡng". Do đó cách rã đông này không được chuyên gia khuyến khích nên áp dụng.
Ngoài ra, sau khi rã đông thực phẩm cần chế biến ngay, tránh để lâu ở ngoài môi trường hay tiếp tục cấp đông trở lại.
TH